Dự báo nói chung

Một phần của tài liệu Giáo trình Thống kê xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 38 - 40)

1. Chỉ số trong thống kê

4.1.Dự báo nói chung

Dự báo (dự đoán) hiểu theo nghĩa chung nhất là việc xác định mức độ hoặc trạng thái của hiện tượng trong tương lai. Hiện nay dự báo được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội với nhiều loại và phương pháp dự báo khác nhau. Dựa vào độ dài thời gian dự báo (tầm dự báo) có thể phân dự báo thành ba loại:

(1) Dự báo ngắn hạn, là dự báo có tầm dự báo dưới 3 năm. (2) Dự báo trung hạn, là dự báo có tầm dự báo từ 3 đến 5 năm. (3) Dự báo dài hạn, là dự báo có tầm dự báo trên 5 năm.

Trong thực tế có nhiều phương pháp dự báo được sử dụng. Có thể phân các phương pháp dự báo thành ba nhóm:

(1) Dự báo bằng phương pháp chuyên gia, là phương pháp dự báo được tiến hành trên cơ sở tổng hợp, xử lý những ý kiến của các chuyên gia. Phương pháp này có ưu thế trong trường hợp dự báo những hiện tượng hay quá trình có tầm bao quát rộng, phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như dự báo về sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, sự thay đổi của môi trường trong 20 năm tới...

(2) Dự báo bằng mô hình hồi quy, là phương pháp dự báo được thực hiện trên cơ sở xây dựng mô hình hồi quy phù hợp. Để xây dựng mô hình hồi quy, đòi hỏi phải có tài liệu về hiện tượng cần dự báo và các hiện tượng có liên quan. Dự báo bằng mô hình hồi quy thường được sử dụng đối với dự báo trung và dài hạn ở tầm vĩ mô.

(3) Dự báo dựa vào dãy số thời gian, là phương pháp dự báo dựa vào dãy số phản ánh sự biến động của hiện tượng ở những thời gian đã qua để xác định mức độ của hiện tượng trong tương lai.

4.2. Dự báo thống kê

Dự báo thống kê là xác định mức độ của hiện tượng trong tương lai bằng cách sử dụng tài liệu thống kê và áp dụng các phương pháp phù hợp. Tài liệu thống kê thường được sử dụng trong dự báo thống kê là dãy số thời gian. Việc sử dụng dãy số thời gian để tiến hành dự báo thống kê có những ưu điểm cơ bản sau:

(1) Thứ nhất, chỉ cần có dãy số thời gian gồm một số lượng nhất định các mức độ của hiện tượng ở thời gian hiện tại trở về trước, không đòi hỏi một khối lượng tài liệu lớn như dự báo dựa vào mô hình hồi quy.

(2) Thứ hai, việc xây dựng mô hình dự báo dựa vào dãy số thời gian được tiến hành tương đối đơn giản, ít bị ràng buộc bởi các giả thiết như trong việc xây dựng mô hình hồi quy.

(3) Thứ ba, dự báo dựa vào dãy số thời gian rất thuận lợi trong việc ứng dụng tin học. Điều đó làm cho việc tính toán trở nên thuận tiện, đồng thời cho phép lựa chọn mô hình dự báo phù hợp nhất.

Để kết quả dự báo có độ tin cậy cao, đòi hỏi các mức độ của dãy số thời gian phải chính xác, có thể so sánh được với nhau. Muốn vậy phải đảm bảo sự thống nhất về nội dung, phương pháp và phạm vi tính toán. Mặt khác, để tiến hành dự báo thì số lượng các mức độ của dãy số thời gian phải đủ lớn, không nhiều quá nhưng cũng không ít quá. Do đó, trong việc xác định số lượng các mức độ của dãy số thời gian để tiến hành dự báo thì không thể đưa ra một nguyên tắc cứng nhắc mà phải dựa vào sự phân tích đặc điểm biến động của hiện tượng qua thời gian để xác định nên sử dụng bao nhiêu mức độ để xây dựng mô hình dự báo. Giả sử sự biến động của hiện tượng qua các năm có tính chất tương đối ổn định thì có sử dụng tài liệu của 7 hoặc 10 năm. Nếu ở những thời gian cuối có những nhân tố mới xuất hiện làm thay đổi xu hướng phát triển của hiện tượng thì có thể sử dụng một số mức độ cuối của dãy số thời gian để xây dựng mô hình dự báo.

