Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. (Trang 37 - 43)

1.4.1. Lý thuyết nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu đề tài luận án, tác giả luận án dựa trên các lý thuyết nghiên cứu sau đây:

- Lý thuyết về bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự:

Phát hiện, xử lý tội phạm là công việc của bất kỳ Nhà nước nào nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của cá nhân trong xã hội đó. Tuy nhiên, con người khi sinh ra ai cũng có quyền sống trong môi trường an toàn trong đó có sự an toàn về pháp lý. Vừa đảm bảo việc phát hiện xử lý tội phạm, vừa phải đảm bảo không xâm phạm quyền con người là một mâu thuẫn, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn này đó chính là biểu hiện của một kiểu tố tụng hình sự trong một Nhà nước văn minh.

Công việc đầu tiên ở đâu cũng đòi hỏi và Nhà nước nào cũng có nhiệm vụ phải làm là: Ghi nhận cụ thể những quyền con người nào trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự của mình. Việc ghi nhận này không phải là sự ban phát từ phía Nhà nước, mà bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó có việc thừa nhận những giá trị cao của quý nhân loại đã thừa nhận chung. Những giá trị đó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không ngừng nghỉ của loài người mới đạt được. Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn kiện quốc tế về quyền con người trong tố tụng hình sự như: Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 (UHDR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân; Công ước chống tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người năm 1985…

Nghiên cứu các văn bản này đưa đến một khẳng định quyền con người trong tố tụng hình sự chẳng qua là sự cụ thể quyền được sống, quyền được tự do trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Đây được coi là tiêu chuẩn về nhân quyền trong tố tụng hình sự. Theo đó, quyền con người trong tố tụng hình sự bao gồm những quyền được quy định tại Điều 10, 11 UHDR và Điều 14, 15 ICCPR, bao gồm: Quyền được xét xử công bằng bởi một thủ tục tố tụng hình sự; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và quyền tự do cá nhân khác; mọi trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế trách nhiệm hình sự phải trên cơ sở luật định; quyền được suy đoán vô tội; quyền được bào chữa và biện hộ, quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ; quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm; quyền được nhanh chóng minh oan; quyền không bị kết tội hai lần về cùng một hành vi…; các quyền con người trong thi hành án hình sự và sau xét xử… Có thể nói, suy đoán vô tội được ghi nhận là quyền con người và là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự.

- Lý thuyết về cải cách tư pháp:

Xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nhiệm vụ chiến lược trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét

xử được tiến hành có hiệu quả, Chiến lược cải cách tư pháp đã được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp, kiện toàn bộ máy nhà nước pháp quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, chuyên nghiệp và tận tụy. Trên thực tế, Chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong hoạt động tư pháp; kế thừa các giá trị truyền thống pháp lý tích cực của Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc nhiều giá trị phổ biến của các nền tư pháp hiện đại; đặt nền tảng quan trọng và tạo đà cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà trong dài hạn, tiệm cận gần hơn với nền tư pháp tiên tiến trên thế giới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định và có sự kế thừa mục tiêu về cải cách tư pháp, hướng đến “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.

- Lý thuyết về tính đồng bộ trong các nguyên tắc của tố tụng hình sự:

Dân chủ hóa tố tụng hình sự, bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tố tụng hình sự, triệt để tôn trọng quyền con người, quyền công dân trong quá trình tiến hành tố tụng là xu hướng không thể đảo ngược của tố tụng hình sự trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Pháp luật tố tụng hình sự đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền trước hết, thể hiện ở hệ thống nguyên tắc của nó với tư cách là các nguyêntắc cơ bản, cốt lõi và quan trọng, là những quan điểm chỉ đạo làm nền tảng và xuyên suốt các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng hình sự cần được thể hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ. Trong hệ thống các nguyên tắc của tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng và có thể nói đây là một trong những nguyên tắc cơ bản và là trụ cột chính kiến tạo hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nước ta.

Một trong những đòi hỏi đối với nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nói chung và nguyên tắc suy đoán vô tội đó là tính đồng bộ tức nó phải phù hợp với chế độ chính trị nói chung, mô hình tố tụng và các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự nói riêng. Nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ có thể tồn tại thực chất và thể hiện được giá trị của nó nếu đặt trong Nhà nước pháp quyền, ở đó, quyền con người được ghi

nhận và bảo vệ; khi nó phù hợp với mô hình tố tụng đảm bảo được các tiêu chuẩn về xét xử công bằng. Đặc biệt, nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ được thực hiện khi nó kết hợp với các nguyên tắc khác trong hệ thống nguyên tắc tố tụng hình sự Việt nam. Bởi lẽ nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong nhiều các nguyên tắc hợp thành hệ thống nguyên tắc của luật tố tụng hình sự.

