Về nguyên tắc chung, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để
chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, khi tham gia tố tụng, đương sự, đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải tiến hành thu thập, cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình trước tiên và chủ yếu là của đương sự. Tuy nhiên, Tòa án ngoài chức năng là cơ quan xét xử, theo quy định của Luật tổ chức Tòa án thì trong phạm vi chức năng của mình Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ
chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân. Do đó bên cạnh nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự thì trong những trường hợp luật định thì Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ.
Sở dĩ cần phải quy định việc Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp luật định là vì: Tòa án với tư cách là cơ
quan duy nhất lập hồ sơ vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS, đồng thời cũng là chủ thể nắm rõ nhất diễn biến, nội dung vụ án, những vấn đề nào cần chứng minh, cần bổ sung chứng cứ gì; những tình tiết nào, nội dung nào đã đầy đủ chứng cứ chứng minh và việc Tòa tiến hành thu thập chứng cứ sẽ
thuận lợi hơn so với các đương sự trong một số trường hợp nhất định. Mặt khác Tòa án là cơ quan thực thi các quy định của pháp luật về quyền bình
đẳng giữa các đương sự trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh. Tòa án phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện những chứng cứ mà mình có, trong đó chủ yếu là chứng cứ do đương sự cung cấp. Chỉ những chứng cứ sau khi Tòa án tiến hành nghiên cứu, xác minh có đủ tính trung thực và đáng tin cậy mới trở thành chứng cứ của vụ việc dân sự. Để việc thu thập chứng cứ đảm bảo tính khách quan, tính đầy đủ, tính hợp pháp cần xác định bản chất của hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án trong TTDS qua các đặc điểm đặc trưng sau:
- Nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc trách nhiệm của tất cả các chủ thể chứng minh mà trọng tâm là chủ thể đưa ra yêu cầu. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong những trường hợp luật định.
- Việc phát hiện, ghi nhận, thu thập và bảo quản chứng cứ trong TTDS phải được tiến hành bằng các biện pháp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật TTDS quy định.
- Quá trình thu thập chứng cứ phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và có trọng tâm. Khi thu thập chứng cứ cần bám sát vào đối tượng chứng minh, phạm vi chứng minh trong vụ việc dân sự.
Do đó Tòa án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp nhất định.
2.2.1. Các trường hợp Tòa án có quyền chủđộng xác minh, thu thập chứng cứ
Xác minh, thu thập chứng cứ là một hành vi tố tụng của Tòa án trong việc tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ do đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hoặc do chính Tòa án trực tiếp sử dụng các biện pháp do luật định để xác minh, thu thập. Tại Điều 85 BLTTDS quy định:
1. Trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ... [21].
Từ quy định này, hiện có hai ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, Thẩm phán có quyền chủ động sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS mà không cần chờ đương sự yêu cầu.
Ý kiến thứ hai cho rằng, phải căn cứ vào các quy định cụ thể tại các điều trong BLTTDS để xác định trường hợp nào thì Thẩm phán có quyền chủ động sử dụng các biện pháp quy định ở khoản 2 Điều 85 BLTTDS, trường hợp nào thì phải có đương sự yêu cầu thì Tòa án mới sử dụng các biện pháp đó để thu thập chứng cứ.
Theo tác giả, ý kiến thứ 2 là đúng, phù hợp với quy định tại Điều 6, Điều 79, khoản 1 Điều 84 và Điều 94 BLTTDS.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 85 BLTTDS thì trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ. Như vậy, để có thể khẳng định là hồ sơ còn thiếu chứng cứ làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu mà đương sự đã cung cấp cho Tòa, bao gồm cả chứng cứ do nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cung cấp. Quan hệ pháp luật các bên đang tranh chấp là gì, nội dung tranh chấp, yêu cầu cụ thể của các bên để từ đó khẳng định hồ sơ đã có đủ chứng cứ hay chưa; còn thiếu thì thiếu những gì, trong vụ án này cần chứng minh cụ thể vấn đề nào. Mặt khác, Tòa
cũng cần căn cứ vào bản chất của tranh chấp giữa các bên là gì để xác định chứng cứ nào là cần thiết để phục vụ giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, đúng pháp luật. Khi xem xét chứng cứ, để xác định còn thiếu chứng cứ phải tùy thuộc vào từng loại chứng cứ mà Tòa án đang xem xét.
Đối với các tài liệu đọc được nội dung thì phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Ví dụ: khi xem xét hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản mà các bên không đưa ra được bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án cần coi đây là trường hợp chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án.
Từ quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS, qua nghiên cứu các quy định cụ thể về các biện pháp thu thập chứng cứ, thì thấy các trường hợp Thẩm phán có quyền chủ động sử dụng một hoặc một số biện pháp sau đây để xác minh, thu thập chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự: Các đương sự là những người có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với vụ án, vì vậy việc lấy lời khai của họ sẽ giúp cho Tòa án làm rõ các tình tiết của vụ việc dân sự. Trước đây, trong các pháp lệnh tố tụng quy định Tòa án có vai trò chủ động, tích cực trong điều tra thì việc lấy lời khai của đương sự được sử dụng thường xuyên và được áp dụng trong việc thu thập chứng cứ đối với hầu hết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTDS:
Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên mình. Trong trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lời khai của đương sự vào biên bản..
Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án, trong trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án [21].
Với quy định trên thì Thẩm phán có trách nhiệm hướng dẫn đương sự tự viết bản khai, trình bầy rõ tất cả những vấn đề của vụ việc dân sự. Khi đương sự có bản khai mà nội dung chưa đầy đủ, thì Thẩm phán mới yêu cầu đương sự viết bản khai bổ sung và ký tên mình. Thẩm phán cần xác định cho đương sự rõ trách nhiệm, nội dung và yêu cầu khai báo. Chỉ khi nào đương sự không thể tự mình viết bản tự khai được thì Thẩm phán hoặc Thư ký ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải làm đúng quy định tại khoản 2 Điều 86 BLTTDS.
Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Lời khai của đương sự phải tập trung làm rõ nội dung cơ bản của vụ án, yêu cầu của các bên đương sự, các căn cứ pháp lý và chứng cứ thực tế để bảo vệ yêu cầu của đương sự.
Về địa điểm lấy lời khai, Thẩm phán phải tiến hành lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án. Trong trường hợp vì lý do khách quan, chính đáng như: đương sự đang bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù, ốm đau, bệnh tật... thì Tòa án có thể lấy lời khai của họ ngoài trụ sở. Việc lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án phải đảm bảo tuân theo đúng quy định của pháp luật, quy định đối với cán bộ, công chức của ngành TAND và đảm bảo khách quan.
Đối với đương sự quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 57 BLTTDS, tức là đương sự chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự, đương sự từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này tại Tòa do đại diện của họ thực hiện, việc lấy lời khai của họ phải có mặt người đại diện hợp pháp của họ và người đại diện hợp pháp của họ phải ký vào biên bản lấy lời khai.
Khi ghi biên bản lấy lời khai của đương sự, Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký ghi biên bản phải thể hiện rõ ngày, giờ, tháng, năm ghi biên bản, địa điểm lấy lời khai, người tiến hành lấy lời khai, họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của người được lấy lời khai.
Việc ghi lời khai của đương sự phải ghi trung thực những điều họ trình bầy, kể cả thái độ của họ khi khai, (ví dụ: thái độ ngập ngừng, luống cuống, khóc...). Đương sự được quyền xem lại biên bản, trình bầy bổ sung hoặc sửa đổi những chỗ ghi không đúng và ký ghi rõ họ tên của mình ở dưới biên bản.
Trường hợp biên bản lấy lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở của Tòa án thì có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND), công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án.
- Lấy lời khai của người làm chứng: Người làm chứng là người biết sự việc nhất định, do vậy họ có thể do đương sự yêu cầu hoặc Tòa án triệu tập họ đến để làm rõ sự việc họ biết để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên, lời khai của người làm chứng cũng có thể bị sai lệch và không phù hợp với sự thật khách quan như trong trường hợp người làm chứng và đương sự có mối quan hệ ruột thịt, nể nang nhau, người làm chứng bị ép buộc, dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa, người làm chứng cố tình khai sai sự thật, người làm chứng nhớ không chính xác nội dung sự việc được chứng kiến. Trong trường hợp đó lời khai của người làm chứng không khách quan, không có giá trị chứng minh. Lúc đó phải đánh giá lời khai của người làm chứng kết hợp cùng các chứng cứ khác có trong hồ sơ để xác định giá trị của lời khai này.
Tại Điều 87 BLTTDS quy định: theo yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết, Tòa tiến hành lấy lời khai của người làm chứng và theo hướng dẫn của Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm
phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của BLTTDS về chứng minh và chứng cứ thì nếu đương sự yêu cầu Tòa lấy lời khai của người làm chứng thì phải làm văn bản gửi Tòa.
Khi xét thấy cần thiết tuy đương sự không yêu cầu thì Tòa án vẫn có thể tiến hành lấy lời khai của người làm chứng. Được coi là "cần thiết" nếu việc lấy lời khai của người làm chứng bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được toàn diện, chính xác, công minh, đúng pháp luật.
Cách ghi biên bản, thủ tục lấy lời khai của người làm chứng về cơ bản giống phương pháp lấy lời khai của đương sự. Ngoài ra, việc lấy lời khai của người làm chứng cần phải lưu ý một số điểm sau: ghi rõ mối quan hệ của người làm chứng với đương sự, lời cam đoan của người làm chứng và phổ biến quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng.
- Đối chất: Đối chất là biện pháp thu thập chứng cứ hiệu quả khi lời khai của các đương sự mâu thuẫn với nhau. Do vây, khi đương sự có yêu cầu hoặc xét thấy lời khai của các đương sự với nhau và giữa đương sự và người làm chứng; lời khai của những người làm chứng mâu thuẫn với nhau thì Tòa án cho tiến hành đối chất. Tùy từng trường hợp cụ thể mà tiến hành đối chất về từng vấn đề một hoặc để từng người trình bầy về các vấn đề cần đối chất theo thứ tự.
Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi biên bản đối chất. Biên bản phải có chữ ký của những người tham gia đối chất. Cách ghi biên bản đối chất về cơ bản cũng thực hiện như đối với trường hợp ghi biên bản lấy lời khai của đương sự và của người làm chứng.
- Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản: Tòa án chỉ có quyền chủ động ra quyết định định giá tài sản, thẩm định giá tài sản mà không cần đương sự yêu cầu khi "Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước" (điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS). Như vậy, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một trong
những biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, trong trường hợp cần phải xác định giá trị tài sản. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là việc xác định giá trị tài sản của vụ việc dân sự. Việc định giá tài sản được Tòa án chủ động quyết định hoặc theo yêu cầu của đương sự.
Điều 140, 141, 142 BLTTDS quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá, xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá và nghĩa vụ nộp chi phí định giá. Thế nên khi đương sự có yêu cầu định giá, Tòa án giải thích cho họ biết nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí định giá và chỉ tiến hành các thủ tục định giá khi người yêu cầu đã nộp được tạm ứng chi phí định giá.
Khi lập Hội đồng định giá tài sản, Tòa án phải ra quyết định bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản là đại diện cơ quan tài chính và các thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có đầy đủ thành viên hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện UBND cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá và có quyền tham dự. Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên