và tại cộng đồng
Thực hiện Luật giáo dục, Pháp lệnh về người tàn tật, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều quan tâm tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận dịch vụ giáo dục. Số lượng học sinh, sinh viên là người tàn tật tăng nhanh: Năm học 1996-1997 cả nước có 6.000 trẻ khuyết tật học trong 72 cơ sở giáo dục chuyên biệt, 36.000 trẻ khuyết tật học trong 900 trường phổ thông đến năm học 2005-2006 có 230.000 trẻ khuyết tật đi học trong 9.000 trường phổ thông (đạt 25%). Người khuyết tật đi học không chỉ tập trung ở bậc mầm non, tiểu học mà còn ở bậc trung học và một số đang học ở bậc trung cấp, cao đẳng, có nhiều học sinh khuyết tật đã đạt kết quả cao.
Công tác đào tạo nguồn lực cho giáo dục khuyết tật ngày càng được quan tâm đến nay các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã có các khoa đào tạo, giáo dục đặc biệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ liên quan đã ban hành mã ngành đào tạo giáo dục trẻ em khuyết tật, giáo dục đặc biệt. Có 264 cán bộ quản lý giáo dục của 63 tỉnh, thành phố và giảng viên của các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước đã được bồi dưỡng về giáo dục trẻ khuyết tật, gần 700 giáo viên trung học được đào tạo trình độ chuyên môn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại 07 trường cao đẳng sư phạm, hơn 10.000 giáo viên mầm non và trung học được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng dạy học trẻ khuyết tật, mạng lưới giáo viên cốt cán của các huyện được hình thành để đáp ứng nhu cầu đi học của gần 230.000 trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, vẫn còn phần lớn trẻ em khuyết tật chưa tiếp cận được với dịch vụ giáo dục, nhất là ở nông thôn. Theo kết quả đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2008, mới chỉ có 36,8% người khuyết tật đã từng đi học tại các trường tiểu học hoặc phổ thông. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của gia đình và cộng đồng, cơ sở vật chất giáo dục chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận...
Kể từ khi có Pháp lệnh đến nay, số lượng người khuyết tật được học nghề ngày càng tăng: giai đoạn 1999 - 2004 có gần 19.000 người; giai đoạn 2005-2008 mỗi năm có khoảng 8.000 người, gấp 2 lần so với giai đoạn trước (riêng năm 2008 có 8.712 người khuyết tật được học nghề). Hiện tại trong cả nước có 260 cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố, trong đó 55 cơ sở chuyên biệt và 205 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật. Trong những năm qua nhà nước đã dành hàng trăm tỷ đồng kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo để đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người khuyết tật (2005: 11,5 tỷ; 2006: 20tỷ; 2007: 156 tỷ; 2008: 165 tỷ và 2009: 183 tỷ (bao gồm 2 đối tượng nông dân và người khuyết tật).
Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về dạy nghề từ Trung ương đến địa phương đã được kiện toàn một bước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề cũng đã quy định: các cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi xuất ưu đãi; các cơ sở dạy nghề khác nhận người khuyết tật vào học nghề, nâng cao trình độ tay nghề được ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo. Người khuyết tật học nghề được xem xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn hoặc giảm học phí căn cứ mức độ khuyết tật và mức độ suy giảm khả năng lao động.
Đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2008 cho thấy tỷ lệ người khuyết tật được học nghề còn thấp chiếm 12,1%.
* Việc làm của người khuyết tật
Theo khảo sát năm 2008, có trên 50% người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm, trong đó chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp (trên 70%). Thực hiện các chính sách giải pháp tạo việc làm người khuyết tật, cả nước có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật, tạo việc làm ổn định cho 15.000 lao động là người khuyết tật, khoảng 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đất sản xuất... Tuy nhiên, phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Pháp luật lao động quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải nhận từ 2-3% lao động là người tàn tật vào làm việc tuỳ theo loại hình
doanh nghiệp, doanh nghiệp không nhận đủ tỷ lệ lao động là người tàn tật theo quy định phải đóng một khoản tiền vào Quỹ việc làm cho người tàn tật. Hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện được quy định này. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền phổ biến, kiểm tra giám sát chưa được quan tâm thực hiện. Mặt khác bản thân người khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đồng thời do tính chất sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc bố trí việc làm phù hợp với sức khoẻ, đặc điểm của người khuyết tật, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đặc thù như luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải...