7. Cấu trúc luận văn:
2.2.1 Khái quát tình hình quản lý nhà nước về đất đai
2.2.1.1. Việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ – CP ngày
15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, huyện đã sớm triển khai tập huấn những nội dung cơ bản của Luật và Nghị định của Chính phủ cho cán bộ chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Ban hành các văn bản chỉ đạo và thực hiện việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ và người dân có thể nắm bắt kịp thời các
chính sách của Nhà nước liên quan đến đất đai. Do vậy, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện tiếp tục được củng cố, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ và kế hoạch đề ra theo đúng quy định của pháp luật.
2.2.1.2 Công tác xác lập, quản lý địa giới hành chính
Huyện Thanh Oai đã hoàn thành việc phân định ranh giới hành chính huyện với các huyện lân cận, phân định ranh giới giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, lập lại hồ sơ và chôn mốc giới. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các ngành có liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới cụ thể cho cấp xã. Đến nay, 21 đơn vị hành chính xã, thị trấn trong huỵện đều đã có bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 của Thủ tướng Chính phủ với các đường ranh giới, mốc giới được xác định rõ ràng.
2.2.1.3 Công tác khảo sát, đo đạc lập bản đồ
Từ năm 1995 – 1997, Tổng cục Quản lý ruộng đất nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư cho tỉnh Hà Tây cũng như huyện Thanh Oai đo đạc bản đồ địa chính, hệ thống tọa độ, độ cao nhà nước. Các xã đều có bản đồ địa chính thể hiện đất đai trên bản đồ phù hợp với hiện trạng, giúp cho công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, đến nay, quá trình sử dụng đất qua khoảng 20 năm đã có nhiều biến động, việc lập bản đồ địa chính thời điểm những năm 1995 còn có nhiều sai sót về ranh giới, chủ sử dụng cũng như loại đất cần phải đo đạc lại do việc dẫn đạc không chính xác, sai theo đường truyền, sai số đo đạc lớn do đo thủ công bằng thước dây. Giai đoạn 2014 – 2017, thành phố Hà Nội đã triển khai dự án lập hồ sơ địa chính tổng thể Vlap trên toàn địa bàn thành phố, dự kiến dự án xây dựng hồ sơ địa chính tổng thể huyện Thanh Oai sẽ được tiến hành trong năm 2016, trong đó có công tác đo đạc bản đồ địa chính chính quy, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính điện tử.
2.2.1.4. Công tác quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất
Thực hiện kế hoạch số 44/KH – UBND ngày 01/4/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Triển khai công tác lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) của thành phố Hà Nội và các huyện trực thuộc. Đến nay 21 xã, thị trấn của huyện Thanh Oai đã duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015).
2.2.1.5. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Thực hiện Nghị định 64/CP, Nghị định 88/CP, Nghị định 60/CP về giao đất, Nghị định 85/CP và Chỉ thị 245/TTg về cho thuê đất…tính đến năm 2013 huyện Thanh Oai đã giao 9635,93 ha đất nông nghiệp cho các hộ nông dân, đạt 95% tổng diện tích đất nông nghiệp; 8,97 ha đất xây dựng cơ bản cho các tổ chức; 56,59 ha cho các hộ gia đình, cá nhân. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ít có khiếu nại xảy ra; đồng thời giải quyết tốt các khiếu nại phát sinh về đền bù, giải phóng mặt bằng.
2.2.1.6. Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường là đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện và hướng dẫn người sử dụng đất kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Nhìn chung, việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong những năm vừa qua đã được địa phương và người dân quan tâm. Công tác lập và quản lý hồ sơ địa chính đã được tiến hành theo Thông tư 09/2007/TT – BTNMT ngày 02/08/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ sau khi nghiệm thu được quản lý, lưu trữ theo quy định.
Tính lũy kế đến tháng 6 năm 2014, tổng số giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 29.919 giấy chứng nhận đất ở; đã thực hiện trên 27.500 hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất.
2.2.1.7. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Đến tháng 7 năm 2015, huyện Thanh Oai đã thực hiện xong công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2015 theo đúng quy định. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai, hướng dẫn đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện kiểm kê đất đai theo đúng quy định của Luật Đất đai, nhìn chung các kỳ kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất đều thực hiện tốt theo quy định.
2.2.1.8. Công tác quản lý tài chính về đất đai
Công tác quản lý tài chính về đất đai được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Huyện đã thực hiện tốt việc quản lý thu, chi ngân sách như: tiền sử dụng đất, thuế thu nhập từ quyền bất động sản, lệ phí trước bạ,…
2.2.1.9. Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản
Việc chuyển quyền sử dụng đất được UBND huyện, các ngành chức năng, các xã, thị trấn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngưởi dân nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trong năm qua huyện đã làm thủ tục xác nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tạo điều kiện thực hiện tốt các quyền của người sử dụng đất và quản lý đất đai theo pháp luật.
Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ – CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư số 20/2011/TTLT – BTP – BTNMT ngày 18/11/2011 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai) huyện Thanh Oai đã triển khai thực hiện đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Bước đầu đã triển khai thực hiện đồng bộ, tạo thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
2.2.1.10. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Trước đây, công tác quản lý giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức, nhiều giao dịch dân sự diễn ra dưới dạng trao tay, giao dịch ngầm, nhà nước không quản lý được. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai chưa cao.
Nếu như trước đây khi người dân thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…không phải xuất trình biên lai nộp thuế phi nông nghiệp hàng năm thì từ năm 2012 người dân buộc phải hoàn thành thuế phi nông nghiệp mới được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
2.2.1.11. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đất đai luôn được quan tâm sát sao, hàng năm UBND huyện đều chỉ đạo thành lập đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra huyện Thanh Oai, phòng Tư pháp, phòng Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn triển khai thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn huyện. Cùng với thanh tra thường xuyên, hoạt động thanh tra theo các chuyên đề dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện được thực hiện kịp thời; đặc biệt là thanh tra các nội dung về giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, quản lý mặt bằng đất canh tác.
2.2.1.12. Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo
Hàng năm trên địa bàn huyện vẫn xảy ra một số vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ sử dụng đất liền kề và trong dòng tộc về ranh giới sử dụng đất, quyền thừa kế,…song đã được huyện và các cấp có thẩm quyền giải quyết, cụ thể trong những năm gần đây huyện đã tham gia giải quyết được nhiều vụ tranh chấp, riêng trong năm 2015 đã giải quyết xong 34 vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, không để tồn đọng các vụ tranh chấp có tính chất phức tạp, vượt cấp nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, góp phần làm ổn định trật tự an ninh xã hội tại địa phương.
2.2.1.13. Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai
Thực hiện Luật Đất đai năm 2003, UBND huyện thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, thực hiện cơ chế “một cửa” ở huyện và điều chỉnh công khai các thủ tục về đăng ký đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đăng ký, thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thực hiện Luật Đất đai 2013, Quyết định số 1358/QĐ -UBND ngày 31/3/2015 của UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường được tổ chức lại thành Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Thanh Oai và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 20/4/2015, toàn bộ các dịch
vụ công về đất đai được thực hiện tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.