Bộ luật Hình sự là đạo luật quan trọng nhất của nước ta quy định về tội phạm và hình phạt nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trên mọi mặt của xã hội, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, trật tự xã hội, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Năm 1985 Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta ra đời trên cơ sở của nền kinh tế bao cấp và thực tiễn của tình hình tội phạm thời kỳ đó
Tại bộ luật hình sự 1985 này, hình phạt cải tạo không giam giữa đã chính thức được thừa nhận là hình phạt chính, nằm giữa hai hình phạt là phạt tù và phạt tiền. Ở giai đoạn những năm 1985, sự ra đời của hình phạt cải tạo không giam giữ
đã thay thế hoàn toàn vai trò và vị trí của hình phạt quản chế (Quản chế là buộc
người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương), đẩy
quản chế sang làm hình phạt bổ sung. Để khoảng cách giữa hình phạt tù và các hình phạt không phải là hình phạt tù ngắn lại, hình phạt cải tạo không giam giữ đã được ra đời.
Điều 24 Bộ luật hình sự 1985 có quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:
“1- Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến hai năm đối với
người phạm tội ít nghiêm trọng.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giam thì thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ mọt ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
2- Toà án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục.
3- Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để xung quỹ Nhà nước.
4- Đối với người phạm tội là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp Điều luật quy định hình phạt cải tạo không giam giữ thì áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội quy định ở Điều 70.”[29]
Hình phạt cải tạo không giam giữ ở giai đoạn này được chia thành hai loại khác biệt là: cải tạo không giam giữ và cải tạo ở các đơn vị kỷ luật của quân đội. Đối với người bị kết án là quân nhân tại ngũ nếu Toà tuyên án là hình phạt cải tạo không giam giữ thì áp dụng hình phạt cải tạo tại đơn vị kỷ luật của quân đội quy định ở Điều 70 Bộ luật hình sự. Người phạm tội cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập tương đương 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Đối với người thường dân phạm tội gây thiệt hại cho quân đội, bị Tòa án quân sự xét xử thì áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định ở điều 24.
Với vai trò là hình phạt chính, cho khi Toà tuyên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cho người phạm tội có thể tuyên cùng lúc một (nhiều) hình phạt bổ sung kèm theo. Ví dụ: đối với tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa quy định trong khoản 1 Điều 137 thì Tòa án có thể quyết định thêm hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm một số chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời hạn từ 2 năm đến 5 năm.
Theo thống kê có tất cả 89 điều luật có quy định về cải tạo không giam giữ trong phần tội phạm của bộ luật hình sự năm 1985 và 20 điều luật quy định về cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội. Theo đó, ta có thể nhận định về hình phạt cải tạo không giam giữ theo bộ luật hình sự 1985 như sau:
- Về phạm vi áp dụng hình phạt: Theo điểm 1 và điểm 2 của Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có quy định:
“1) Bộ luật hình sự đã quy định rõ những tội phạm nào được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Đồng thời theo khoản 3 Điều 38 của Bộ luật hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt này đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định phạt giam nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên được chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn. Hình phạt cải tạo không giam giữ không áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng, kể cả trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
2) Hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù giam, do đó, chỉ áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong những trường hợp sau đây:
- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
- Bị cáo không phải là người tái phạm về tội cố ý. Nếu bị cáo là người tái phạm về tội cố ý thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
- Bị cáo phải là người có căn cước, lý lịch rõ ràng, có nơi thường trú (vì trong hình phạt cải tạo không giam giữ, Điều 24 Bộ luật hình sự quy định là: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục”). Do đó, nếu
bị cáo không có căn cước, lý lịch rõ ràng, không có nơi thường trú thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.”[12]
Như vậy, hình phạt cải tạo không giam giữ giai đoạn áp dụng bộ luật hình sự năm 1985 được thực thi đối với những người phạm tội trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà được Toà tuyên phạt giam nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên được chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn. Hình phạt cải tạo không giam giữ không áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng với bất kỳ lý do nào.
