II. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH CÔNG TÁC
3. Yêu cầu của việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác
- Đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Yêu cầu này đòi hỏi trong từng khoảng thời gian đã được xác đinh, kế hoạch và chương trình công tác của VKSND cấp dưới phải phù hợp với với kế hoạch của VKSND cấp trên; chương trình công tác của các đơn vị trực thuộc phải phù hợp với kế hoạch công tác của Viện kiểm sát cùng cấp. Kế hoạch và chương trình công tác của các đơn vị trong toàn Ngành phải tuân thủ sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao, theo đó, các nội dung chỉ tiêu trong kế hoạch và chương trình công tác của các đơn vị cấp dưới không được thấp hơn các chỉ tiêu, nội dung của Viện kiểm sát và đơn vị nghiệp vụ cấp trên đề ra.
- Kế hoạch, chương trình công tác phải bám sát các yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong từng giai đoạn và các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra trong từng thời gian cụ thể, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng của đơn vị. Người được giao xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phải nghiên cứu kỹ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của VKSND tối cao và điều kiện, khả năng của từng đơn vị để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho sát hợp và bảo đảm tính khả thi.
- Phải xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Yêu cầu này đòi hỏi, bên cạnh việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ tổng thể, toàn diện, tùy từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình thực tiễn mà VKSND tối cao xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm toàn ngành cần phải thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo VKSND
cấp dưới, đơn vị trực thuộc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trong tâm, trọng điểm của đơn vị, địa phương mình khi xây dựng kế hoạch, chương trình công tác.