Chính sách đổi mới về kinh tế - xã hội từ đầu những năm 80 đến nay đã giúp Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, chính trị ổn định và có quan hệ giao thương với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những đổi thay này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tạo ra nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tăng trưởng nhanh và ổn định
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tế phát triển và năng động nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, với hơn 3.000 km bờ biển và nằm ngay cửa ngõ của khu vực, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển các cảng nước sâu và như giao thương toàn cầu.
Khí hậu nhiệt đới với hai miền khí hậu khác nhau và các mùa rõ rệt cũng cho Việt Nam nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp, và trở thành một nguồn cung cấp nông-lâm-thủy hải sản tương đối trọng điểm cho khu vực và thế giới.
Sau hơn 30 năm đổi mới và áp dụng nền kinh tế theo định hướng thị trường, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao so với bình quân của thế giới và khu vực.
Mặc dù liên tục phải đối mặt với những bất ổn và thách thức khi kinh tế thế giới trải qua giai đoạn suy thoái khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6%/năm. Chính phủ Việt Nam tự tin đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn sắp tới là 7%.
Tốc độ tăng trưởng cao và ổn định qua nhiều năm luôn là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh các thành tựu về kinh tế, Việt Nam cũng rất thành công trong việc duy trì sự ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tỷ lệ lạm phát những năm gần đây được kiểm soát tốt ở mức dưới 5%. Tỷ giá ngoại hối luôn được duy trì ở
mức ổn định, không có những biến động bất thường ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu trong những năm qua cũng là một điểm quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành tiêu dùng và bán lẻ, vì họ là lực lượng tiêu dùng hùng hậu có trình độ và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là động lực chính trong việc biến thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay.
Dân số Việt Nam đến nay đã gần tới cột mốc 100 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới, với khoảng 60% trong độ tuổi dưới 35. Đây là nguồn lao động trẻ, khỏe, năng động, có tiềm năng và khả năng tiếp thu kiến thức tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.
Tuy nhiên, chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước có mức thu nhập tương tự, nên sẽ tiếp tục là môt lợi thế cạnh tranh không nhỏ của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong sản xuất hàng tiêu dùng và các hàng hóa cần sử dụng nhiều sức lao động.
Việc Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kinh tế theo định hướng thị trường, và tăng cường hội nhập với thế giới, sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận với thị trường thế giới.
Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (hiệu lực vào năm 2018), trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC),... và đang tiếp tục tham gia đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác.
Điều này khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, cũng như thể hiện quyết tâm hội nhập và tuân thủ luật chơi trong thương trường quốc tế. (Phạm Văn Thinh, 2017).