1. Quyền tự mình xác minh, thu thập chứng cứ
a) Các trường hợp Viện kiểm sát tự mình xác minh, thu thập chứng cứ:
- Trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị (K6Đ84);
- Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, Viện kiểm sát có quyền tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (K2Đ259).
b) Biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ Viện kiểm sát được tiến hành:
Luật TTHC 2015 quy định 07 biện pháp thu thập chứng cứ Thẩm phán được phép tiến hành (K2Đ84). Đối với Viện kiểm sát, Luật chỉ quy định “Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị” mà không quy định rõ Viện kiểm sát được tiến hành những biện pháp thu thập chứng cứ nào. VKSND tối cao sẽ phối hợp với TAND tối cao quy định rõ vấn đề này trong Thông tư liên tịch mới (thay thế Thông tư liên tịch số 03) để thống nhất về nhận thức và thực hiện trong thực tiễn.
46
c) Chủ thể thực hiện quyền xác minh, thu thập chứng cứ
Theo quy định tại K3Đ43 thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định tại K6Đ84.
2. Về quyền yêu cầu (K2Đ25, Điều 343)
a) Các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát theo Luật TTHC 2015:
- Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án;
- Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ (K6Đ84);
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (K4Đ93);
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ khi có yêu cầu cung cấp của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định mới của Luật TTHC 2015 (K3Đ93) (đã được trình bày tại tiểu mục 3, mục VII, phần B của Tài liệu tập huấn này).
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (K8Đ43);
- Yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 183);
- Yêu cầu đương sự bổ sung nội dung đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và tài liệu trong trường hợp chưa đầy đủ (K2Đ258);
- Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật (Điều 343).
b) Chủ thể thực hiện quyền yêu cầu:
Kiểm sát viên có thể tham mưu cho Viện trưởng thực hiện hoặc tự mình thực hiện các quyền yêu cầu theo quy định của Luật TTHC 2015.
3. Về quyền kiến nghị (K2Đ25, Điều 315, Điều 343)
a) Các quyền kiến nghị của Viện kiểm sát theo Luật TTHC 2015:
- Kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (nếu họ không có người khởi kiện) cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó (K3Đ25).
Việc bổ sung đối tượng “người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” dựa trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự về những người cần có người giám hộ, người đại diện trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Trong đó, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là đối tượng mới được Bộ luật dân sự 2015 quy định, đó là “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không
47
đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự” (Điều 23 Bộ luật dân sự 2015).
- Kiến nghị quyết định chuyển vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định (K6Đ34);
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (K8Đ43);
- Kiến nghị việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (K1Đ76);
- Kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 124);
- Kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn (K1Đ248);
- Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (Điều 287);
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án (Điều 315);
- Kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật (Điều 343);
- Kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm (nói chung) trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính (K2Đ25).
b) Chủ thể thực hiện quyền kiến nghị:
Kiểm sát viên có thể tham mưu cho Viện trưởng thực hiện hoặc tự mình thực hiện các quyền kiến nghị theo quy định của Luật TTHC 2015.
4. Về quyền kháng nghị
4.1. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 211)
a) Đây là quyền duy nhất thuộc về VKSND. Theo quy định của Luật TTHC 2015 thì “Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”. Về cơ bản, đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường thì việc kháng nghị phúc thẩm không có nội dung mới.
Tuy nhiên, do Luật TTHC 2015 bổ sung chế định mới về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, vì vậy, khi kháng nghị và kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn ở giai đoạn phúc thẩm, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp cùng hồ sơ vụ án ngay sau khi ra quyết định;
48
- Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định (K2Đ251);
- Thời hạn Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa phúc thẩm và trả lại hồ sơ cho Tòa án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án (Điều 252).
b) Luật TTHC 2015 quy định mới về trách nhiệm của Viện kiểm sát khi Tòa án nhận được kháng nghị mà quyết định kháng nghị đã quá thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật thì Tòa án cấp sơ thẩm có quyền yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do (K3Đ213).
* Vấn đề cần lưu ý:
- “Quyết định kháng nghị đã quá thời hạn kháng nghị” được hiểu là ngày ghi trên quyết định kháng nghị đã vượt quá thời hạn 15 ngày (hoặc 30 ngày) kể từ ngày tuyên án trong trường hợp kháng nghị bản án, vượt quá 07 ngày (hoặc 10 ngày) kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án, quyết định trong trường hợp kháng nghị bản án của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
- Quán triệt VKSND các cấp tuyệt đối không để xảy ra trường hợp kháng nghị quá hạn.
- VKSND tối cao có trách nhiệm ban hành mẫu văn bản trả lời cho Tòa án trong trường hợp nêu trên để áp dụng thống nhất trong toàn ngành.
4.2. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (các điều 260, 283)
Khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Viện kiểm sát cần nắm vững những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật TTHC 2015 về thủ tục giám đốc thẩm (đã được trình bày tại mục XV phần B của Tài liệu tập huấn này) để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.