Nguyễn Sỹ Thoại
Đài Khí tượng Thuỷ văn Tỉnh Ninh Thuận
Tóm tắt
Ninh Thuận là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai phức tạp và biến đổi khí hậu. Địa hình hỗn hợp giữa miền núi, đồng bằng và khu vục ven biển có bờ biển dài.
Ninh Thuận thường xuyên đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn như lũ lụt, đi kèm với xói lở bờ biển và nhiễm mặn. Các hiện tượng này gây ra tác động đáng kể đối với nông nghiệp, ngư nghiệp, cấp nước tưới tiêu, cấp nước đô thị, môi trường và sinh thái.
Theo các dữ liệu trong vòng 5 năm qua, hạn hán hàng năm đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hơn 5.000 ha lúa, thiếu nước sạch cho khoảng 15.000 đến 20.000 hộ gia đình. Thiệt hại nông nghiệp ước tính hàng trăm tỷ đồng, tổng diện tích cháy rừng là hàng trăm ha, thiệt hại hàng tỷ đồng; tần suất lũ/số trận lũ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản.
-Những thay đổi trong việc phân bố lượng mưa có thể dẫn đến sự gia tăng hoặc giảm dòng chảy tại một số khu vực;
- Tần suất lũ và mức độ nghiêm trọng của hạn hán ngày càng tăng do sự gia tăng hoặc giảm tổng lượng mưa;
-Dòng chảy của sông và sự phân phối dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng, xâm nhập mặn gia tăng vào trong vùng;
Trong những năm qua; tỉnh đã xây dựng 21 hồ chứa nước đưa vào sử dụng với tổng dung tích hồ là 194,27 triệu m3 với năng lực tưới thiết kế là 16.692ha và 03 đập dâng lớn (đập sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm) sử dụng nguồn nước xả của nhà máy thủy điện Đa Nhim. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn có 57 đập dâng xây dựng trên các sông suối nhỏ cấp nước tưới cho 1.344ha đất canh tác nông nghiệp.
Đập và hồ chứa được xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh dẫn đến hiệu quả thấp và việc kiểm soát nước trong mùa mưa và mùa khô kém. Do đó, tài nguyên nước cần được tích hợp quản lý tại cả thượng lưu và hạ lưu.
Việc sử dụng nước của người dân vùng hạ lưu, đặc biệt là khu vực thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, khu vực cửa sông Dinh chủ yếu dựa vào nguồn nước sông Dinh và khai thác nước ngầm. Vì vậy xây dựng đập ngăn mặn, tích trữ nước trong mùa khô, điều tiết nước trong mùa lũ có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Việc hoàn thành đập sông Dinh, đánh giá tình trạng xâm nhập mặn, thoát lũ vùng cửa sông từ đó đưa ra các giải pháp tích ứng là nhiệm vụ rất cần thiết và quan trọng.
Chính vì vậy: Dự án đập hạ lưu sông Dinh được thực hiện theo Quyết định 2171/QĐ- UBND ngày 2-10-2015 của UBND tỉnh Ninh Thuận.
Hình 1: Phối cảnh Dự án Đập-cầu giao thông sông Dinh.
1. Mở đầu
Sông Dinh (Sông Cái) là sông lớn nhất của tỉnh, dài hàng trăm km, có hướng chảy từ Bắc-Đông Bắc về phía Nam-Đông Nam và là hợp lưu của nhiều sông suối nhỏ. Phần lớn lưu vực sông Dinh chảy qua các vùng núi cao, chỉ đến vị trí cách cửa sông khoảng 16,0 km địa hình mới mở rộng dần tạo nên vùng đồng bằng bán sơn địa và đồng bằng ven biển. Dòng chảy trên sông Dinh rất dồi dào, bình quân hàng năm khoảng 2,5 tỷ m3. Tuy nhiên, do dòng chảy phân phối không đều nên mùa lũ thường tập trung trên 80% lượng dòng chảy trong năm, gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng hai bên bờ sông Dinh. Mùa khô lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 15% đến 20% lượng dòng chảy trong năm gây khô hạn, xâm thực mặn vùng hạ lưu.
Ngày 19-4-2020, công trình đã hạ van đóng nước công trình đập hạ lưu Sông Dinh, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước. Khi đóng nước 6 cửa van với cao trình 3,2 m, cđập có chức năng ngăn không cho nước biển xâm nhập mặn, đồng thời tích trữ dung tích trên 3,5 triệu m3 nước ngọt vùng hạ lưu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, tạo cảnh quan sinh thái hai bên bờ sông. Đây là công trình áp dụng công nghệ mới trong ngành thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt lớn nhất cả nước hiện nay. Hệ thống các cửa van, được tích hợp bởi công nghệ vận hành liên hoàn tại khu vực điều hành tổng hoặc có thể vận hành đóng mở từng cửa van riêng. Khi cần thiết, các cửa van đồng loạt dâng lên đảm bảo thoát lũ và hạ xuống chặn dòng trong khoảng 30 phút.