4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1.3.3. Các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa đô thị hóa với sử dụng đất
Đô thị hóa là sự phát triển tất yếu của xã hội. Các đô thị ra đời và quá trình phát triển đô thị đã làm cho vấn đề sử dụng đất ở đô thị thay đổi theo thời gian [59]. Đô thị hóa đã tác động sâu rộng đến sử dụng đất trong đô thị bởi trong quá trình ĐTH chứa đựng những thay đổi về không gian, về dân cư và các yếu tố KH - XH khác. Ngược lại, sử dụng đất đô thị trong đô thị hóa có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ cấu lao động, cơ cấu nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống và các vấn đề xã hội ở các đô thị.
Mối quan hệ giữa đô thị hóa và sử dụng đất đô thị là: đô thị hóa đã làm tăng quy mô đất đô thị khi ranh giới hành chính đô thị thay đổi, đặc biệt là ở các đô thị được nâng cấp. Đô thị hóa và sử dụng đất có mối quan hệ đặc biệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ gia tăng dân số, những thay đổi về số lượng và lao động đã khiến đất đai ở các đô thị thay đổi cả về giá trị và giá trị sử dụng. Đô thị hóa không chỉ mở rộng ranh giới hành chính cho đô thị mà còn là nhân tố tạo nên tính hàng hóa cho đất đai cho đô thị. Và giá trị của đất đai trong đô thị còn phụ thuộc vào vị trí địa lý, quy mô của đô thị. Giá trị và giá trị sử dụng đất dẫn đến hình thành những khu vực đất đai có chức năng khác nhau trong các đô thị [26, 65].
Quá trình tăng trưởng đô thị chính là sự tăng về dân số ở mỗi thành phố. Các điều kiện quyết định đến tăng trưởng đô thị là những thay đổi trong phân loại đô thị, quá trình gia tăng cơ học và gia tăng tự nhiên của dân số. Dân số tăng lên vừa tạo động lực vừa gây sức ép cho quá trình tăng trưởng ở mỗi đô thị. Ở các nước đang phát triển, di cư trong công nghiệp hóa đã làm thay đổi về quy mô và cơ cấu sử dụng đất đô thị. Ở một số thành phố thuộc khu vực Đông Nam Á, đất nông nghiệp giảm nhanh khi có hiện tượng nhập cư ồ ạt và chiến lược phát triển kinh tế ưu tiên cho phát triển ngành công nghiệp [38].
Sử dụng đất đô thị và phát triển KT - XH là vấn đề nổi cộm trong quá trình đô thị hóa. Quá trình phát triển KT - XH có mối quan hệ khá khác biệt với sử dụng đất trong các đô thị. Mối quan hệ này thể hiện qua tỉ lệ tương quan giữa tỉ lệ khu vực II, khu vực III trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tỉ lệ dân đô thị. Đô thị hóa không chỉ làm thay đổi mục đích sử dụng đất mà còn làm thay đổi các khu vực chức năng vốn có từ rất lâu trong các đô thị [1].
Đất nông nghiệp tuy bị mất đi trong đô thị hóa nhưng bù lại nông dân có được một khoản tiền để đầu tư, mua sắm và chuẩn bị cho nghề mới. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi sinh kế ở ven đô Hà Nội của tác giả Nguyễn Văn Sửu đã cho rằng, khi đất nông nghiệp bị chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất vì sinh kế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập không bền vững, bất ổn về an ninh xã hội đã tăng lên trong bối cảnh trên. Ngoài ra, những rủi ro, bấp bênh trong quá trình kiếm tìm sinh kế mới, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao giữa các tầng lớp dân cư trong đô thị, xung đột với chính quyền do những bất đồng về thu hồi đất cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đô thị hóa [56].
Mối quan hệ giữa đô thị hoá với công tác quản lý đất đai cũng đã được một số tác giả thực hiện nghiên cứu, như: “Ảnh hưởng của các dự án đầu tư đến tình hình quản lý sử dụng đất nông nghiệp huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội” của Phạm Văn Vân (2013), tác gỉa Đào Thị Thanh Lam (2013) cho thấy quá trình đô thị hóa có quan hệ chặt chẽ đối với công tác quản lý đất đai thể hiện qua: công tác giao đất, cho thuê đất; công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất... Tác giả Nguyễn Thị Hải và cs (2015) [34], trong công trình: “Tác động của quá trình đô thị hóa đến việc quản lý và sử dụng đất tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế”, đã đưa ra các kết luận: do quá trình đô thị hóa, đất đai của thị xã biến động theo hướng tăng nhanh diện tích đất phi nông nghiệp, giảm diện tích đất chưa sử dụng và một số loại đất nông nghiệp để phục vụ cho việc phát triển đô thị, quá trình đô thị hóa đã thúc đẩy thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý các dịch vụ công về đất đai và quản lý phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản; Quá trình đô thị hóa đã làm gia tăng áp lực đối với công tác quy hoạch sử dụng đất, công tác quản lý tài chính về đất đai cũng như vấn đề giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai ở địa bàn nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Thị Phương Anh và cs (2012) [2] trong công trình: “Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Huế, giai đoạn 2006 – 2010” đã chỉ ra rằngquá trình CNH- HĐH cùng với đô thị hóa đã làm cho diện tích đất nông nghiệp chuyển dịch sang đất phi nông nghiệp do việc trưng dụng đất để xây dựng các công trình sự nghiệp, cơ sở hạ tầng… Tác giả Huỳnh Văn Chương và Trương Văn Quyết (2012) [18]:Nghiên cứu thực trạng chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và những giải pháp quản lý sử dụng đất bền vững thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam,
đã đưa ra các kết luận về việc chuyển đổi đất đai trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp có nhiều tác động tích cực, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
Các đô thị luôn là động lực phát triển và là hạt nhân quan trọng ở mỗi quốc gia. Để đô thị hóa nhanh và bền vững thì nó cần được đặt trong bối cảnh có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, xã hội ổn định và cơ cấu sử dụng đất hợp lí.
Các nghiên cứu về đô thị hóa và biến động sử dụng đất đều có ba đặc điểm chung: Một là, vấn đề mất đất nông nghiệp do xây dựng khu dân cư và phát triển công nghiệp. Khu vực ven đô của các khu đô thị lớn như Manila, Jakarta, Hà Nội là những ví dụ điển hình cho sự suy giảm đất nông nghiệp [81, 85, 91]. Hai là, vấn đề tăng dân số, giảm đất nông nghiệp gây áp lực chuyển đổi cây trồng và tăng cường sử dụng đất theo nhu cầu thị trường [77, 97]. Ba là, đô thị hóa làm thay đổi mô hình không gian của khu vực nông nghiệp. Tại các khu vực ven đô trải qua đô thị hóa, đất nông nghiệp thường bị chia cắt và manh mún [81, 93]. Cho đến nay, các nghiên cứu mối liên hệ giữa đô thị hóa và sử dụng đất tập trung theo hai hướng, hoặc (i) đánh giá mối quan hệ theo quan điểm địa lý học, hoặc (ii) xem xét dưới góc độ sự phát triển KT-XH. Hai hướng tiếp cận độc lập, riêng rẽ này đã bộc lộ một số hạn chế. Các nhà nghiên cứu xã hội liên kết vấn đề đô thị hóa và sử dụng đất theo phương pháp quy nạp thực tiễn [56, 78, 94], phân tích và xem xét đô thị hóa ở mức độ tổng hợp hơn bao gồm cả khoa học và xã hội. Hạn chế của họ là chỉ dựa vào số liệu thống kê đánh giá mà không định lượng không gian của mối quan hệ giữa đô thị hóa với sử dụng đất. Trong khi đó, các nhà khoa học địa lý ứng dụng viễn thám và GIS chỉ xem xét đô thị hóa tương đồng với sự phát triển không gian, mở rộng không gian khu vực dân cư, khu công nghiệp và khu đô thị để định lượng sự thay đổi sử dụng đất theo không gian đô thị hóa [81, 83]. Do vậy, cần có những công trình nghiên cứu khoa học mới, tập trung phân tích mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và sự biến động sử dụng đất, theo đó, cần tiếp cận hệ thống hơn, tích hợp dữ liệu đa chiều hơn cả về khai thác dữ liệu không gian với các yếu tố KT-XH trong khu vực. Trên thế giới, hướng tiếp cận mới này đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, tuy rằng mỗi nghiên cứu có một hướng đi riêng và khai thác các khía cạnh khác nhau [79, 85, 87, 92]. Với nhiều ưu điểm nổi trội, dữ liệu không gian được coi là công cụ cung cấp thông tin nhanh chóng [95, 96]. Sự tích hợp giữa các phương pháp phân tích thống kê, phân tích không gian và mô hình hóa không gian là một giải pháp mới trong nghiên cứu mối quan hệ giữa đô thị hóa với sử dụng đất, nó cho phép đánh giá tác động của đô thị hóa đến biến động sử dụng đất theo không gian và thời gian, xác định nguyên nhân và đặc biệt là lượng hóa được ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến biến động cơ cấu sử dụng đất.