Khái niệm về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố hồ chí minh (Trang 44 - 46)

Theo Ngô Thắng Lợi (2013), cơ cấu ngành kinh tế là tương quan giữa các ngành trong tổng thể kinh tế, thể hiện mối quan hệ hữu cơ và sự tác động qua lại cả về số và chất lượng giữa các ngành với nhau [18]. Các mối quan hệ này được hình thành trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, luôn luôn vận động và hướng vào những mục tiêu cụ thể. Như vậy cần phải hiểu cơ cấu ngành kinh tế theo những nội dung sau:

Thứ nhất, đó là số lượng các ngành kinh tế được hình thành. Số lượng ngành kinh tế không cố định, nó luôn được hoàn thiện theo sự phát triển của phân công lao động xã hội. Từ đầu thế kỷ 19, nhà kinh tế học Colin Clark căn cứ vào tính chất chuyên môn hoá của sản xuất đã chia thành 3 nhóm ngành: Khai thác tài nguyên thiên nhiên (gồm nông nghiệp và khai thác khoáng sản);

Công nghiệp chế biến; Sản xuất sản phẩm vô hình. Liên hiệp quốc sau này, căn cứ vào tính chất hoạt động sản xuất đã chuyển hoạt động khai thác khoáng sản sang ngành công nghiệp và gọi sản xuất sản phẩm vô hình là dịch vụ. Nguyên tắc phân ngành xuất phát từ tính chất phân công lao động xã hội, biểu hiện cụ thể qua sự khác nhau về quy trình công nghệ của các ngành trong quá trình tạo ra sản phẩm vật chất và dịch vụ. Các ngành kinh tế được phân thành 3 khu vực hay gọi là 3 ngành gộp: Khu vực I bao gồm các ngành nông - lâm - ngư nghiệp; Khu vực II là các ngành công nghiệp và xây dựng; Khu vực III gồm các ngành dịch vụ.

Thứ hai, cơ cấu ngành kinh tế thể hiện ở mối quan hệ tương hỗ giữa các ngành với nhau. Mối quan hệ này bao gồm cả mặt số và chất lượng. Mặt số lượng thể hiện ở tỷ trọng (tính theo GDP, lao động, vốn v.v...) của mỗi ngành trong tổng thể nền kinh tế quốc dân; Còn khía cạnh chất lượng phản ánh vị trí, tầm quan trọng của từng ngành và tính chất của sự tác động qua lại giữa các ngành với nhau. Sự tác động qua lại giữa các ngành có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác động trực tiếp bao gồm tác động cùng chiều và ngược chiều, còn mối quan hệ gián tiếp được thể hiện theo các cấp 1, 2, 3 v.v… Nói chung mối quan hệ của các ngành cả số và chất lượng đều thường xuyên biến đổi và ngày càng trở nên phức tạp hơn theo sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội trong nước và quốc tế.

Như vậy, có thể thấy, cơ cấu ngành kinh tế là một phạm trù động, nó luôn luôn thay đổi theo từng thời kỳ phát triển bởi các yếu tố hợp thành cơ cấu không cố định. Vì vậy, CDCCN kinh tế có thể hiểu là quá trình thay đổi của cơ cấu ngành từ trạng thái này sang trạng thái khác ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với môi trường và điều kiện phát triển [18]. CDCCN không chỉ là sự thay đổi về số lượng các ngành, tỷ trọng của mỗi ngành mà còn bao gồm sự thay đổi về vị trí, tính chất của mối quan hệ trong nội bộ cơ cấu ngành. Việc CDCCN phải dựa trên cơ sở một cơ cấu hiện có và nội dung

của sự chuyển dịch là cải tạo cơ cấu cũ, lạc hậu hoặc chưa phù hợp để xây dựng cơ cấu mới tiên tiến, hoàn thiện và bổ sung cơ cấu cũ nhằm biến cơ cấu cũ thành cơ cấu mới hiện đại và phù hợp hơn. CDCCN kinh tế phản ánh mặt chất về kinh tế của quá trình phát triển. Đây là một quá trình diễn ra liên tục, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa và được xem là kết quả của quá trình công nghiệp hóa đối với các nước đang phát triển. CDCCN là một quá trình mang tính khách quan, dưới sự tác động của các yếu tố phát triển: lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội, thị trường, quan hệ cung - cầu hàng hóa.

2.1.3.Khái niệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Từ cách hiểu về thu hút FDI và CDCCN kinh tế, có thể hiểu, thu hút FDI thúc đẩy CDCC ngành kinh tế là những hoạt động chính sách của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư nhằm quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tập trung bỏ vốn thực hiện mục đích đầu tư phát triển vào những ngành kinh tế được địa phương định hướng tập trung phát triển nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với môi trường và điều kiện phát triển. Chẳng hạn, sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp khác, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố hồ chí minh (Trang 44 - 46)