III. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tác động đến phát triển khoa học, công
1. Bối cảnh quốc tế
Tình hình thế giới giai đoạn 2021-2030 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức; sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt. Các nước đang phát triển đứng trước nhiều thách thức mới.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và KH,CN&ĐMST tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu thì vai trò của KH,CN&ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia; công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Một số xu hướng lớn về KH,CN&ĐMST hiện nay trên thế giới:
- Xu thế phát triển mạnh mẽ của các công nghệ có tính đột phá (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, 5G…), tạo ra cuộc cách mạng về cách thức tư duy của nhân loại cũng như sự vận hành nền kinh tế và đời sống chính trị - xã hội. Các quốc gia đứng trước cơ hội tận dụng công nghệ mới để đột phá, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế, quản trị quốc gia và nâng cao đời sống người dân; đồng thời gặp thách thức rất lớn về tụt hậu xa hơn nếu vẫn chỉ chú trọng các ngành công nghiệp truyền thống.
- KH,CN&ĐMST ngày càng gắn kết chặt chẽ với phát triển KT-XH và môi trường. KH,CN&ĐMST sẽ tác động đến phát triển KT-XH trên nhiều mặt. KH,CN&ĐMST góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức và công nghệ như các ngành công nghiệp dịch vụ chuyên sâu về tri thức và các ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá hàm lượng công nghệ cao (được gọi chung là các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức và công nghệ - Knowledge-and technology- intensive industries). Trong bối cảnh phát triển kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào sự hội nhập của một quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, KH,CN&ĐMST đóng vai
trò quan trọng trong giúp cho các quốc gia tiếp cận các phân đoạn có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu một cách dễ dàng hơn.
- KH,CN&ĐMST là nhân tố chính trong tăng trưởng năng suất trong trung và dài hạn, thông qua các sản phẩm, các quy trình chế tạo dựa vào công nghệ mới mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, cải thiện việc cung cấp dịch vụ,... Các thành tựu mới của KH&CN được ứng dụng hội tụ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý, tiêu dùng như hạ tầng thông minh, xây dựng thông minh, dây chuyền thông minh, sản phẩm thông minh, quản trị thông minh...
- KH,CN&ĐMST thúc đẩy cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nghệ nano. KH,CN&ĐMST có khả năng tạo nên sự thay đổi kinh tế thế giới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, với tốc độ và quy mô ngày càng lớn. Hình thành xu hướng khoa học mở dựa trên nền tảng của các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- KH,CN&ĐMST góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường đặt ra trong giai đoạn tới. Về dân số là các vấn đề tăng trưởng dân số ở các nước kém phát triển, xã hội già hóa, di cư quốc tế. Về tài nguyên thiên nhiên và năng lượng là các vấn đề nước, năng lượng. Về biến đổi khí hậu và môi trường là các vấn đề nóng lên của trái đất và hậu quả đối với khí hậu, hệ sinh thái và sức khoẻ, đa dạng sinh học toàn cầu bị đe dọa, xử lý chất thải và tiền đề của kinh tế tuần hoàn. Về xã hội là các vấn đề gia đình và hộ gia đình, thu hẹp khoảng cách giới, xã hội kết nối hơn, tầng lớp trung lưu và tiêu dùng toàn cầu, đô thị hóa. Về y tế, bất bình đẳng và phúc lợi là các vấn đề phân bố của cải và thu nhập hướng đến hội tụ toàn cầu, sự phân rẽ cục bộ về thu nhập và của cải, trình độ giáo dục gia tăng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh thần kinh, tiến bộ trong nghiên cứu y học và công nghệ.
- Đổi mới quản lý KH,CN&ĐMST sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Phát triển các hình thức tổ chức hoạt động KH,CN&ĐMST (nghiên cứu tạo ra kết quả và ứng dụng kết quả vào sản xuất) như đổi mới mở, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mang tính đặc thù của tứng nước, cụm đổi mới, cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát cho các lĩnh vực sử dụng công nghệ mới, đổi mới các điều kiện khung cho NC&PT (các quy định về đổi mới, các điều kiện cạnh tranh thị trường, thúc đẩy thị trường vốn mạo hiểm, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề tương tự khác), chú trọng hơn nữa hợp tác công - tư trong KH&CN, …
- Quản lý đầu tư cho KH,CN&ĐMST được đổi mới để phù hợp với thay đổi công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số hóa. Có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực KH,CN&ĐMST tiên tiến và tiếp cận nguồn nhân công có kỹ năng, tài chính và thị trường, đồng thời phải hỗ trợ sự phổ biến KH,CN&ĐMST trong phần còn lại của nền kinh tế, qua đó cho phép tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ những kết quả của các hoạt động này.
- Các chính sách của Nhà nước chú trọng vào năng lực đổi mới sáng tạo để phát triển công nghệ và ngành ưu tiên trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà nước thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng cách hỗ trợ về công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng số, hỗ trợ các bên tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo. Các nền kinh tế lớn, có tính dẫn
dẵn thế giới như EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ,… đã xây dựng các chiến lược nhằm nắm bắt các cơ hội mở ra về phát triển KH,CN&ĐMST.
- Mở rộng và tăng cường quốc tế hóa về KH,CN&ĐMST trong thời gian tới sẽ được thể hiện trên các mặt: lưu chuyển nhân tài KH,CN&ĐMST được đẩy mạnh ở phạm vi quốc tế; các hoạt động KH,CN&ĐMST chuyển ra bên ngoài nhiều hơn (nhiều công ty quốc tế lớn đã bổ sung NC&PT nội bộ của họ bằng cách cộng tác với các nhà cung cấp bên ngoài, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, tổ chức nghiên cứu công và các trường đại học; các công ty đa quốc gia đã đóng một vai trò quan trọng trong quốc tế hóa NC&PT;…
- Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài, làm thay đổi sâu sắc đến trật tự, cấu trúc kinh tế và phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19.