Hệ thống nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự được chia làm nhiều nguyên tắc song các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự đều là sự cụ thể hóa các nguyên tắc chung của pháp luật và các nguyên tắc của hiến pháp. Giữa các nguyên tắc này có mối liên hệ mật thiết với nhau tác động qua lại lẫn nhau. Đó là sự thực hiện nguyên tắc này là tiền đề để thực hiện nguyên tắc kia hoặc nguyên tắc này cụ thể hóa nguyên tắc kia. Nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ mật thiết với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng, nguyên tắc xác định sự thật vụ án, nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự

… Vì vậy, việc bảo đảm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự cũng góp phần to lớn trong bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc suy đoán vô tội.

1.4.2. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

1.4.2.1. Câu hỏi nghiên cứu

Luận án tập trung vào việc giải quyết một số câu hỏi nghiên cứu sau đây: - Thế nào là nguyên tắc suy đoán vô tội? Khái niệm và các biện pháp bảo đảm thực

hiện nguyên tắc suy đoán vô tội?

- Có những quan điểm khoa học nào về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự và sự tồn tại của nguyên tắc này trong khoa học pháp lý? Để bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự, cần có những phương thức, điều kiện gì?

-Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay đã quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội và bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội như thế nào? Thực tiễn việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội đã đạt được mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân hay chưa? Những hạn chế, tồn tại

hiện nay về quy định pháp luật và thực tiễn bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam hiện nay gồm những gì, xuất phát từ nguyên nhân nào?

-Để tăng cường bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam hiện nay cần có những định hướng và giải pháp nào?

1.4.2.2. Giả thuyết nghiên cứu

- Với tư cách là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, suy đoán vô tội được thừa nhận không chỉ trong pháp luật quốc tế mà cả trong pháp luật của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để nguyên tắc này được thể hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ trong pháp luật tố tụng hình sự và đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế cần tiếp tục có những nghiên cứu về mặt lý luận nhằm nhận thức đúng đắn, đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Đặc biệt, cần làm rõ về mặt lý luận việc “bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự”. Bởi lẽ, các nguyên tắc của tố tụng hình sự là những chế định pháp lý, được thể hiện bởi những quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện bản chất của tố tụng hình sự và mang tính định hướng cho các hoạt động và hành vi tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

- Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận khá cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam 2015 với tư cách là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, tuy nhiên, suy đoán vô tội hiện nay đang còn có những cách hiểu khác nhau về nội dung, phạm vi áp dụng, trách nhiệm chứng minh tội phạm, các biện pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc này chưa thực sự triệt để. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng không nhận thức đúng đắn, đầy đủ việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội dẫn đến vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra tình trạng chẳng những bỏ lọt tội phạm, mà còn làm oan người vô tội.

- Việc nghiên cứu vấn đề bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết nhằm đề ra các định hướng và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Qua việc khảo cứu các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án, xác định cơ sở lý thuyết nghiên cứu, cho phép rút ra một số kết luận sau:

1. Trong số các công trình khoa học trong lĩnh vực tố tụng hình sự đã được công bố ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu, toàn diện về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Các công trình nghiên cứu trên thế giới chủ yếu nghiên cứu về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội và việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế gắn với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.

2. Với yêu cầu của nội hàm đề tài, nội dung nghiên cứu của luận án tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Nguyên tắc suy đoán vô tội mặc dù đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong quá trình tiến hành tố tụng, tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc chưa triệt để dẫn đến vẫn còn tình trạng oan sai xảy ra. Do đó, việc nghiên cứu vấn đề bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.

3. Do đó, để nghiên cứu đề tài luận án toàn diện, hiệu quả, luận án dựa trên nội hàm khái niệm của nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời, dựa trên cơ sở lý thuyết nghiên cứu về bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự; về cải cách tư pháp hình sự và bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện các nguyên tắc của tố tụng hình sự Việt Nam để làm sáng tỏ việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Chương 2

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI TRONG PHÁP LUẬT

TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Một phần của tài liệu Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(183 trang)
w