Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính

Một phần của tài liệu Dac san tuyen truyen Luat to tung hanh chinh (Trang 41 - 42)

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

2. Nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính

2.9. Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính

Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính khi đã thực hiện thủ tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Đối với một số lĩnh vực như: quản lý đất đai, kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức thì yêu cầu phải có quyết định giải quyết khiếu nại rồi mới có quyền khởi kiện ra Toà án (Điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính). Đây là một thủ tục bắt buộc đối với các khiếu kiện hành chính trước khi được giải quyết tại Tòa án bằng thủ tục tố tụng. Việc quy định như vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính, thủ tục còn rườm rà và trong một số trường hợp còn không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Khắc phục nhược điểm này của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, tại Điều 103 Luật Tố tụng hành chính năm 2010, đã quy định theo hướng đơn giản hoá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính. Theo Điều 103 Luật này thì về mặt nguyên tắc cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó, hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với kết quả giải quyết đó. Riêng đối với khiếu kiện hành chính về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại.

Như vậy, thủ tục tiền tố tụng đã không còn là yếu tố bắt buộc đối với hầu hết các khiếu kiện hành chính và với quy định này, cá nhân, cơ quan, tổ chức hoàn toàn có quyền lựa chọn giải pháp hành chính (khiếu nại theo thủ tục hành chính) hay khởi kiện ra Toà án khi có tranh chấp hành chính. Quy định theo

hướng đơn giản hóa như trên tạo điều kiện thuận lợi để công dân có thể khởi kiện vụ án hành chính, cũng chính là một trong các yếu tố để công dân, cơ quan tổ chức tiếp cận với Toà án được dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc khởi kiện vụ án hành chính phải được thực hiện trong thời hiệu khởi kiện, đó là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định thời hiệu khởi kiện là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy vào từng trường hợp cụ thể (Điều 30). Thực tiễn cho thấy thời hiệu này là quá ngắn, không đảm bảo cho đương sự chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ và chuẩn bị các công việc khác cho vụ kiện. So với thời hiệu khởi kiện các vụ án khác thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là quá ngắn (ví dụ thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo điểm a khoản 3 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự là hai năm).

Khắc phục khuyết điểm trên của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Luật Tố tụng hành chính đã quy định về thời hiệu khởi kiện theo hướng hợp lý hơn, đảm bảo cho đương sự thực hiện tốt hơn quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

- 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

- Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Một phần của tài liệu Dac san tuyen truyen Luat to tung hanh chinh (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w