3.1.2.1 Tài nguyên đất
Có 05 loại đất chính với tổng diện tích 402,817 ha; trong đó nhóm đất xám chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 85.63%, phân bố ở địa hình cao; đặc điểm chung là thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước, phù hợp với nhiều loại cây trồng ngắn ngày, dài ngày, lâu năm. Đây là một lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp như cao su, mía, mì, điều…Nhóm đất đỏ vàng cũng đặc biệt phù hợp với cây công nghiệp, trồng rừng nhưng chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng 6,850 ha, hay 1.7%, được phân bố vùng đồi núi ở huyện Tân Biên, Tân Châu.
Với tiềm năng dồi dào về đất đai, Tây Ninh có thể đảm bảo nguyên liệu để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản một cách bền vững. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều vùng đất thích hợp trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao những vẫn còn hoang hóa, lãng phí, chưa khai thác hoặc quy hoạch không phù hợp.
3.1.2.2 Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt phụ thuộc chủ yếu vào chế độ hoạt động của hệ thống hai con sông lớn, Sông Sài Gòn và Sông Vàm cỏ. Cả hai có độ dốc lòng sông nhỏ nên khả năng gây lũ chậm.
Hồ chứa nước Dầu Tiếng được xây dựng trên thượng nguồn của sông Sài Gòn là một công trình thủy lợi lớn nhất nước với dung tích 1.5 tỷ m3 và tổng diện tích hồ là 27,000 ha; trong đó khoảng 20,000 ha nằm địa bàn huyện Dương Minh Châu - Tây Ninh. Hồ Dầu Tiếng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường sinh thái của tiểu vùng. Ngoài ra, còn có nước mặt của các ao, hồ, sông, rạch tiềm năng thuận lợi để phát triển ngành thủy sản, một ngành chưa được khai thác đáng kể.
Nguồn nước ngầm: phân bố rộng khắp trên địa bàn, lưu lượng nước lớn, chất lượng tốt. Vào mùa khô vẫn có thể khai thác nước ngầm đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt và sản xuất.
Với nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm dồi dào, chất lượng tốt, Tây Ninh có lợi thế trong phát triển nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Ngoài ra, nguồn nước Tây Ninh còn đủ cung cấp cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp hiện có tổng công suất thiết kế khoảng 12,000 m3/ngày đêm.
3.1.2.3 Tài nguyên khoáng sản
Chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản phi kim loại như: than bùn, đá vôi, cuội, sỏi, cát, sét và đá xây dựng. Than bùn có trữ lượng 16 triệu tấn, phân bố rải rác dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, chất lượng rất tốt, dùng để chế biến phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp để cải tạo đất. Đá vôi có trữ lượng khoảng 100 triệu tấn. Cuội, sỏi cát có trữ lượng khoảng 10 triệu m3. Đất sét dùng để sản xuất gạch ngói có trữ lượng khoảng 16 triệu m3, được phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh. Đá laterit có trữ lượng khoảng 4 triệu m3 và đá xây dựng các loại có trữ lượng vào khoảng 1.3 – 1.4 triệu m3, phân bố chủ yếu ở núi Phụng, núi Bà Đen thuộc thị xã Tây Ninh. Nhìn chung, Tây Ninh có đặc điểm tự nhiên rất thuận lợi để phát triển toàn diện cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Với một số thuận lợi nhất định, tác giả đánh giá yếu tố tự nhiên là một lợi thế lớn trong bối cảnh năng lực canh tranh của tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tận dụng được lợi thế này một cách hiệu quả, điều mà tỉnh Tây Ninh vẫn chưa làm được.