Xác định đối tượng nộp thuế

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 38 - 39)

Quản lý đối tượng nộp thuế hay quản lý NNT là một khâu rất quan trọng của quản lý thuế TNCN. Đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế TNCN phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế TNCN phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân cư trú là người đáp ứng đủ hai điều kiện: có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam và có mặt thường xuyên ở Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng cả hai điều kiện trên [32, Điều 2].

Như vậy, luật thuế TNCN xác định đối tượng nộp thuế dựa theo nguyên tắc nơi cư trú. Việc xác định nơi cư trú của cá nhân cũng là một vấn đề “không đơn giản”. Tuy nhiên không thể phủ nhận mặt tích cực của quy định này, Luật thuế TNCN đã xác định đối tượng nộp thuế không những là cá nhân trong nước mà còn cả những người nước ngoài, khi họ đủ điều kiện để xác định thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam. Thường thấy, người nước ngoài khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam sẽ được hưởng những khoản lợi nhuận lớn và có lương cao hơn so với mặt bằng chung. Chính vì thế, việc đánh thuế vào những đối tượng đặc biệt này đã góp phần quan trọng trong việc tăng nguồn thu NSNN.

Bên cạnh việc xác định nơi cư trú của cá nhân để tạo tiền đề cho hoạt động quản lý thuế TNCN, Tại Điều 6 và Điều 7 Luật quản lý thuế 2006 cũng đã nêu ra khá chi tiết các quyền và nghĩa vụ của NNT, cụ thể quyền lợi của NNT là: được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế TNCN; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện

32

nghĩa vụ về thuế TNCN; yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; NNT sẽ được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật và hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế nếu như thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục của thuế TNCN. NNT có thể được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra và có thể khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Song song với việc được hưởng các quyền lợi, NNT cũng cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như đăng ký thuế, sử dụng MST TNCN theo quy định của pháp luật; thực hiện việc khai thuế TNCN một cách tự giác, chính xác, ghi chép trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; hơn nữa NNT cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số liệu và nội dung giao dịch làm phát sinh thuế TNCN, giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế và chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 38 - 39)