Nhận thức đúng đắn về phát triển văn hóa doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Le Thi Dung (Trang 30 - 33)

7. Kết cấu luận văn

1.3.1. Nhận thức đúng đắn về phát triển văn hóa doanh nghiệp

Thế giới đang thay đổi và phát triển trong mô hình phẳng. Một tổ chức biến động tiêu cực có thể mang đến những tác động tích cực hoặc tiêu cực tới toàn cầu. Tính chất toàn cầu hóa trong quá trình thay đổi và phát triển ấy đặt ra nhiều vấn đề đối với mỗi quốc gia nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có vấn đề xây dựng, phát triển và phát huy nhân tố văn hóa trong hoạt động kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của chủ thể doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm không mới đối với thế giới nhưng vẫn còn lạ lẫm đối với số đông doanh nghiệp Việt Nam – lại đang được công nhận là một yếu tố mang ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh.

Sự xuất hiện phổ biến và trở thành tất yếu của khái niệm này gắn liền với quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này có nghĩa là việc tham gia vào sân chơi chung là nền kinh tế toàn cầu cần tới một cách thức quan hệ, ứng xử trong quan hệ kinh doanh hay nói rộng hơn là cần tới một văn hoá kinh doanh vừa thể hiện bản sắc riêng vừa phù hợp với sự đa dạng bản sắc trên thế giới, đặc biệt là trong các công ty toàn cầu.

Văn hoá doanh nghiệp dưới góc nhìn như là nguồn vốn xã hội - một trong 5 loại vốn (hay nguồn vốn) là: vốn tự nhiên (được ban tặng), vốn con người (thể lực và trí lực), vốn vật chất (do con người tạo ra), vốn tài chính (quy ra giá trị) và vốn xã hội. Vốn xã hội cũng là một khái niệm mới được thừa nhận trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tạo cơ sở mới cho nhiều lý thuyết phát triển hiện đại.

Văn hoá doanh nghiệp là một thực thể không thể chia tách, vì một hành vi văn hoá, dù là “vỏ” hay “lõi” đều đã nói lên bản chất văn hoá của thực thể đó. Tuy nhiên nếu trên góc độ nghiên cứu, nếu tạm nhận thức phần “vỏ” văn hoá chính là những yếu tố bên ngoài (mang mặc, nói năng, nhận diện, quy tắc ứng xử…), thì những giá trị cốt lõi chính là toàn bộ những giá trị niềm tin, lý tưởng, ý chí của cả một tập thể, được tạo nên bởi lịch sử và ý chí của các thế hệ đi trước.

Khi một tổ chức bắt đầu to ra, bắt đầu có nhiều thành phần, nhiều bộ phận, sẽ bắt đầu có những cách làm, cách nghĩ khác nhau. Khi một tổ chức to ra, bắt đầu thiếu đi sự gắn kết, sự thống nhất, bắt đầu mất đi sự khác biệt của mình. Lúc này, văn hoá doanh nghiệp có vai trò của hệ thống phanh trên cỗ xe phát triển. Nó giúp cỗ xe điều chỉnh được tốc độ tiến lên, giữ được thăng

bằng qua những khúc cua rẽ ngoặt, lên dốc xuống đèo. Một hệ thống phanh tốt, an toàn là điều kiện quyết định để cỗ xe có thể tham gia lưu thông trên mọi ngả đường.

Nếu như cái vỏ văn hoá là thứ có thể bắt chước nhau, có thể nhanh chóng xây dựng quy định để thực hiện thì giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp không tự nhiên mà có. Nó hình thành từ lịch sử của tổ chức, từ triết lý kinh doanh, từ mục đích mà mọi thành viên cùng hướng tới. Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp này sẽ không giống của bất cứ doanh nghiệp kia. Nó tạo nên sự khác biệt, và sự khác biệt sẽ tạo ra thế mạnh.

Vậy, hiểu thế nào về giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp? Quá nhiều định nghĩa, nhưng ta có thể hiểu một cách đơn giản nhưng đầy đủ: Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, suy cho cùng là cách từng thành viên nhận thức, điều hành, thực hiện và hoàn thành mọi công việc như thế nào? Đó chính là sợi dây mà từng thành viên cùng neo bám vào đó để cùng thực hiện nhiệm vụ, để sống và làm việc với nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau thụ hưởng thành quả…

Các giá trị văn hoá cốt lõi được đúc rút từ lịch sử hình thành, phát triển và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, từ mong muốn của lãnh đạo và các thế hệ đi trước, phải dựa trên cơ sở khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử và phù hợp với truyền thống văn hoá nhân loại, văn hoá dân tộc. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phải vận dụng ánh xạ được những giá trị đó vào suy nghĩ nhận thức của từng thành viên, tạo nên sức mạnh phát triển của tổ chức và cơ hội phát triển của từng cá nhân.

Một điều cần chú ý, khi tiếp cận và nhận thức những giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là không phải nhớ chính xác và suy luận trên từng con chữ, mà mỗi người cần nhận thức đúng tinh thần và tư tưởng của các giá trị này. Bởi câu chữ chỉ là cái vỏ ngôn ngữ của tư tưởng và hầu như không bao giờ bao trùm được hết tất cả các nội dung của nó. Nếu sa đà vào suy luận câu từ sẽ dẫn đến sự hiểu thô thiển, lệch lạc, gây bế tắc trong quá trình vận dụng hoặc ít ra là bó hẹp phạm vi tác động của tư tưởng ấy.

