Những tồn tại và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phát tán phóng xạ làm biến đổi môi trường do hoạt động khai thác, chế biến quặng đồng mỏ Sin Quyền, tỉnh Lào Cai. (Trang 32 - 34)

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các mỏ quặng phóng xạ và các mỏ quặng chứa chất phóng xạ của nước ta đã và đang được đưa vào thăm dò, khai thác, chế biến với quy mô ngày một lớn.

Ngoài mỏ đồng chứa phóng xạ Sin Quyền và các mỏ urani, các mỏ đất hiếm chứa phóng xạ Đông Pao, Nậm Xe, Tam Đường, Phong Thổ Lai Châu với trữ lượng đất hiếm hàng triệu tấn, tài nguyên dự

báo hàng chục triệu tấn; trong đó trữ lượng oxit kim loại urani, thori hàng chục nghìn tấn. Đối tượng quặng chứa chất phóng xạ quan trọng khác của nước ta là quặng sa khoáng ven biển. Đới ven biển miền Trung nước ta từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã xác định được hàng chục mỏ sa khoáng titan đạt giá trị công nghiệp với tổng trữ lượng Ilmenit tới hàng trăm triệu tấn. Thành phần các khoáng vật hữu ích trong sa khoáng titan gồm có: ilmenit chiếm 92- 97%; các khoáng vật phụ như rutin, ziricon, monazite chiếm tỉ lệ 0,5-1%. Các khoáng vật monazite, ziricon chứa các chất phóng xạ là thori và urani. Một số mỏ sa khoáng ven biển chứa phóng xạ tại Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận đã và đang được khai thác với quy mô lớn.

Tuy nhiên, như NCS đã trình bày ở phần trên, các công trình khoa học do các cơ quan, các địa phương và các nhà khoa học đã được tiến hành ở nước ta mới chỉ đề cập đến việc điều tra, khảo sát, đánh giá trường bức xạ tự nhiên (các thành phần liều bức xạ từ các nguồn bức xạ ion hóa tự nhiên và từ các nuclit phóng xạ tự nhiên). Các kết quả khảo sát mới chỉ nghiên cứu và đưa ra cơ sở dữ liệu về hiện trạng môi trường bức xạ tự nhiên gồm các bản đồ, sơ đồ đẳng trị suất liều bức xạ gamma, nồng độ khí phóng xạ, hàm lượng các đồng vị phóng xạ 238U, 232Th, 40K, các bản đồ sơ đồ hiện trạng và phân vùng ô nhiễm phóng xạ tại các khu vực khảosát, xác định các khu vực có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người đề tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết. Một số kết quả bước đầu đã đưa ra bằng chứng về sự biến đổi liều chiếu xạ và nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ do các hoạt động thăm dò quặng, tuy nhiên về cơ bản, phương pháp luận và hướng nghiên cứu về đặc điểm phát tán các chất phóng xạ làm biến đổi môi trường do các hoạt động khai thác, chế biến còn chưa được sự quan tâm, nghiên cứu và phát triển để có cái nhìn rõ ràng, khoa học về ảnh hưởng của phóng xạ trong quá trình khai thác, chế biến quặng phóng xạ, chứa phóng xạ ở nước ta.

Để nghiên cứu đặc điểm phát tán các chất phóng xạ làm biến đổi môi trường do các hoạt động khai thác, chế biến, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của phóng xạ đến cán bộ, công nhân viên và dân cư khu vực lân cận mỏ, nhiệm vụ của NCS giải quyết những vấn đề sau:

- Xác định được các đặc điểm môi trường địa hóa và đặc điểm phát tán làm biến đổi hàm lượng liều chiếu xạ do các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

- Xây dựng hệ phương pháp đánh giá môi trường phóng xạ trong các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, xác định rõ khái niệm “Công việc bức xạ” (các hoạt động của con người làm biến đổi hàm lượng, liều chiếu xạ như các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản chứa phóng xạ).

- Làm rõ khái niệm “Phông bức xạ tự nhiên” khi đánh giá ảnh hưởng phóng xạ đối với “công việc bức xạ” là “phông bức xạ tự nhiên địa phương” được xác định trên diện tích có tác động của con người làm biến đổi hàm lượng, liều chiếu.

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN VÀ TÌNH HÌNH KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG ĐỒNG MỎ SIN QUYỀN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm phát tán phóng xạ làm biến đổi môi trường do hoạt động khai thác, chế biến quặng đồng mỏ Sin Quyền, tỉnh Lào Cai. (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(142 trang)
w