Cơ sở xây dựng mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Một phần của tài liệu bc_tm_chien_luoc (Trang 48 - 49)

II. Mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

1.Cơ sở xây dựng mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được thiết kế theo thông lệ, gồm có mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được xây dựng như sau:

Các quan điểm phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 đã được xác định là căn cứ quan trọng để xác định mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST.

Đối chiếu với những nội dung có liên quan trong các văn bản đã ban hành về định hướng phát triển đất nước đến 2030 (bao gồm: Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Kết luận 50-KL/TW về tiếp tục

thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; Nghị quyết 52-NQ/TW về cơ chế, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0; Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030; Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030);

Kế thừa và điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm các nội dung về mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN 2011 - 2020 và bổ sung những nội hàm cho phù hợp với tình hình hiện nay và yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Tham khảo mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST trong Chiến lược KH,CN&ĐMST của một số nước;

So sánh với số liệu của một số quốc gia để gợi suy tính toán giá trị các chỉ tiêu của Việt Nam vào năm 2030. Các quốc gia được lựa chọn so sánh với Việt Nam có chỉ số về năng lực cạnh tranh tổng hợp hiện tại tương đương với Việt Nam và một số quốc gia là mẫu hình mà Việt Nam muốn hướng tới, đó là: Trung Quốc, Mexico, Thái Lan, Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Úc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Chile. Để so sánh với Việt Nam, số liệu KH,CN&ĐMST của các quốc gia được thống kê vào giai đoạn các quốc gia này đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 8.000-9.000 USD. Mức thu nhập 8.000-9.000 USD/người là mục tiêu đến năm 2030 của Việt Nam;

Dựa trên các tính toán, cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của Chiến lược. Các mục tiêu cụ thể được lựa chọn là những mục tiêu có khả năng tính toán và có khả năng thu thập số liệu.

Trên cơ sở đó, Mục tiêu tổng quát tập trung vào 2 nội dung chính: Một là xác định được vai trò và đóng góp của KH,CN&ĐMST đối với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; Hai là xác định được mục tiêu về phát triển tiềm lực và trình độ của KH,CN&ĐMST để đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Căn cứ vào mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể được chia thành 9 nhóm mục tiêu, gồm các nhóm về: Đóng góp của KH,CN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế; Đóng góp của KH,CN&ĐMST vào cơ cấu lại nền kinh tế; Đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển văn hoá, xã hội, con người, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng đầu tư cho NC&PT; Phát triển nhân lực NC&PT; Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức KH&CN; Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; Tăng giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường; Công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ.

Một phần của tài liệu bc_tm_chien_luoc (Trang 48 - 49)