Khác với các tôn giáo khác, PGHH không có tu sỹ mà chỉ có một số chức việc vừa lo việc đạo, vừa lo việc đời. Chức việc PGHH là tín đồ được Giáo hội chỉ định hoặc được tập thể tín đồ bầu vào giữ các chức vụ của tổ chức tôn giáo cơ sở. Ngoài nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ tín đồ, họ còn có chức vị thẩm quyền trong tổ chức giáo hội cơ sở . Những chức việc này thường là những người lớn tuổi, có uy tín, uyên thâm trong tu tập, được quần chúng tín đồ tin tưởng, suy tôn.
PGHH không quan niệm chức việc là người đại diện hay thay mặt Đức Phật chăm lo phần hồn cho tín đồ. Chức việc của PGHH chỉ đơn giản là người chăm sóc cơ sở thờ tự, vận động, tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, phổ truyền học tập giáo lý… Bản thân họ là những người có tuổi, uy tín và gương mẫu trong cuộc sống được tín đồ suy tôn, tự nguyện nghe theo trong các hoạt động.
Niềm tin của tín đồ PGHH đối với đội ngũ chức việc được thể hiện ở những khía cạnh sau:
● Một là, tín đồ PGHH tin rằng chức việc là người có phẩm chất đạo đức tốt, tiêu biểu cho mẫu người hiền đức. Theo tôn chỉ, giáo lý của PGHH thì mục tiêu của học phật, tu nhân là nhằm làm thiện tránh ác và trở thành hiền nhân. Do vậy, đối với tín đồ PGHH, những người có phẩm hạnh tốt, gìn giữ được truyền thống đạo lý thường là hình mẫu lý tưởng của họ.
● Hai là, tín đồ PGHH tin rằng chức việc là những người có sự uyên thâm về mặt giáo lý. Thông thường, để được tín đồ suy tôn thì chức việc trước hết phải là những tín đồ đã dày công tu tập, am tường ở một mức độ nhất định đối với Sấm giảng giáo lý. Họ phải có khả năng thuyết giảng, lý giải những nội dung trong giáo lý, giúp đỡ tín đồ thực hiện các điều răn và tiếp cận Đức Phật.
● Ba là, tín đồ PGHH tin rằng chức việc là những người tâm huyết trong sự đạo. Họ thường là người đi đầu trong các hoạt động từ thiện, vận động quần chúng chung tay, góp sức làm việc nghĩa. Ngoài ra, họ là người có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cao trong việc gìn giữ cơ sở thờ tự, tổ chức hành hương, lễ bái, cúng giỗ, và các công việc chung khác của PGHH. Theo đó, tín đồ PGHH thường nghe và làm theo những điều đội ngũ chức việc chỉ dạy.
● Bốn là, tín đồ PGHH tin rằng chức việc là những người đồng đạo, người hàng xóm gần gũi. Với tính cách “trọng nghĩa” và phương châm sống “bán bà con xa mua láng giềng gần” của những người lưu dân mở cõi năm xưa, tín đồ PGHH ngày nay vẫn nêu cao tinh thần trọng nghĩa và trân trọng đối với bạn bè, nhất là đối với hàng xóm, láng giềng. Theo đó, tín đồ PGHH luôn có tình cảm tôn trọng, thân tình đối với những người chức việc, vừa là bậc cao niên, vừa là hàng xóm của mình.
Xuất phát từ những biểu hiện trên mà đội ngũ chức việc PGHH tuy không có sức mạnh thần quyền, đại diện Chúa, Trời, Phật như chức sắc của một số tôn giáo khác, song vẫn được tín đồ tôn trọng và tin theo. Lời nói và việc làm của họ thường có trọng lượng, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành động của tín đồ PGHH.
