Vai trò của pháp luật quản lý lao động nước ngoài

Một phần của tài liệu document (Trang 32 - 34)

Xét mối quan hệ giữa pháp luật và nhà nước từ học thuyết nhà nước pháp quyền, có thể thấy pháp luật quản lý lao động nước ngoài có vai trò to lớn trước hết là thiết lập nên các nguyên tắc quản lý và mô hình quản lý đối

với lao động nước ngoài bởi nhà nước pháp quyền có một hạt nhân lý luận quan trọng là nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật hay nhà nước chỉ là một cấu trúc pháp lý [26, tr. 20]. Điều đó có nghĩa là nhà nước và các đạo luật được sinh ra từ luật gốc (Hiến pháp). Do đó từ nhu cầu quản lý đối với lao động nước ngoài, người ta xây dựng các đạo luật xác định các nguyên tắc và mô hình quản lý lao động nước ngoài. Bản thân các nguyên tắc và các mô hình quản lý này cũng chịu sự chi phối của các điều ước quốc tế, chẳng hạn như trên đã nói các điều ước đó bao gồm: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948; Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước quốc tế về việc bảo vệ quyền của tất cả người lao động di trú và thành viên gia đình họ năm 1990… Cụ thể, Công ước số 150 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thể hiện rõ sự chi phối của các qui tắc pháp luật tới vấn đề quản lý lao động. Điều 1, khoản b của Công ước này nhận định: “Thuật ngữ “hệ thống quản lý lao động” bao gồm mọi cơ quan hành chính quản lý nhà nước có trách nhiệm và/hoặc có hoạt động quản lý lao động, dù đó là cơ quan ở bộ hoặc các thể chế công cộng, kể cả cơ cấu nửa nhà nước và các cơ quan hành chính khu vực hay địa phương, hoặc mọi hình thức hành chính phi tập trung khác, cũng như mọi cấu trúc thể chế được thiết lập nhằm phối hợp các hoạt động của những cơ quan đó và nhằm thực hiện việc tham khảo ý kiến và sự tham gia của người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức của họ”. Với quan niệm như vậy, Công ước này còn ấn định nghĩa vụ cho các quốc thành viên như sau: “Mọi quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước này, theo pháp luật hoặc tập quán quốc gia, có thể ủy nhiệm hoặc giao phó một vài hoạt động quản lý lao động cho các tổ chức phi chính phủ, nhất là các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động, hoặc khi thích đáng, cho các đại diện của người sử dụng lao động và của người lao động” (Điều 2). Tóm lại vai trò

trước hết của pháp luật là thiết lập nên các nguyên tắc và mô hình hay hệ thống quản lý lao động nước ngoài.

Xét mối quan hệ giữa chính sách và trách nhiệm quản lý nhà nước với pháp luật từ giác độ vai trò sử dụng pháp luật của nhà chức trách cụ thể thì có thể thấy pháp luật là một công cụ hay phương thức quản lý quan trọng nhất của chính quyền. Điều đó có nghĩa là từ nhu cầu quản lý lao động nước ngoài, nhà nước thiết kế chính sách, và thực thi chính sách, cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình thông qua các qui tắc pháp luật được ban hành phù hợp với chính sách và các nhiệm vụ quản lý đó. Ở nghĩa này TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh tới ban hành các qui định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài như một “phương diện hoạt động chủ yếu” của các cơ quan nhà nước [19, tr. 6 - 8]. Tuy nhiên có thể hiểu quốc hội hay nghị viện không phải là cơ quan quản lý nhà nước, có nghĩa là khi nói tới cơ quan quản lý nhà nước là nói tới các cơ quan trong bộ máy hành pháp. Vì vậy các qui định pháp luật được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành đều là các văn bản dưới luật hay văn bản lập pháp ủy quyền, tức là việc ban hành các văn bản này với tính cách là một công cụ quản lý nhà nước phải được luật cho phép. Do đó nói một cách chính xác, các qui tắc pháp luật do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành là công cụ quan trọng của việc quản lý nhà nước nói chung và của việc quản lý lao động nước ngoài nói riêng.

Một phần của tài liệu document (Trang 32 - 34)