Ở nước ta từ năm 1955, các phương pháp phóng xạ đã được áp dụng trong đo vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm các mỏ quặng có chứa chất phóng xạ. Đồng thời hơn
ba mươi năm qua các kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Y tế, công nghiệp, nông nghiệp, địa chất dầu khí, địa chất thủy văn, công trình và nghiên cứu khoa học.
Sau những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta bắt đầu có các công trình nghiên cứu về môi trường phóng xạ, khởi xướng là đề tài khoa học cấp Nhà nước mã số 5202 "Cơ sở khoa học của việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường" do GS.TS Nguyễn Đình Tứ chủ trì.
Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, song song với việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản và vật liệu chứa phóng xạ, các ngành, các địa phương trong cả nước với sự phối hợp của các cơ quan: Viện Năng lượng nguyên tử Việt nam, Viện Khoa hoc Việt Nam (nay là Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trường Đại học Mỏ - Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên... đã tiến hành điều tra môi trường phóng xạ.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, đề ra các quy tắc, tiêu chuẩn kiểm soát an toàn bức xạ như "Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ" (năm 1996), Nghị định Chính phủ số 50/1998/NĐ-CP "Quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ" (năm 1998), Quốc hội đã ban hành "Luật năng lượng nguyên tử" số 18/2008/QH12 (2008). Những năm gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia về môi trường phóng xạ đã được ban hành quy định chi tiết và chặt chẽ về quy trình, phương pháp công tác thực địa, phân tích mẫu trong phòng, xử lý tài liệu, các công thức tính liều chiếu ngoài, liều chiếu trong, tổng liều tương đương bức xạ, liều hiệu dụng...
Theo các tài liệu nghiên cứu ở nước ta từ trước đến nay, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điều tra đánh giá môi trường phóng xạ tự nhiên. Các nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện hệ phương pháp điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ tự nhiên gồm những phương pháp sau:
- Phương pháp tổng hợp tài liệu;
- Phương pháp lộ trình địa chất môi trường phóng xạ (mô tả địa chất, cảnh quan, địa hình - địa mạo; đo suất liều gamma môi trường ở độ cao 1m; đo nồng độ khí phóng xạ ở độ cao 1m; đo phổ gamma môi trường; lấy, gia công, phân tích các loại mẫu đất, nước, lương thực, không khí);
- Phương pháp đo môi trường phóng xạ trong và ngoài nhà (đo suất liều gamma, nồng độ khí phóng xạ Rn, Tn);
- Phương pháp quan trắc các thành phần môi trường phóng xạ; - Phương pháp điều tra xã hội học;
- Phương pháp tổng hợp, xử lý tài liệu (lập mặt cắt, xây dựng bản đồ các thành phần, bản đồ liều tương đương, bản đồ phân vùng ô nhiễm);
- Phương pháp chuyên gia, luận giải kết quả.
Các phương nêu trên bảo đảm độ tin cậy và phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của nước ta trong điều tra đánh giá môi trường phóng xạ tự nhiên. Các thiết bị được sử dụng để đánh giá môi trường phóng xạ là các thiết bị suất liều gamma môi trường (DKS-96); đo khí phóng xạ (RAD-7); đo phổ gamma môi trường (GAD- 6)…, các thiết bị phân tích sử dụng hệ thiết bị Agilent ICP-MS 7700x, hệ
phổ kế phông thấp GEM-30 của hãng Ortec và thiết bị xác định tổng hoạt độ alpha, beta phông thấp… Đây là các thiết bị hiện đại có độ nhạy và độ tin cậy cao, đang được sử dụng có hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới.
Trong công tác nghiên cứu đặc điểm phát tán các chất phóng xạ tại các khu mỏ khoáng sản chứa phóng xạ trong môi trường tự nhiên, đã có các nghiên cứu, tiêu biểu là các công trình sau:
1. Trần Bình Trọng, trong báo cáo “Điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, khả năng ảnh hưởng và biện pháp khắc phục trên một số mỏ phóng xạ, mỏ có chứa phóng xạ ở Lai Châu, Cao Bằng và Quảng Nam (2003) [23, 26], đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu sự phát tán của các nguyên tố trong nước, sự phát tán các nguyên tố phóng xạ trong không khí, sự phát tán các nguyên tố phóng xạ trong thực vật (cây lương thực, củ, quả). Các kết quả được đưa ra dưới dạng bảng thống kêhàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong các loại đất đá chủ yếu của các vùng; bảng tổng hợp kết quả đo nồng độ Radon trong không khí trong khu vực mỏ và lân cận các mỏ Nậm Xe, Bình Đường, Khe Cao, Nông Sơn, Tiên An; bảng tổng hợp so sánh kết quả phân tích hàm lượng phóng xạ của mẫu thực vật trong và ngoài vùng mỏ. Đồng thời trong báo cáo đưa ra các đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa hàm lượng các nguyên tố U, Ra, K của các mẫu nước phụ thuộc vào vị trí điểm lấy mẫu nước của các khu vực mỏ Nậm Xe - Lai Châu, Bình Đường - Cao Bằng.