- Về thời hạn áp dụng hình phạt: từ sáu tháng đến hai năm. Như vậy, mức tối thiểu của hình phạt này là sáu tháng. Mọi trường hợp áp dụng đều phải tuân thủ một cách tuyệt đối về quy định này, dù phạm tội xảy ra thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Về điều kiện áp dụng hình phạt: Duy nhất áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải cứ phạm tội ít nghiêm trọng là có thể xét vào trường hợp cải tạo không giam giữ, vì ngoài tiêu chí phạm tội ít nghiêm trọng, toà án còn xét đến các điều kiện khác như: Có nhiều tình tiết giảm nhẹ; Bị cáo không phải là người tái phạm về tội cố ý; Bị cáo có căn cước, lý lịch rõ ràng, có nơi thường trú (vì trong hình phạt cải tạo không giam giữ, Điều 24 Bộ luật hình sự quy định là: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục”). Do đó, nếu bị cáo không có căn cước, lý lịch rõ ràng, không có nơi thường trú thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.)
- Người phạm tội phải thực hiện những nghĩa vụ sau:
Phải thực hiện những nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ theo luật định và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, nghĩa vụ này lại Toà án linh hoạt quyết định áp dụng.
Đối với hình phạt cải tạo ở các đơn vị kỷ luật của quân đội với quân nhân phạm tội, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 95-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ban hành
quy chế về chế độ cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội có chỉ rõ về nghĩa vụ cải tạo không giam giữ của quân nhân phạm tội như sau:
“Người bị kết án có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính
sách và Luật pháp của Nhà nước: phải tích cực tham gia lao động, học tập và sinh hoạt tập thể, không vi phạm kỷ luật.
Ba tháng một lần người bị kết án phải báo cáo, kiểm điểm việc cải tạo của mình trước cơ quan, Tổ chức được giao giám sát, giáo dục.
Nếu người bị kết án chuyển chỗ ở sang địa phương khác, chuyển hoặc thôi việc ở cơ quan, tổ chức đang giám sát, giáo dục thì người bị kết án phải báo cáo với cơ quan, tổ chức đó và báo với toà án nơi người bị kết án chấp hành hình phạt biết để giao việc giám sát, giáo dục cho chính quyền địa phương nơi ở mới hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc mới của người bị kết án.”[50]
Điều 70 Bộ luật hình sự 1985 có quy định các hình phạt bổ sung mà Toà án có thể quyết định thêm đối với người bị kết án như sau:
“1- Cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội là hình phạt chính được áp dụng từ
sáu tháng đến hai năm đối với quân nhân tại ngũ phạm tội ít nghiêm trọng.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giam thì thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, cứ một ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.
2- Đối với người phạm tội không phải là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp điều luật quy định hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, thì áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định ở Điều 24.”[29]
Mang đặc thù của hình phạt cải tạo không giam giữ, tuy nhiên đối tượng của hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội là quân nhân phạm tội. Mục đích của hình phạt này là không để người phạm tội ở lại đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc liên quan đến bí mật quân sự, an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, việc quy định hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội riêng đối với quân nhân phạm tội có một số điểm bất hợp lý:
nguyên tắc của hình phạt cải tạo không giam giữ, đó là cách ly người phạm tội ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, quân nhân phạm tội lại bị đẩy vào một trại tập trung tương tự như trại tạm giam của quân khu, quân đoàn - nơi có mặt của nhiều quân nhân phạm tội khác. Đây là một môi trường được tổ chức kết hợp chặt. Hệ quả tất yếu dẫn tới việc cùng bị kết án cải tạo không giam giữ nhưng các quân nhân phạm tội sẽ phải chịu những bất bình đẳng với những quân nhân bình thường khác.
-Những quân nhân phạm tội dù phải chấp hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội nhưng không bị tước hay giáng cấp quân hàm, bị cách chức. Điều này vô hình chung tạo ra sự bất hợp lý trong việc đối xử và duy trì quan hệ chỉ huy phục tùng trên cơ sở cấp bậc, chức vụ của quân nhân. Cũng không tạo ra sự khác biệt giữa người phạm tội và người không phạm tội, không thể trở thành bài học răn đe cho các quân nhân khác
Ngoài ra, trong thực tế áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, nếu người phạm tội không phải là quân nhân đang tại ngũ thì dù điều luật có quy định áp dụng cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội cũng vẫn không áp dụng hình phạt này mà áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Điều này cho thấy sự không ăn khớp giữa lý thuyết và thực tế áp dụng.