Các công trình nghiên cứu về biến động sử dụng đất

Một phần của tài liệu 20210729_132742_NOIDUNGLA_DAOHUONG (Trang 48 - 51)

4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

1.3.2.Các công trình nghiên cứu về biến động sử dụng đất

Xu hướng nghiên cứu biến động sử dụng đất với các yếu tố tự nhiên: Những thay đổi về khí hậu hoặc thời tiết thường gây biến động sử dụng đất ở một phạm vi rộng lớn nhưng theo xu hướng từ từ và có tính chu kỳ, đặc biệt ở khu vực chịu ảnh hưởng nhiều của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi đó, những tai biến thiên nhiên như bão, lốc, lũ lụt, trượt lở, cháy rừng tự nhiên, băng giá, sâu bệnh… là những nguyên nhân gây biến động sử dụng đất mang tính cục bộ, không có chu kỳ cụ thể và khó dự báo, làm biến đổi sâu sắc và toàn bộ hiện trạng sử dụng đất trong khu vực chịu ảnh hưởng, một vài trường hợp không thể khôi phục trạng thái lớp phủ ban đầu [60].

Thay đổi môi trường tự nhiên tương tác với các quá trình ra quyết định của con người gây ra sự thay đổi sử dụng đất. Thay đổi sử dụng đất, chẳng hạn như mở rộng diện tích đất trồng ở vùng đất khô hạn, cũng có thể gây ra suy thoái đất.

Trong nghiên cứu của Fu và Ye (1995) [80], họ cho rằng biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người là những nguyên nhân chính gây ra biến động sử dụng đất trên toàn cầu. Xói mòn đất lại là yếu tố chủ đạo gây ra vấn đề đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại đảo Lesvos thuộc Hy Lạp, trong kết quả nghiên cứu của Ye cho thấy rằng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa độ cao và độ dốc với sự thay đổi sử dụng đất tại khu vực nghiên cứu. Trong khi đó yếu tố địa hình mới thực sự là yếu tố chính gây chuyển đổi các loại hình sử dụng đất sang đất nông nghiệp hay mở rộng diện tích rừng trồng trong nghiên cứu của Kim [89].

Xu hướng nghiên cứu biến động sử dụng đất với các yếu tố kinh tế thị trường, các chủ trương chính sách của chính phủ. Những tập quán canh tác, các nhận thức của cộng đồng và cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định sử dụng đất. Tất cả những quyết định sử dụng đất được ra đời đều phụ thuộc vào kiến thức, thông tin và các kỹ năng sử dụng và quản lý đất đai sẵn có [58]. Những thay đổi trong mục đích sử dụng phủ đất cũng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố kinh tế thị trường, trong đó có yếu tố giá trị kinh tế của từng loại cây công nghiệp, giá trị kinh tế của nuôi trồng thủy hải sản. Khi giá cả của các loại cây này biến động trên thị trường thường gây ra những sự chuyển đổi rất lớn trong mục đích sử dụng đất [66].

Trong nghiên cứu biến động sử dụng đất nhiều công trình nghiên lựa chọn sử dụng bộ công cụ GIS và viễn thám vì mang lại kết quả độ chính xác khá cao và phù hợp với thực tiễn nhiều vùng. Có thể kể đến các công trình nghiên cứu nổi bật như:“Ứng dụng GIS và viễn thám đánh giá biến động diện tích đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2016” [36] đã ứng dụng công nghệ viễn thámvà GIS để thành lập được bản đồ hiện trạng các mục đích sử dụng đất chính của huyện Hòa Vang tỷ lệ 1:25.000 năm 2010 và năm 2016; Kết quả phân tích biến động sử dụng đất phi nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2016 cho thấy các mục đích sử dụng đất khác đã

chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp khoảng 3000 ha, chủ yếu từ đất trồng lúa và đất rừng sản xuất để phục vụ xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở huyện Hòa Vang, một huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Trong nghiên cứu “Ứng dụng GIS để xây dựng bản đồ biến động đất nông nghiệp cho thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2013” [33] đã đã ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ biến động đất nông nghiệp cho thị xã Hương Trà giai đoạn 2005 - 2013. Bên cạnh đó, dựa vào bản đồ này, nghiên cứu đã xác định được diện tích đất nông nghiệp của thị xã Hương Trà đã tăng 8.210,92 ha trong giai đoạn 2005

- 2013 và việc biến động chủ yếu diễn ra ở đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu “Ứng dụng GIS và viễn thám nghiên cứu xu hướng biến động đất lâm nghiệp khu vực phía tây nam tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2005 - 2015” [27] từ dữ liệu ảnh vệ tinh SPOT thu thập ở 2 thời điểm năm 2005 và 2015 và xác định các nguyên nhân chính gây ra sự biến động đó. Ảnh được phân loại bằng phương pháp hướng đối tượng trên cơ sở kết quả phân tách ảnh bằng phần mềm ENVI 5.2. Phân loại ảnh theo thuật toán xác suất cực đại dựa vào mẫu thu thập được bằng máy GPS cầm tay với 4 loại hình sử dụng, bao gồm: Đất có rừng trồng sản xuất, đất rừng tự nhiên, đất khác và thủy văn. Độ chính xác phân loại ảnh vệ tinh SPOT năm 2005, 2015 đạt tương ứng là 76%; 95.4%. Sử dụng phần mềm ArcGIS 10.2 thành lập bản đồ hiện trạng đất rừng, bản đồ biến động và đánh giá biến động sử dụng đất khu vực nghiên cứu. Trong vòng 10 năm từ 2005 đến 2015, diện tích đất rừng tự nhiên của khu vực nghiên cứu giảm