2. Nguyễn Văn Nam trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu đặc điểm trường bức xạ tự nhiên phục vụ đánh giá ô nhiễm phóng xạ trên một số mỏ chứa chất phóng xạ và khu vực dân cư miền núi Bắc Bộ” [28] đã đưa ra kết quả nghiên cứu sự phát tán các thành phần liều chiếu xạ theo không gian dưới dạng mặt cắt địa chất - môi trường phóng xạ tại mỏ đất hiếm Đông Pao và sự phát tán của các nhân phóng xạ trong nước và cây trồng được biểu diễn dưới dạng mặt cắt địa chất - môi trường phóng xạ vùng Bình Đường Cao Bằng và khu vực mỏ đất hiếm Mường Hum Lào Cai.
Hình 1.4. Sự thay đổi nồng độ nguyên tố phóng xạ trong mẫu nước theo hướng dòng chảy ở mỏ đất hiếm Đông Pao - Lai Châu [26],[28].
Hình 1.5. Sự thay đổi hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong mẫu thóc ở mỏ đất hiếm Đông Pao [23],[28].
3. Trịnh Đình Huấn trong luận án tiến sĩ “Đặc điểm phân bố khoáng sản độc hại khu vực Thanh Hóa - Quảng Nam và đề xuất giải pháp phòng ngừa ảnh hưởng của chúng đến môi trường" [35], đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu sự phát tán phóng xạ trong môi trường khu vực Thanh hóa - Quảng Nam với kết luận cơ chế hình thành các diện tích ô nhiễm phóng xạ trong môi trường khu vực Thanh Hóa - Quảng Nam theo cơ chế lan tỏa xung quanh các thân khoáng của mỏ khoáng hoặc điểm quặng chứa phóng xạ.
4. Trịnh Đình Huấn, trong đề tài “Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học phục vụ công tác đánh giá an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ vùng Thành Mỹ và đề xuất giải pháp phòng ngừa” [31] đã đưa ra quá trình phát tán của urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn chủ yếu theo 3 phương thức chính đó là: phát tán cơ học, phát tán hóa học và phát tán vật lý. Trong vùng phân bố thân quặng phóng xạ: các thành phần liều gồm suất liều gamma, nồng độ khí phóng xạ, tổng hoạt độ alpha, các nhân phóng xạ trong đất, nước đều gia tăng cùng với các hoạt động thăm dò. Giá trị gia tăng suất liều trung bình trong vùng thăm dò khoảng 5-15%, tùy thuộc vào mật độ và loại công trình thực hiện trong khi thăm dò. Giá trị nồng độ radon, tổng hoạt độ alpha tăng từ 1,5-2 lần so vo với trước khi thăm dò. Ngoài vùng dân cư (cách xa biên giới vùng thăm dò khoảng 300-1000m), nhìn chung không phát hiện được mức độ gia tăng trường suất liều gamma cũng như
nồng độ radon trong không khí, riêng tổng hoạt độ apha có sự tăng lên rõ rệt trong thời kỳ diễn ra hoạt động thăm dò và giảm sau khi kết thúc thăm dò.
Hình 1.6. Sơ đồ đẳng trị nồng độ khí radon trước thăm dò khu vực Pà Lừa, Quảng Nam [32]
Hình 1.8. Mặt cắt biểu diễn nồng độ radon trước và sau thăm dò [31]
5. Nguyễn Phương, trong đề tài "Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của phóng xạ đến môi trường tại một số mỏ khoáng sản và đề xuất giải pháp phòng ngừa" [36] đã nghiên cứu lập mô hình địa môi trường và phát tán phóng xạ vào môi trường do các hoạt động khoáng sản. Đề tài đã đưa ra khái niệm mô hình hóa và mô hình địa môi trường, mô tả mô hình lan truyền (phát tán) phóng xạ, đã xác định khả năng gia tăng bức xạ gamma trong công trình khảo sát, thăm dò.
6. Nguyễn Thái Sơn, trong đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình lan truyền khí phóng xạ độc hại trong môi trường không khí lân cận khu vực có chứa mỏ phóng xạ” [37] đã lựa chọn mô hình thuật toán Gauss xây dựng mô hình lan truyền khí phóng xạ radon từ khu vực mỏ phóng xạ đến các khu vực dân cư lân cận. Đề tài đã áp dụng chương trình tính toán cụ thể mức độ lan truyền khí phóng xạ radon và tính liều chiếu trong qua đường hít thở đối với các khu vực dân cư lân cận mỏ đất hiếm Nậm Xe, Lai Châu trong điều kiện bình thường (chưa có các hoạt động khai thác, chế biến) và dự báo sự lan truyền nồng độ khí phóng xạ khi có sự gia tăng nồng độ khí phóng xạ tại khu vực mỏ.
Trong lĩnh vực điều tra đánh giá ảnh hưởng môi trường do các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ, chứa phóng xạ tại Việt Nam chưa được quantâm và nghiên cứu chi tiết. Cụ thể, chỉ có nghiên cứu của nhóm tác giả do Trịnh Đình Huấn [31] bước đầu đã đưa ra các số liệu làm bằng chứng về sự gia tăng liều chiếu xạ và nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ do các hoạt động thăm dò quặng urani tại khu vực lô A, mỏ urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.