III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ TRUNG QUỐC
Đừng coi Hong Kong là “mồi nhử” trong cuộc chiến các nước lớn
TTXVN (New York) - Sau nhiều tháng, các cuộc biểu tình trên quy mô lớn diễn ra khắp nơi ở Hong Kong, tương lai của thành phố vốn là cầu nối giữa Trung Quốc Đại lục và phần còn lại của thế giới đang thực sự rơi vào thế khó. Giáo sư Michael Spence, đoạt giải Nobel về Kinh tế, thuộc Đại học New York, đã đưa ra những phân tích về vấn đề này trên Project-Syndicate.
Hong Kong từ lâu đã đóng vai trò không thể tách rời đối với công cuộc phát triển kinh tế toàn cầu và kinh tế châu Á nói riêng. Hong Kong từ lâu cũng là nơi các công ty đa quốc gia luôn được chào đón và các vụ tranh chấp thương mại luôn được xét xử minh bạch và công bằng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu Hong Kong không còn được như vậy thì đó sẽ là tổn thất to lớn không chỉ đối với Trung Quốc, với châu Á, với giới tài chính, doanh nghiệp mà còn với chính những người dân Hong Kong.
Hong Kong đã trải qua 17 tuần biểu tình hòa bình - sự kiện chưa từng có từ trước tới nay dù cũng có vài vụ bạo lực xảy ra ít nhiều thu hút giới truyền thông. Nguyên nhân là vì dự luật dẫn độ mà nhiều người cho rằng nếu được thông qua sẽ giúp nhà cầm quyền Đại lục vươn tay ra kiểm soát hệ thống pháp luật của Hong Kong. Một điều đáng quan ngại hơn nữa là cho tới nay không hề thấy Đại lục có ý định đàm phán gì với các nhóm biểu tình và chính quyền Hong Kong. Nếu có đàm phán đi nữa thì cần phải đạt được ít nhất hai điều. Thứ nhất, tất cả các bên (bao gồm cả chính phủ Trung Quốc) cần tái cam kết tuân thủ khuôn khổ “một nước, hai chế độ”. Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, là một liên minh đại diện cho chính phủ, doanh nghiệp và giới tài chính có tầm ảnh hưởng ở Hong Kong cần đưa ra một kế hoạch chủ động đối phó với tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng cũng như tình trạng những người dân vốn đã phải vất vả mưu sinh lại đang mất dần những cơ hội của mình. Vấn đề nhà ở cho người trẻ cũng đặc biệt cấp thiết.
Hong Kong không phải là nơi duy nhất trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề cần phải hướng tới tăng trưởng bao trùm (không bỏ ai lại phía sau). Nhiều nền kinh tế có thu nhập cao cũng đã trải qua thời kỳ bất bình đẳng kinh tế gia tăng và sau đó là sự phân hóa xã hội và khiến người dân bất mãn với các lãnh đạo, các đảng phái chính trị. Những
cuộc biểu tình ở Hong Kong khá giống với phong trào biểu tình “Áo Vàng” ở Pháp, nổ ra do giá xăng tăng nhưng thực chất là bị châm ngòi do một bộ phận người dân cảm thấy lo lắng về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và viễn cảnh nền kinh tế đi xuống.
Những người biểu tình ở Hong Kong đòi phải hủy bỏ hẳn luật dẫn độ và chính quyền Trung Quốc không coi những cuộc biểu tình của họ là “bạo loạn”. Họ cũng yêu cầu phải tiến hành điều tra độc lập những cảnh sát đối xử thô bạo với người biểu tình, đòi thả tự do tất cả những người bị giam giữ và để họ có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn người lãnh đạo của mình.
Những yêu cầu của người biểu tình không nhắc gì trực tiếp đến tình hình kinh tế của người dân Hong Kong. Họ cho rằng khi có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn người lãnh đạo của mình thì đó sẽ là một bước tiến tới giải quyết bất bình đẳng. Nhiều người dân Hong Kong hiện cho rằng những lãnh đạo hiện tại chỉ tập trung làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh hơn là chăm lo tới phát triển kinh tế cho tất cả người dân.