Tóm lại, niềm tin tôn giáo của tín đồ PGHH là niềm tin hư ảo vào Trời, Phật, vào một thế giới khác và cả những giá trị hiện thực đại diện cho tôn giáo như Sấm giảng giáo lý, và đội ngũ chức việc. Niềm tin tôn giáo của tín đồ PGHH mang tính bền vững và được minh chứng bằng chính sự tồn tại và phát triển của PGHH trong 75 năm qua.
2. HÀNH VI:
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là những cư sĩ tại gia nên việc thờ phượng và hành đạo rất đơn giản, chủ yếu được tiến hành tại gia đình. Phật giáo Hòa Hảo chỉ thờ Phật, thờ các vị anh hùng dân tộc. Phật giáo Hòa hảo không thờ thần thánh không rõ căn tích.
Phật giáo Hòa Hảo thờ Phật nhưng không bằng tượng cốt, tranh ảnh mà thờ tấm vải Trần Dà (là tấm vải màu nâu) thay cho tấm vải Trần Điều (là tấm vải màu đỏ) của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương với cùng một quan niệm Phật tức tâm, tâm tức Phật.
Ông Huỳnh Phú Sổ đã giải thích việc đổi thờ Trần Điều thành Trần Dà như sau: Từ trước, chúng ta thờ Trần Điều là di tích của Phật thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ sai phép, sai với tôn chỉ của đức Phật nên toàn thể trong đạo của chúng ta đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư vẫn dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình và màu ấy là màu kết hợp của tất cả các màu sắc khác nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân.
Ở mỗi gia đình của Phật giáo Hòa Hảo có 03 bàn thờ: Bàn thờ Phật cao nhất chỉ treo tấm Trần Dà; bàn thờ tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thờ thông thiên thờ ngoài trời, ở trước cửa nhà. Sau này tín đồ Phật giáo Hòa Hảo còn thờ ảnh của ông Huỳnh Phú Sổ, thường được đặt dưới tấm Trần Dà.
Lễ phẩm cúng Phật hay cúng trời đất ở bàn thông thiên chỉ có hương, hoa và nước lạnh. Nước lạnh thể hiện sự trong sạch, hoa thể hiện sự tinh khiết, hương thơm xua đuổi tà khí. Ông Huỳnh Phú Sổ khuyên tín đồ không nên làm giỗ linh đình và tốn kém, bởi thánh thần và người chết không ăn được. Phật giáo Hòa Hảo tuyệt đối không dùng vàng mã khi cúng giỗ, vì cho rằng đó chỉ là những thứ giả tạo, không cần thiết.
Phật giáo Hòa Hảo không dùng kinh kệ của Phật giáo mà chỉ đọc sấm giảng của ông Huỳnh Phú Sổ và niệm Lục tự Di Đà (sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật) để tĩnh tâm. Do cách hành đạo niệm Lục tự Di Đà nên Phật giáo Hòa Hảo tự nhận mình là Pháp môn Tịnh độ Phật học tu nhân. Phật giáo Hòa Hảo không lạy người sống, trừ ông bà, cha, mẹ.
Hiện nay, Phật giáo Hòa hảo có các ngày lễ chính sau: Ngày 01 tháng giêng là tết Nguyên đán; ngày 15 tháng giêng là lễ Thượng nguyên; ngày 08/4 lễ Phật đản; ngày 18/5 lễ Khai đạo; ngày 15/7 lễ Trung nguyên; ngày 12/8 lễ Phật thầy Tây An; ngày 15/10 lễ Hạ nguyên; ngày 25/11 lễ sinh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ; ngày 08 tháng chạp lễ Phật thành đạo. Trong các ngày lễ trên thì lễ Khai đạo và lễ sinh nhật Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là hai ngày lễ quan trọng. Ngoài ra, Phật giáo Hòa Hảo còn có các ngày lễ khác như lễ giỗ Đức Ông, Đức Bà (là bố, mẹ ông Huỳnh Phú Sổ), lễ vía Phật thầy Tây An và các đệ tử của ông...
