4.1. Những điều kiện cần thiết để quan sát:
Để quan sát đạt hiệu quả, nhà nghiên cứu cần có 4 điều kiện cơ bản sau: - Một là, chọn đối tượng quan sát. Việc chọn đối tượng quan sát bao giờ cũng phụ thuộc vào nhiệm vụ nghiên cứu, người quan sát không thể quan sát hết diễn biến của các hoạt động giáo dục, giáo dưỡng mà chỉ cần dựa vào mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu để chọn các đối tượng mà quan sát cụ thể.
- Hai là, hạn chế đến mức tối đa tính chủ quan trong quan sát, đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu. Vì vậy, người quan sát phải có sự am hiểu sâu về vấn đề nghiên cứu, có sự suy nghĩ thông minh và nhạy cảm với vấn đề được quan sát. Để hạn chế tính chủ quan trong quan sát, cần mã hoá dữ liệu trong các biên bản, mẫu phiếu điều tra để dễ ghi chép và xử lý.
- Ba là, có cách quan sát đúng. Tuỳ theo mục đích, yêu cầu quan sát mà chọn mẫu phiếu và phương pháp quan sát và phương tiện quan sát phù hợp. Khi cần, có thể quan sát nhiều lần trên cùng một sự kiện, hiện tượng hoặc có thể nhiều người cùng tham gia quan sát để có cơ sở cho việc phân tích, đánh giá.
- Bốn là, biết phân tích và đánh giá. Phân tích và đánh giá có vai trò quan trọng trong phương pháp quan sát sư phạm để hạn chế tính chủ quan và nhữn sai trong quan sát và ghi chép. Khi đánh giá phân tích, cần chú ý kết hợp với các số liệu thu được từ những phương pháp nghiên cứu khác
4.2. Cách tiến hành quan sát sư phạm:
- Xác định đối tượng quan sát trên cơ sở mục đích của đề tài, đồng thời xác định cả các phương diện cụ thể của đối tượng cần phải quan sát.
- Lập kế hoạch quan sát: thời gian, địa điểm, số lượng,đối tượng người quan sát, phương tiện quan sát, các thông số kỹ thuật cần đo đạc.
- Lựa chọn hình thức quan sát (ví dụ quan sát diện hay điểm, kín hay công khai, liên tục hay gián đoạn...), phương thức quan sát (mắt thường hay thiết bị , một lần hay nhiều lần, thời điểm, khoảng cách quan sát...), thủ thuật ghi các thông tin, số liệu.
- Chuẩn bị các công cụ và phương tiện quan sát (các mẫu phiếu quan sát, máy ghi âm, ghi hình…)
- Chọn người và bồi dưỡng nghiệp vụ quan sát, hướng dẫn mẫu ghi chép. - Tiến hành quan sát. Khi quan sát phải hết sức thận trọng, phải theo dõi từng diễn biến dù là nhỏ nhất, kể cả những tác động khác từ bên người lên đối tượng. Phải ghi chép mọi diễn biến của đối tượng.
- Xử lý tài liệu. Các tài liệu do quan sát được thường là tài liệu cảm tính , mang tính chủ quan của người quan sát, chưa phải là tài liệu khoa học (như các ý kiến nhận xét, đánh giá). Các tài liệu này cần phải được xử lý cẩn thận bằng cách phân loại, hệ thống hoá, bằng toán học thống kê, bằng máy tính mới đảng tin cậy.
Lưu ý: Để kiểm tra các kết quả quan sát khách quan, có thể lập lại quan sát nhiều lần, trao đổi trực tiếp với đối tượng, sử dụng người có trình độ cao hơn để quan sát...