4.3. Các phương pháp dự báo thống kê thông dụng

Có nhiều phương pháp được sử dụng trong dự báo thống kê. Có những phương pháp dựa trên sự mở rộng từ những công thức tính toán thống kê, nhưng cũng có những phương pháp vận dụng toán học. Sau đây là những phương pháp dự báo thống kê thông dụng nhất:

(1) Dự báo dựa vào lượng tăng (hoặc giảm) tuyệt đối bình quân. (2) Dự báo dựa vào tốc độ phát triển bình quân.

(3) Dự báo dựa vào hàm xu thế.

(4) Dự báo dựa vào hàm xu thế và biến động thời vụ. (5) Dự báo theo phương pháp san bằng mũ

(6) Dự báo bằng mô hình tuyến tính ngẫu nhiên (Phương pháp Box-Jenkins) Câu hỏi ôn tâp:

1. Trình bày khái niệm chỉ số trong thống kê? Vai trò của chỉ số trong thống kê?

CHƯƠNG 05

PHƯƠNG PHÁP CHỌN MẪU Mã chương: MH10_CH05 Mục tiêu:

- Kiến thức: Trình bày được phương pháp điều tra chọn mẫu, các phương pháp điều tra chọn mẫu, sai số trong điều tra thống kê.

- Kỹ năng: Phân tích và áp dụng và áp dụng được các phương pháp điều tra chọn mẫu, sai số trong điều tra thống kê để thống kê một số vấn đề xã hội theo yêu cầu.

- Thái độ: Cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình nghiên cứu, thống kê.

Nội dung chính: 1. Điều tra chọn mẫu

Quá trình nghiên cứu thống kê gồm các giai đoạn: Thu thập số liệu, xử lý tổng hợp và phân tích, dự báo.

Trong thu thập số liệu thường áp dụng hai hình thức chủ yếu: Báo cáo thống kê định kỳ và điều tra thống kê.

Báo cáo thống kê định kỳ là hình thức thu thập số liệu thống kê được tiến hành thường xuyên, định kỳ theo nội dung, phương pháp cũng như hệ thống biểu mẫu thống nhất, được quy định thành chế độ báo cáo do cơ quan có thẩm quyền quyết định và áp dụng cho nhiều năm.

Điều tra thống kê là hình thức thu thập số liệu được tiến hành theo phương án quy định cụ thể cho từng cuộc điều tra. Trong phương án điều tra quy định rõ mục đích, nội dung, đối tượng, phạm vi, phương pháp và kế hoạch tiến hành điều tra. Điều tra thống kê được áp dụng ngày càng rộng rãi trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế.

Điều tra thống kê được phân thành điều tra toàn bộ và điều tra không toàn bộ. Điều tra toàn bộ nhằm tiến hành thu thập số liệu ở tất cả các đơn vị của tổng thể. Trong khi đó điều tra không toàn bộ chỉ tiến hành thu thập số liệu của một bộ phận các đơn vị trong tổng thể. Trong điều tra không toàn bộ còn chia ra điều tra trọng điểm, điều tra chuyên đề và điều tra chọn mẫu.

Điều tra trọng điểm và điều tra chuyên đề khác với điều tra chọn mẫu ở chỗ kết quả của nó không dùng để suy rộng cho tổng thể. Kết quả của điều tra chọn mẫu được dùng để mô tả đặc điểm của tổng thể. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Giáo trình Thống kê xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 38 - 40)