Trong cuộc sống, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thực hiện tám điều răn của ông Huỳnh Phú Sổ, xem đó như giới luật của đạo, cụ thể:
Một là không được uống rượu, hút thuốc phiện, chơi bời đàng điếm, phải giữ trọng luân lý tam cương, ngũ thường.
Hai là không được lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu luân chân chất; không được gây gổ lẫn nhau và luôn tha thứ cho nhau khi nóng giận.
Ba là không được ăn sài, trưng diện thái quá và lợi dụng tiền tài mà quên nhân nghĩa đạo lý, đừng sống ích kỷ và xu nịnh kẻ giàu, phụ người nghèo khó.
Bốn là không được kêu trời, phật, thần thánh mà sai, hoặc nguyền rủa thần thánh không can dự đến ta.
Năm là không ăn thịt trâu bò, chó và sát hại sinh vật mà cúng thần thánh vì thần thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu can tội sẽ chịu tội; còn những hạng ăn đồ cúng mà hết bệnh là tà thần, nếu cúng kiếng mãi thì chúng quên ăn sẽ nhiễu hại ta.
Sáu là không đốt giấy tiền bạc, vàng mã, quần áo mà tốn tiền vô lý vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không sai được nữa, phải để tiền lãng phí ấy cứu trợ cho những người đói rách, tàn tật.
Bảy là đứng trước mọi việc về sự đời và đạo đức phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán sự việc ấy.
Tám là phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt nhau vào đường đạo đức. Nếu ai giữ được trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sinh.
Ngoài ra, Phật giáo Hòa hảo còn răn dạy tín đồ tôn trọng những người khác tín ngưỡng, nhất là không cậy đông người mà ức hiếp hoặc nói xấu, bài xích; không nên gây oán thù mà phải làm lành với họ. Đối với nhân sinh nói chung thì phải giữ mối quan hệ hòa hợp, gây thiện cảm lẫn nhau; đồng thời phải biết thương xót, giúp đỡ mọi người nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn. Phật giáo Hòa Hảo khuyến khích ăn chay trường, nhưng nếu không có điều kiện thì hàng tháng ăn chay bốn lần vào các ngày 14, 15, 29, 30 hoặc ngày mùng một nếu là tháng thiếu. Những ngày ăn mặn phải kiêng ăn thịt các con vật như trâu, bò, chó vì chúng có ích và sống gắn bó với con người.
Hôn nhân và tang ma Phật giáo Hòa Hảo đơn giản và tiến bộ. Phật giáo Hòa Hảo khuyên cha mẹ không ép buộc tình duyên con cái nhưng phải có bổn phận hướng dẫn, khuyên bảo chúng; không nên để con quá tự do mà thiếu kinh nghiệm làm cho chúng hư hỏng. Phật giáo Hòa Hảo khuyên không thách cưới bằng lễ vật hay tiền, tổ chức lễ cưới đơn giản, tiết kiệm. Hôn lễ và tang lễ của người theo Phật giáo Hòa Hảo cũng giống như người Việt, không có dấu ấn tôn giáo riêng. Ông Huỳnh Phú Sổ còn khuyên mọi người không khóc lóc trong tang lễ vì làm vậy sẽ cản trở sự siêu thoát anh linh của người chết.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Phật giáo Hòa Hảo còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội với thái độ tích cực như cấm tuyệt đối việc chơi cờ bạc, hút thuốc phiện và mê tín dị đoan; Phật giáo Hòa Hảo còn khuyên mọi người siêng năng học hành để mở rộng kiến thức và giúp cho việc tu học. Phật giáo Hòa Hảo khuyên tín đồ rèn luyện thân thể, giữ vệ sinh vì thần thánh chỉ gần những kẻ trong sạch, nên nếu ai muốn được tiếp độ thì phải trong sạch cả tinh thần lẫn vật chất.
