Vắc xin có thể sử dụng để tiêm phòng trước và sau phơi nhiễm, điều trị dự phòng sau khi bị phơi nhiễm với vi rút nên được thực hiện càng sớm càng tốt bằng cách xối rửa vết thương với xà phòng, nước sạch và các dung dịch sát khuẩn như cồn 70°, cồn iod trong 15 phút, kết hợp với tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại [120], [118].
1.1.9.1.Tiêm phòng trước phơi nhiễm
Tiêm dự phòng bệnh dại trước phơi nhiễm có ưu điểm là giảm số lượng liều tiêm vắc xin, đồng thời sẽ không phải tiêm HTKD khi bị phơi nhiễm, giảm được chi phí và còn vì RIG không phải luôn có sẵn.
Các trường hợp đã tiêm PrEP, khi bị phơi nhiễm/nghĩ ngờ phơi nhiễm với vi rút dại thì không cần sử dụng HTKD, chỉ tiêm bổ sung 2 liều vắc xin vào ngày 0 và 3 để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Chỉ định PrEP: Các đối tượng có nguy cơ cao như: Kỹ thuật viên xét nghiệm, nghiên cứu viên làm việc với vi rút dại và các Lyssavirus, bác sĩ thú y, kiểm lâm, người chăm sóc, huấn luyện viên động vật, người đi du lịch vào vùng dịch hoặc sống trong vùng dịch, những nhóm nghề nghiệp khác có nguy cơ cao như những người làm nghề vận chuyển, giết mổ chó… [120], [118]. Những người này sau khi tiêm PrEP cần phải theo dõi kháng thể trung hòa kháng dại 6 tháng một lần, tiêm bổ sung nếu nồng độ kháng thể trung hòa dưới 0,5 đơn vị/ml huyết thanh.
1.9.1.2. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bao gồm, xử lý tại chỗ vết thương, tiêm huyết thanh kháng dại trong trường hợp có chỉ định và hoặc tiêm phòng vắc xin.
Sơ cứu vết thương
WHO khuyến cáo, việc xối rửa vết thương ngay lập tức ít nhất trong 15 phút bằng xà phòng và nước, hoặc chỉ với nước, sau đó khử trùng bằng các
chất sát khuẩn như cồn 70°, cồn iod. Việc sơ cứu ngay lập tức các vết cắn và trầy xước là cần thiết và quan trọng, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bệnh dại, vì vi rút dại có thể vẫn duy trì trong khu vực thương tích một khoảng thời gian dài. Không nên băng, cắt lọc và khâu vết thương [120], [118], [70].
Tiêm vắc xin phòng dại, kết hợp với HTKD kịp thời và đúng phác đồ, hướng dẫn của nhà sản xuất. Các nghiên cứu tiến hành tại Hoa Kỳ của CDC đã chỉ ra rằng sử dụng 1 liều HTKD, tiêm vào tất cả các vết thương và 5 liều vắc xin tế bào (HDCV), trong vòng 28 ngày sẽ tạo kháng thể trung hoà kháng dại đủ bảo vệ chống lại bệnh dại (trên 0,5 đơn vị/mL huyết thanh) [41].
Tiêm huyết thanh kháng dại
Liều dùng: Tổng liều 40IU/kg cân nặng đối với huyết thanh ngựa kháng dại và tổng liều 20IU/kg cân năng đối với huyết thanh người kháng dại.
Thử phản ứng trước khi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chú ý phải tiêm phong bế toàn bộ vết thương. Trong trường hợp nhiều vết thương thì phải pha loãng huyết thanh trong nước muối sinh lý 0,9% để đảm bảo tất cả các vết thương đều được tiêm phong bế huyết thanh kháng dại. Số huyết thanh còn lại sau khi đã tiêm phong bế toàn bộ các vết thương sẽ được tiêm bắp tại vị trí khác vị trí tiêm vắc xin.