Để tiến đến quá trình hòa hợp hội tụ với kế toán quốc tế, Việt Nam cần đẩy nhanh và chuyên nghiệp hóa hơn nữa quy trình xây dựng chuẩn mực kế toán Việt Nam với các giải pháp sau đây :
3.2.1.1. Hình thành Ủy ban chuẩn mực kế toán Việt Nam
Để đảm bảo tiến độ xây dựng và nội dung phù hợp với những yêu cầu của nền kinh tế, trước mắt cần xây dựng Ủy ban chuẩn mực kế toán Việt Nam. Qua nghiên cứu cơ cấu tổ chức này của quốc tế, Ủy ban chuẩn mực kế toán Việt Nam nên thành lập thêm bốn tổ chức gồm :
- Ban tư vấn chuẩn mực kế toán: có trách nhiệm lập các chiến lược, kế hoạch, biện pháp hoàn thiện hệ thống kế toán và kiểm toán. Ban tư vấn nên bao gồm các thành viên đến từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, họp định kỳ hàng năm và các cuộc họp mở cho công chúng quan sát. Cần thành lập hai nhóm tư vấn độc lập với tổ soạn thảo để vừa góp ý vừa làm vai trò phản biện:
+ Một nhóm tư vấn gồm các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt cần đến sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán quốc tế đặt trụ sở tại Việt Nam.
+ Một nhóm tư vấn bao gồm các chuyên gia về luật, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về kế toán kiểm toán, các công ty kiểm toán và các cơ quan nhà nước có liên quan như Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, ...
- Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán: có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và soạn thảo chuẩn mực kế toán đệ trình lên Ủy ban chuẩn mực kế toán.
- Ban hướng dẫn chuẩn mực kế toán: có trách nhiệm ban hành các hướng dẫn đối với các chuẩn mực kế toán.
- Ban kiểm tra: có trách nhiệm tham gia giám định và xử lý các tranh chấp về kế toán, kiểm toán
3.2.1.2. Hoàn thiện quá trình chuyển đổi các chuẩn mực quốc gia từ chuẩn mực quốc tế
Một vấn đề cũng khá quan trọng trong quy trình xây dựng chuẩn mực kế toán để chuẩn bị hòa hợp hội tụ với kế toán quốc tế là quá trình chuyển đổi từ các chuẩn mực quốc tế thành chuẩn mực Việt Nam. Để đảm bảo có thể chuyển tải đầy đủ và trong sáng nội dung các chuẩn mực kế toán quốc tế sang Tiếng Việt đồng thời thể hiện đúng
hình thức của văn bản pháp quy, việc biên tập các chuẩn mực nên tuân thủ theo một số yêu cầu như:
- Dịch nội dung sang Tiếng Việt không cần bám sát nguyên tác. Điều này sẽ giúp chuẩn mực dễ hiểu hơn nhưng để không bị sai lệch nội dung, người soạn thảo phải có kiến thức vững chắc về kế toán, phải hiểu đúng và rõ ràng về chuẩn mực mình soạn thảo.
- Cuối mỗi chuẩn mực nên có thêm phần đối chiếu với chuẩn mực kế toán quốc tế tương ứng. Chẳng hạn, nên có thêm đối chiếu những phần mà chuẩn mực Việt Nam không đề cập so với quốc tế hay những nội dung mà chuẩn mực Việt Nam phát triển thêm để phù hợp với điều kiện Việt Nam mà chuẩn mực quốc tế không có. Cách làm này giúp cho việc so sánh thuận lợi hơn, không mất thời gian tìm kiếm những điểm khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, phục vụ tốt hơn cho quá trình nghiên cứu và học tập kế toán của những người có quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn này.