35956.91 ha, đất có rừng sản xuất tăng 28077.77 ha, đất khác tăng 7702.49 ha và đất mặt nước tăng 750.85 ha. Trong nghiên cứu“Đánh giá biến động bề mặt địa hình do phát triển đô thị tại vùng phía Nam thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở phân tích tư liệu viễn thám” của tác giả Trần Thị Vân và cộng sự [76] đã xác định được hiện trạng phân bố các vùng trũng đầm lầy và tính toán sự biến động của chúng qua sự biến mất từ việc san lấp để xây dựng các công trình đô thị, gây nên các biến động bề mặt địa hình khu vực huyện Nhà Bè và quận 7 giai đoạn 1990 – 2011. Từ các khu dân cư rải rác, quá trình

đô thị hóa tại 2 huyện/quận này đã dẫn đến các khu đô thị tập trung phát triển ngay cả trên vùng đất trũng nước. Đô thị hóa trong giai đoạn 1990-2011 đã lấy đi gần 1/3 diện tích trữ nước của quận 7 và 1/5 diện tích trữ nước của huyện Nhà Bè, khiến cho ngập lụt thường xảy ra khi có mưa kết hợp với triều cường tại khu vực này, cũng như tác động không ít đến khu vực nội thành của thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả của Bùi Anh Tuấn và cộng sự (2013) chỉ ra rằng quản lý sử dụng đất bền vững quan hệ đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường hiện tại và tương lai, hạn chế suy thoái đất, nước và giảm chi phí sản xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự thay đổi lớn của công tác quản lý sử dụng đất trong thời gian qua và các yếu tố chính ảnh hưởng đến quản lý sử dụng đất nông nghiệp đó là chính sách đất đai, các chính sách hỗ trợ (vốn, kỹ thuật); tính chất đất; quy mô diện tích đất canh tác, và vai trò của truyền thông, thông tin [65].

Đánh giá biến động sử dụng đất và dự báo xu hướng thay đổi sử dụng đất bằng GIS và chuỗi Markov đã được một số tác giả/nhóm tác giả thực hiện, cụ thể như công trình nghiên cứu của tác giả Huỳnh Văn Chương và cs (2017) [19] được thực hiện ở thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà. Kết quả cho thấy việc ứng dụng GIS đã thành lập được bản đồ biến động sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015 cho 5 loại sử dụng đất: nông nghiệp, lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở và đất chưa sử dụng; đồng thời đã phân tích nguyên nhân biến động sử dụng đất đai cũng như dự báo chiều hướng biến động sử dụng đất đến năm 2020 và đối chiếu so sánh với phương án quy hoạch sử dụng đất đến 2020 đã phê duyệt. Kết quả dự báo biến động sử dụng đất đến năm 2020 bằng chuỗi Markov so với phương án quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang có sự chênh lệch không quá lớn. Nhóm tác giả Nguyễn Hữu Ngữ và cs (2016) [46] đã thực hiện nghiên cứu tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đánh giá biến động sử dụng đất bằng cách phân tích không gian trong GIS và chuỗi Markov đã thành lập được bản đồ biến động sử dụng đất và xác định được biến động sử dụng đất giai đoạn 2005 - 2010 và 2010 - 2015. Kết quả biến động về diện tích của các nhóm đất giai đoạn năm 2005 - 2010 đất nông nghiệp giảm mạnh khoảng 28,14% (513,19 ha) do chuyển qua đất ở và đất phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tăng khoảng 7,71% (237,801 ha). Kết quả biến động về diện tích của các nhóm đất giai đoạn năm 2010 – 2015. Đất nông nghiệp giảm mạnh 18,06% so với năm 2010, đất phi nông nghiệp giảm khoảng 8,68%, đất ở tăng khoảng 24,20%. Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy từ năm 2005 - 2015 biến động sử dụng đất của thị xã Dĩ An rất lớn, nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển thành đất ở. Việc sử dụng chuỗi Markov trong dự báo biến động sử dụng đất đến năm 2020 đạt độ chính xác ở mức khá, so với quy hoạch sử dụng đất năm 2020 thì không có sự chênh lệnh quá lớn. Chuỗi Markov và GIS cũng được ứng dụng trong nghiên cứu dự báo những tác động của con người đến sự thay đổi sử dụng đất đến năm 2020 tại cửa Sông Ba Lạt, Giao Thuỷ, kết quả đã chỉ ra xu hướng thay đổi sử dụng đất tại Giao Thủy (khu vực thuộc cửa sông Ba Lạt) chủ yếu biến động trên loại hình đất nuôi trồng thủy sản [30]. Thông qua việc sử dụng kết hợp phương pháp Markov

- Cellular Automata với phân tích đặc tính thích nghi đất đai trên hệ nền mô phỏng đa tác tử GAMA đã xây dựng được mô hình mô phỏng sự thay đổi sử dụng đất của 8 tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình được kiểm chứng kết quả mô phỏng với bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2008 của các tỉnh. Dựa trên mô hình đã xây dựng, tiến hành chạy mô phỏng sự thay đổi sử dụng đất với dữ liệu kịch bản nước biển dâng trong tương lai vào năm 2030 và 2050. Việc ứng dụng mô hình này đã cung cấp công cụ mô phỏng sự thay đổi sử dụng đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những những kịch bản khác nhau hỗ trợ các nhà quản lý trong xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất đai [54].

Nhìn chung, những công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến thực trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất trong tiến trình đô thị hóa và giải pháp quản lý sử dụng đất, quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghiên cứu này kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trên nhưng nhấn mạnh sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến biến động sử dụng đất về cả không gian và thời gian để đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đô thị hóa đến sử dụng đất.

Một phần của tài liệu 20210729_132742_NOIDUNGLA_DAOHUONG (Trang 48 - 51)