4.1. Về SPS
Nói chung, SPS thường được áp dụng bởi các nước phát triển, bao gồm cả mục tiêu bảo hộ sản xuất nông nghiệp. Các thị trường này luôn đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng rất cao và kiểm tra sản phẩm nghiêm ngặt. Điều này được thể hiện thông qua hệ thống quy định áp dụng đối với việc nhập khẩu để bán trên thị trường cũng như các thủ tục kiểm soát SPS.
Thông tin về việc từ chối nhập khẩu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, nhiễm khuẩn ở Nhật Bản. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, các vấn đề về nhiễm khuẩn, vệ sinh, ghi nhãn là các lý do phổ biến nhất cho việc từ chối nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Tại EU, nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc kháng sinh, phụ gia và kim loại nặng là vấn đề lớn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Các lý do từ chối nhập khẩu của các thị trường này là khác nhau. Tuy nhiên, thủy sản là các mặt hàng bị từ chối nhiều nhất ở các thị trường này. Ngược lại, nông sản và thực phẩm chế biến xuất khẩu của Việt Nam không gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn SPS của các nước ASEAN.
Đáng chú ý là SPS liên quan đến tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, không chỉ trong chế biến mà cả nuôi trồng. Đây là một trong những thách thức lớn đối với người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam. Vì vậy, sự kiểm soát toàn diện về chất lượng từ đầu đến cuối là cần thiết để giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam vượt qua thách thức về các biện pháp SPS. Hơn nữa, các tiêu chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế còn một khoảng cách. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng các tiêu chuẩn Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung khác. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp nên chú ý áp dụng và thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế để các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản dễ thâm nhập thị trường nước ngoài.
4.2. Về TBT
+ Trên thực tế, các nước ASEAN không đặt ra tiêu chuẩn cao và thường bám sát ISO, trong khi các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí cả Trung Quốc áp dụng hệ thống đa dạng với nhiều nguyên tắc và đôi khi khác các tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các tiêu chuẩn được áp dụng một cách hợp lý và liên tục. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không gặp phải nhiều rào cản liên quan đến kỹ thuật nhưng Việt Nam không có đủ chất lượng kỹ thuật, máy móc để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn.
Tuy nhiên, các nước ASEAN có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất của Việt Nam vì họ phải thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, các quốc gia Hồi giáo là các thị trường lớn, chẳng hạn như Malaysia và
Indonesia có những quy định khác như tiêu chuẩn Halal - có thể coi là tiêu chuẩn tôn giáo hay 6
rào cản, cùng với các rào cản khác về thủ tục hành chính, chống bán phá giá, v.v., gây khó khăn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu.
+ Tiêu chuẩn ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao. Một số tiêu chuẩn giống nhau hoặc thậm chí cao hơn so với các tiêu chuẩn của EU. Ngoài ra, Nhật Bản đưa ra một số nguyên tắc dựa trên đặc điểm tự nhiên của Nhật Bản hoặc các tiêu chuẩn riêng về nguyên vật liệu xây dựng (vì Nhật Bản thường xảy ra động đất). Số lượng tiêu chuẩn cũng nhiều so với các nước ASEAN và gia tăng đều đặn. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc và Nhật Bản. + Trung Quốc có vẻ là một thị trường nhập khẩu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là thông qua các kênh không chính thức. Lượng xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc không lớn sau khi nước này thắt chặt các tiêu chuẩn. Lý do là hệ thống tiêu chuẩn của Trung Quốc phức tạp và chi tiết, đòi hỏi ở mức cao hơn so với tiêu chuẩn chung.