Kính thưa Quốc hội,
Tôi cũng xin thể hiện chính kiến của mình về dự thảo luật này. Tôi đồng ý với nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trước tôi, đề nghị xem xét hai lĩnh vực thuế nhà và thuế đất là hai chuyện khác nhau. Thuế đất là thuế về tài nguyên, còn thuế nhà là thuế về bất động sản. Thuế tài nguyên đất thì Quốc hội nghiên cứu và có thể thu được còn thu thuế nhà trong điều kiện hiện nay thì chưa hợp với thực tế và cần xem xét lại về mặt đạo lý và triết lý của vấn đề tức là luật nào người ta thu về thuế sử dụng tài sản còn ở chúng ta bây giờ đặt vấn đề thu thuế sở hữu tài sản nhà, ô tô, trang sức, này nọ, tôi thấy chưa nên đặt ra và nếu tiếp thì nghiên cứu chứ chưa nên đặt ra. Đặc biệt khi nói để thu thuế nhà, nhà ở để chống đầu cơ, bình đẳng xã hội v.v..., tôi thấy lợi bất gặp hại và không đạt được mục tiêu đó. Hơn nữa chúng ta đặt vấn đề chẳng hạn có thêm nhà thì thu thuế, nhà tốt, nhà đắt tiền thì thu thuế còn nhà rẻ tiền thì không thu thuế. Đặt ra những vấn đề kia mà các đại biểu suy nghĩ cho kỹ thì cũng thấy hình như chúng ta không muốn giàu có, chúng ta thấy ai có tiền thì chúng ta tìm cách thu cho bằng được, trong khi đó chúng ta đã có thu thuế thu nhập cao. Tôi thấy triết lý, đạo lý của vấn đề này cần phải cân nhắc. Vì thế tôi đề nghị nghiên cứu để nếu có thì nghiên cứu Luật thuế đất ở, còn thuế nhà ở thì chưa nên bàn đến, đó là quan điểm riêng của tôi.
Vấn đề thứ hai tôi muốn lưu ý Ban soạn thảo là Ban soạn thảo trình ra một đạo luật gồm 13 điều và cũng hoan nghênh là trình thêm một Nghị định 10 điều nhưng tôi cũng ngạc nhiên những điều của Nghị định ấy tại sao không đưa vào luật và bỏ luôn Nghị định đi bởi vì các điều của Nghị định ấy hoặc chép nguyên si về điều luật hoặc nếu có giải tích rộng ra một tý nữa thì những giải thích rộng ra đó có thể đưa vào luật được chứ không cần có Nghị định ấy. Đặc biệt có những điều của Nghị định rất khó hiểu, chẳng hạn luật quy định đối tượng được miễn thuế có 8 khoản, thêm khoản thứ 9 là còn các đối tượng khác thì do Chính phủ quy định. Đến việc Nghị định tài liệu 8 thì quy định y sì như thế, nhưng chỉ Điều 9 là các đối tượng đặc biệt khác thì do Thủ tướng quy định, tôi không hiểu như thế này là thế nào? Nếu như thế tại sao chúng ta không đưa khoản đấy vào, bỏ Nghị định đi mà có 8 loại đối tượng như thế này và đối tượng thứ 9 nếu có thì do Thủ tướng Chính phủ quy định thế là xong cần gì phải lặp lại Nghị định. Và nhân chuyện các đối tượng đặc biệt do Thủ tướng quy định thì cũng phải xem lại. Tại sao không để cho Quốc hội quy định và đối tượng đặc biệt là đối tượng nào? Khi nào thì xuất
hiện đối tượng đặc biệt này. Cho nên tôi nghĩ là Quốc hội chúng ta nên dành nhiều thời gian thảo luận rất kỹ các đạo luật thuế bởi vì theo Điều 84 của Hiến pháp đấy là quyền đương nhiên của Quốc hội, quyền tối cao của Quốc hội và nhân dân cũng muốn rằng chúng ta mất công một tý cũng được nhưng phải thảo luận rất kỹ càng, cụ thể, rành mạch các điều luật về thuế. Cho nên nếu mất thêm thời gian của Quốc hội tôi cũng chỉ xin phát biểu như thế.
Tôi đề nghị nếu sau này xây dựng Luật tương tự không nên có Nghị định kèm theo. Cái gì mà Nghị định quy định được thì Luật quy định được cho nên đưa vào Luật tất. Còn nếu sau này có hướng dẫn nghiệp vụ thì giao cho Chính phủ hướng dẫn hoặc giao cho Bộ tài chính. Nhưng tôi nghĩ là nếu như chúng ta làm đươc cụ thể rồi thì cũng chẳng còn gì hướng dẫn nữa cứ thế mà thi hành. Xin cảm ơn Quốc hội.