Trong doanh nghiệp đã có những giá trị văn hoá cốt lõi, mức độ nhận thức hiện có và những giá trị nhận thức mong muốn tất yếu có khoảng cách. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị hiện có và những giá trị tổ chức mong muốn. Các khoảng cách

này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.

Để ánh xạ được các giá trị cốt lõi vào nhận thức của từng thành viên trong tổ chức, phải tổ chức “truyền lửa” từ những người đứng đầu doanh nghiệp đến với nhân viên một cách thường xuyên. Không có gì hiệu quả hơn khi những người đứng đầu trực tiếp phân tích, định hướng, truyền cảm hứng, đưa những mong ước, chiến lược phương châm hành động, niềm tin, lý tưởng…đến với cán bộ, công nhân viên. Lãnh đạo phải là người trực tiếp đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng…bằng những quyết định của mình. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên, đồng thời cách giao tiếp, đối xử của lãnh đạo cũng là những yếu tố quyết định để nhân viên học tập, noi theo.

Tiếp tục thể chế hóa, mô hình hóa và củng cố bổ sung các giá trị văn hóa; tiếp tục đánh giá văn hóa doanh nghiệp và thiết lập các chuẩn mực mới. Văn hoá, kể cả các giá trị cốt lõi - không phải bất biến, vì vậy khi ta đã xây dựng được một nền tảng văn hoá phù hợp thì việc quan trọng là liên tục đánh giá và duy trì các giá trị tốt. Truyền bá những giá trị đó cho nhân viên mới, đồng thời lược bỏ những giá trị không còn phù hợp.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc phát huy những giá trị bản sắc dân tộc, cần có những giá trị cốt lõi mang hơi thở thời đại, hội nhập với sự đa dạng văn hóa của thế giới, thể hiện trong các quan hệ kinh doanh quốc tế. Sự hội nhập này bao gồm cả sự tiếp thu các tinh hoa văn hóa thế giới, kết hợp hài hoà bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo ra những giá trị, niềm tin, lý tưởng, cách làm riêng biệt của chính doanh nghiệp đó.

1.3.2.Nâng cao hình ảnh thông qua các biểu trưng trực quan

Để nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp thông qua các biểu trưng trực quan, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao một số hình ảnh trọng tâm, nổi bật mà đối tác khách hàng dễ nhìn thấy như: Kiến trúc nội ngoại thất; nghi lễ, hội họp, trang phục… như sau:

Kiến trúc nội ngoại thất: Kiến trúc ngoại thất chính là một phần nhận diện quan trọng, cần phải lựa chọn màu sắc, kiến trúc cho hợp lý, trang nhã, đảm bảo tính hiện đại và dân tộc, tránh việc bố trí các mầu sắc quá nóng, loè loẹt, gây phản cảm (mà hệ thống Bếp ga Ngọn lửa thần – sơn bên ngoài bằng

màu đỏ rực, tốn khá nhiều giấy bút báo chí, là một ví dụ). Nội thất bài trí, sắp xếp bên trong màu sắc phải ấm áp, thân thiện, kích thích sáng tạo. Sắp xếp công năng văn phòng hợp lý, mỗi người có một không gian riêng nhưng hài hòa với bối cảnh chung, không bố cục lộn xộn, bừa bộn và phù hợp với môi trường làm việc của từng bộ phận. Phần lớn các công ty khi xây dựng kiến trúc văn phòng, trụ sở đều muốn lồng ghép trong các công trình kiến trúc những nét văn hoá riêng biệt, độc đáo, biểu hiện sức mạnh và thành công của doanh nghiệp.

Nghi lễ, hội họp: Xác định đây là một trong những hoạt động góp phần tạo nên nét văn hóa riêng của từng doanh nghiệp. Phải duy trì và phát triển các nghi lễ theo đúng bản sắc ngành nghề, phát huy tối đa những nét văn hoá đặc trưng đã tạo nên dấu ấn doanh nghiệp. Ví dụ, ở Viettel, các nghi lễ vẫn dựa trên nền tảng nghi lễ quân đội, nghiêm trang, chặt chẽ, nhưng ở FPT, các nghi lễ thường diễn ra có phần thoải thoải mái, không phân biệt lãnh đạo, nhân viên. Tất nhiên các nghi lễ, sinh hoạt tập thể, dù chỉ bó hẹp trong một tổ chức, một cộng đồng nhỏ vẫn cần tuân thủ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Trang phục: Trang phục cần được quan tâm đến sự năng động hướng đến sự sang trọng, lịch sự, từ kiểu dáng cho đến chất liệu vải và quan trọng hơn là nhìn vào trang phục ta thấy được thương hiệu của doanh nghiệp ấy. Mỗi doanh nghiệp phải thiết kế, phối màu cho trang phục, tạo nên bản sắc riêng, tạo thương hiệu qua trang phục, nhìn trang phục có thể “nhận diện” được nhân viên của doanh nghiệp nào, thậm chí có thể cá thể hoá, biết được người làm bộ phận nào trong từng doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Le Thi Dung (Trang 30 - 33)