Bệnh nhân có bướu giáp không độc cần phải sử dụng Levothyroxine suốt đời. Họ cần tránh tình trạng nhiễm iod vì có nguy cơ cường giáp hoặc suy giáp do không dùng thyroxine. Cũng có trường hợp u tuyến hoặc u đa tuyến trở nên tăng hoạt thành bướu giáp độc. Bướu giáp không độc thường có tính chất gia đình (nhất là bướu giáp đơn nhân và đa nhân), vì thế mọi thành viên cần theo dõi và dự phòng các nguy cơ gây bướu giáp. Phòng chống thiếu hụt iod là một trong những biện pháp góp phần hạn chế bướu giáp đơn không độc.
XII. KẾT LUẬN
Trước một bệnh nhân có bệnh lý về tuyến giáp cần khảo sát bệnh sử, khám xét kỹ nhằm phát hiện các triệu chứng tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp. Cần chọn lựa xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp gồm xét nghiệm sinh học, miễn dịch cho đến thăm dò hình ảnh đại thể lẫn vi thể. Cần phối hợp nhiều yếu tố liên quan trước khi đi đến kết luận. Chọn lựa phương pháp điều trị cần cân nhắc và thận trọng, nên chọn phương pháp tối ưu và hạn chế những can thiệp không cần thiết. Ở những trường hợp có chỉ định điều trị triệt để như phẫu thuật hoặc điều trị phóng xạ cần có biện pháp theo dõi lâu dài nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Bướu giáp bình giáp lan tỏa hầu hết đều do viêm tuyến giáp Hashimoto. Các bướu đa nhân tuyến giáp thường không có triệu chứng, nhưng cần
điều trị khi có triệu chứng chèn ép hoặc cường giáp.
Các nhân đơn độc tuyến giáp thường lành tính nhưng khoảng 5% là carcinoma.
Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ là xét nghiệm tốt nhất để đánh giá nhân đơn độc tuyến giáp.
Các nhân tuyến giáp phát hiện tình cờ có thể phát hiện trên siêu âm ở 20% - 60% dân số chung và hầu hết các nhân không có ý nghĩa lâm sàng.
Điều trị khởi đầu của carcinoma tuyến giáp biệt hóa bao gồm phẫu thuật cắt tuyến giáp, và điều trị iod phóng xạ phần nhu mô còn lại ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Điều trị lâu dài với carcinoma tuyến giáp không biệt hóa bao gồm ức chế nồng độ TSH máu xuống thấp hơn mức bình thường, theo dõi nồng độ thyroglobulin (TG) huyết tương và xạ hình toàn thân bằng iod phóng xạ.