Giữa nhiều vấn đề nan giải như vậy, nhiều người có thể nhìn nhận kế hoạch phát triển vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area) của Trung Quốc nhằm phát triển một nền kinh tế khu vực tích hợp tai Đồng bằng Châu Giang giống như một vụ xâm phạm quyền tự trị của Hong Kong theo Hiến pháp Hong Kong 1997, trong đó, nêu rõ Hong Kong là một trong hai đặc khu kinh tế trong 50 năm. Tuy nhiên, phát triển vùng Vịnh Lớn có thể tác động rất tích cực tới Hong Kong cũng như nền kinh tế năng động và đổi mới ở phía Nam Trung Quốc và cũng nhiều người tin rằng vẫn có thể thực hiện kế hoạch đó mà vẫn giữ được nguyên tắc “một nước, hai chế độ”. Những rào cản khó khăn trước mắt, ví dụ như dữ liệu được quản lý bằng nhiều luật khác nhau không phải là không thể giải quyết được.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có lý do để bác các yêu cầu đòi độc lập hoàn toàn của Hong Kong. Chỉ có một nhóm nhỏ người biểu tình ủng hộ những yêu sách này bởi điều đó không nhất quán với Hiến pháp Hong Kong và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Lãnh đạo Trung Quốc Đại lục cần duy trì vai trò của mình trong việc chọn lựa lãnh đạo Hong Kong để tránh tình trạng phải đối phó với một chính phủ công khai ủng hộ dân chủ như tình trạng vẫn thường xảy ra ở Đài Loan.
Trung Quốc cũng hoàn toàn có lý do để quan ngại về sự can thiệp của bên ngoài vào Hong Kong bởi nếu ở vị trí như Trung Quốc thì nước nào cũng vậy thôi. Một số ít những người biểu tình đưa ra yêu cầu xin Mỹ và Anh hậu thuẫn họ là hành động phản tác dụng không mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng có thể giúp chính mình bằng cách lên tiếng khẳng định ủng hộ nguyên tắc “hai chính phủ” và sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Hong Kong giải quyết những vấn đề liên quan kinh tế.
Rõ ràng, ở Đại lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát ngày càng chặt chẽ các doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội những năm gần đây và một số kiểu can thiệp đó đã phần nào lan tới Hong Kong làm ảnh hưởng tới khuôn khổ “một nước, hai chế độ”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng không cắt bớt quyền lực của chính quyền Hong Kong hay can thiệp vào hệ thống luật pháp công minh của thành phố này bởi
đó chính là những yếu tố sức hút của Hong Kong đối với giới doanh nghiệp - tài chính trên toàn cầu muốn đến đây làm ăn, lập nghiệp.
Đối thoại rõ ràng và đáp ứng nhanh những mong mỏi của người dân sẽ là chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hong Kong. Về vấn đề này, chính quyền Hong Kong đã làm chưa tốt. Hàng triệu người xuống đường biểu tình cần biết chính quyền của họ có lắng nghe họ không, có thấu hiểu được những nỗi lo lắng của họ và đứng về phía họ không, miễn là những yêu cầu của họ phù hợp với Hiến pháp Hong Kong. Chính quyền Trung Quốc đã kiềm chế trong phát ngôn, có thể bởi muốn tránh làm ảnh hưởng tới quyền hạn của chính quyền Hong Kong. Điều đó càng cho thấy chính quyền Hong Kong cần phải đối thoại hiệu quả hơn nữa với người biểu tình.
Điểm cuối cùng là các nước khác, gồm cả Mỹ, nên đứng sang một bên. Không được lợi dụng Hong Kong làm mồi nhử trong cuộc chiến giữa các nước lớn. Những người sinh sống và làm việc tại Hong Kong xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn thế.