Phật giáo Hòa Hảo không bắt mọi người để tóc dài, nhưng có lẽ một mặt noi theo Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, mặt khác để chứng tỏ mình không bị ảnh hưởng bởi văn minh phương Tây nên đa số nam tín đồ Phật giáo Hòa hảo thường để tóc dài và búi tóc. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thường mặc áo bà ba, áo dài màu đen hoặc màu dà (màu vàng).
Trước đây Phật giáo Hòa Hảo có quy định về nghi thức nhập đạo và ra đạo khá chặt chẽ, có phần gần giống như tổ chức chính trị. Người muốn nhập đạo cần có một số điều kiện như:
Phải tự nguyện, có tuổi từ 18 trở lên, viết đơn xin gia nhập đạo, phải có 02 bổn đạo cũ giới thiệu và bảo lãnh, phải báo cho gia đình biết. Người vào đạo phải nguyện trước bàn thờ tổ tiên và tuyên thệ trước Tam bảo giữ gìn một đời một đạo cho đến ngày chung thân. Sau khi nhập đạo, mỗi người được nhận thẻ tín đồ, được tham gia sinh hoạt đạo và đóng nguyệt liễm( tiền sinh hoạt cho đoàn thể- đạo).
Số tín đồ “nhạt đạo” có xu thế hồi hương trở lại ngày càng đông, tạo nên bầu không khí sinh hoạt tôn giáo của PGHH càng thêm sinh động, có xu hướng trở về gần gũi hơn với truyền thống của PGHH. Tin vào 8 tôn giáo, giáo chủ và giáo lý nhiệm mầu của tôn giáo mình, mức độ tín ngưỡng của tín đồ PGHH vẫn còn sâu sắc, thể hiện sự “sống đạo”, sự tự tin về sự bền vững của PGHH.
Tín đồ PGHH tu tại gia nên việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng cũng được thực hiện thường xuyên tại gia đình. Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay. ba mươi các tín đồ đến chùa lễ Phật, dâng hoa, để cầu mong sự an bình cho mình, cho gia đình. Với tư tưởng nhân sinh mang tính duy tâm chủ quan thần bí đã làm cho một bộ phận tín đồ không xuất phát từ hiện thực và vào thực tiễn cuộc sống để giải quyết những vấn đề đặt ra. Một số tín đồ ở Đồng Tháp tin nhiều vào phương pháp tu của PGHH nên thay vì chịu khó làm cho bản thân và gia đình mình được hạnh phúc thì họ lại cần mẫn sớm tối cầu xin vào sự che chở, ban ơn của Phật.
Những người theo phật giáo hòa hảo tin làm điều tốt thì sẽ được an lành, đặc biệt sống chết đối với họ rất thanh thản. Họ suy nghĩ về những điều thiện, lành, từ bi, giúp đỡ mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Họ tin và làm theo những gì trong giáo lí đã dạy, sống thực tế, không cầu kì và tuân theo tám luật lệ mà đạo đã đặt ra.
Khâm phục và ngưỡng mộ Huỳnh giáo chủ như là một vị thánh siêu phàm có sứ mệnh cứu nhân độ thế.
III. LƯU Ý:
Cảnh báo khi giao tiếp, tương tác cần lưu ý gì?
Không tìm thấy tài liệu có liên quan về mặt giao tiếp, tương tác.
Có liên hệ trao đổi với những người ở Miền Tây hoặc từng nói chuyện với người theo đạo Hòa Hảo thì họ cho rằng không có gì khác biệt khi giao tiếp với những người này. Ngay trong đời sống hằng ngày hay trong những dịp lễ. Có chăng sự khác biệt là trong những dịp lễ, cúng kính thì nói chuyện với họ nhỏ nhẹ hơn, tôn trọng hơn, sử dụng danh xưng với những người có vai vế. Còn trong đời thường thì khi gặp mặt, nói chuyện vẫn xưng hô bình thường, tôn trọng giữa người với người, không có điều kiêng kị.