Ngọc Kon Tum

Một phần của tài liệu 2-11s (Trang 27 - 29)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch. Thưa Quốc hội.

Trước hết tôi tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ, giải pháp kinh tế - xã hội năm 2011.

Năm 2010 theo đánh giá của Chính phủ thì tình hình kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá. Thu ngân sách tăng cao,

kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Những vấn đề này thì tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước. Tôi xin phát biểu vào 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được đầu tư ở vùng khó khăn. Trong 10 năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và các chương trình, mục tiêu quốc gia. Các nguồn lực thực hiện chính sách đã được tăng cường, phạm vi đối tượng tham gia được thụ hưởng, chất lượng cung cấp dịch vụ an sinh xã hội từng bước được nâng cao, các chương trình dự án đầu tư xây dựng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát huy được hiệu quả và được nhân dân đồng tình, phấn khởi. Tuy nhiên các chính sách còn manh mún, không đồng bộ, chồng chéo và thiếu sự liên kết. Nhiều chương trình, dự án do nhiều bộ, ngành khác nhau chủ trì. Việc phân bổ nguồn vốn cũng theo nhiều thời điểm khác nhau, dẫn đến có nhiều nội dung của chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào vùng sâu vùng xa còn trùng lặp, không phát huy được hiệu quả. Nguồn lực tài chính, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo còn hạn chế so với nhu cầu, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Hệ thống bộ máy triển khai thực hiện còn yếu và thiếu sự đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa các bộ phận, còn thiếu sự thống nhất giữa các bộ, ngành. Từ những tồn tại trên tôi xin kiến nghị:

Một, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương, tránh trùng lắp các chương trình. Đề nghị Chính phủ cho rà soát và thực hiện lồng ghép toàn bộ chương trình giảm nghèo hiện nay thành một chương trình tổng thể để có sự hỗ trợ đầu tư có hiệu quả.

Hai, đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư Chương trình 135 giai đoạn từ 2011 - 2015 để góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Ba, đối với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sẽ kết thúc vào năm 2010 nhưng hiện nay có một số nội dung đầu tư của dự án đang triển khai chưa hoàn thành nhưng không có vốn để tiếp tục đầu tư phát triển. Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chăm sóc trồng rừng thời kỳ kiến thiết cơ bản, đóng mốc ranh giới ba loại rừng, khoán, quản lý, bảo vệ rừng.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Tây Nguyên theo Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho cả giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển một số lĩnh vực nhiều tiềm năng của các tỉnh Tây Nguyên.

Phần thứ hai, tôi xin tham gia phát biểu về vấn đề giáo dục pháp luật đối với thanh niên, thiếu niên. Hiện nay, tình trạng trẻ em tụ tập thành băng nhóm, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp, đánh nhau, trộm cắp, cướp giật, vi phạm pháp luật giao thông, đua xe trái phép, vô lễ với thầy cô và người thân trong gia đình. Lối sống

đua đòi, buông thả thậm chí giết bạn cùng lớp và người thân trong gia đình xảy ra đến mức báo động. Một trong những nguyên nhân chính đó là sự buông lỏng yếu kém trong giáo dục, quản lý giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua, gây bất bình trong xã hội, nhưng chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn.

Theo tôi, đổi mới công tác giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả trước hết là phải kết hợp 3 trong 1 đó là: giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Chúng ta cần thiết phải xây dựng lại, phải đổi mới các chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức hiện hành và kết hợp với các kiến thức về kỹ năng và các tình huống pháp luật, đạo đức. Để làm được như vậy cần phải có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đặc biệt là đội ngũ giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng, có tâm huyết với nghề nghiệp. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu 2-11s (Trang 27 - 29)