Nghiên cứu và ứng dụng lai giống nâng cao sinh trưởng, năng suất, chất lượng thịt

Một phần của tài liệu Khả năng sinh sản của bò cái lai brahman được phối giống droughtmaster, charolais, red angus và sức sản xuất thịt của đời con nuôi tại tỉnh quảng ngãi (Trang 44 - 47)

lượng thịt

Trong những năm 1980, nước ta nhập bò Red Sindhi và Sahiwal từ Pakistan và nghiên cứu công thức lai cải tạo bò cái Vàng với bò đực Zebu. Con lai cho năng suất cao hơn khi tỷ lệ máu bò Zebu cao. Kết quả 40 năm chương trình Sind hoá đàn bò cho thấy: Bò Lai Sind có năng suất thịt tinh từ 90 đến 100kg/con, gấp gần 2 lần so với bò Vàng (Đinh Văn Cải, 2007a). Đã có rất nhiều công thức lai giống giữa các giống bò chuyên thịt với các giống bò địa phương ở các mức độ di truyền khác nhau. Mục đích là tạo ra con lai có nhiều ưu điểm mới, nâng cao tầm vóc và năng suất thịt, cải thiện chất lượng thịt của các thế hệ con lai trong khi vẫn giữ được những ưu thế về khả năng chịu đựng, tính thích nghi cao của các giống địa phương. Nhiều nghiên cứu lai tạo để nâng cao khả năng sinh trưởng, cải tiến năng suất, chất lượng thịt được tiến hành giữa bò thịt ôn đới với bò nội đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Văn Thưởng và cs (1985) tiến hành nghiên cứu dùng bò đực Red Sindhi lai cải tạo bò Vàng Việt Nam đã nâng khối lượng bò cái từ 200 kg lên 270 – 280 kg, bò đực từ 250 kg lên 380 – 420 kg, tỷ lệ thịt xẻ tăng 5%. Hoàng Văn Trường (2001) cho biết khả năng sinh trưởng và năng suất thịt của bò lai F1 (Brahman × Lai Sind) và bò lai F2 (3/4 Brahman x 1/4 Lai Sind) có tăng khối lượng lần lượt là 286 và 406 gam/con/ngày khi được nuôi trong điều kiện nông hộ tại Bình Định.

Phạm Văn Quyến và cs (2001) nghiên cứu trên bò lai F1 (Charolais × Lai Sind), F1 (Heroford × Lai Sind) và F1 (Simmental × Lai Sind) cho thấy tăng khối lượng

trung bình từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi cao nhất đối với bò lai F1 (Charolais × Lai Sind) với 533 gam/con/ngày, kế đến là bò lai F1 (Heroford × Lai Sind) với 500 gam/con/ngày, bò lai F1 (Simmental × Lai Sind) với 370 gam/con/ngày và thấp nhất là bò Lai Sind với 344 gam/con/ngày. Đinh Văn Cải và cs (2009) nghiên cứu khả năng sinh trưởng của các tổ hợp bò lai F1 (Charolais × Lai Sind), F1 (Droughtmaster × Lai Sind), F1 (Brahman x Lai Sind) và bò Lai Sind cho biết tăng khối lượng từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi cao nhất là bò lai F1 (Charolais × Lai Sind), kế đến là bò lai F1 (Droughtmaster × Lai Sind), bò lai F1 (Brahman × Lai Sind) và thấp nhất là bò Lai Sind. Các kết quả nghiên cứu này cho thấy trong cùng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng nhưng tổ hợp bò lai Charolais × Lai Sind, Droughtmaster × Lai Sind và Brahman ×

Lai Sind luôn có khả năng sinh trưởng và năng suất thịt cao hơn so với bò Lai Sind. Trương La và cs (2017) nghiên cứu sinh trưởng của các giống bò lai được sinh ra từ bò cái Lai Sind và bố là bò Brahman, Red Angus, Droughtmaster, Red Sindhi nuôi tại Lâm Đồng trong cùng điều kiện chăn nuôi và mức dinh dưỡng như nhau. Kết quả khối lượng của các con lai lần lượt ở các lứa tuổi sơ sinh, 12 tháng, 18 tháng và tăng khối lượng qua các giai đoạn tuổi đều cao hơn so với bò Red Sindhi × Lai Sind. Dương Nguyên Khang và cs (2019b) nghiên cứu khả năng sinh trưởng của các giống bò lai BBB, Red Angus và Brahman nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy bò lai BBB có khả năng sinh trưởng cao nhất, tiếp đến là bò lai Red Angus và thấp nhất là bò Lai Brahman.

Đinh Văn Cải và cs (2006) nghiên cứu năng suất thịt của các tổ hợp bò lai Charolais × Lai Sind, Droughtmaster × Lai Sind và Brahman × Lai Sind và bò Lai Sind giết mổ lúc 18 tháng tuổi cho biết tỷ lệ thịt xẻ lần lượt là 53,4; 50,76; 49,06 và 47,92%, và tỷ lệ thịt tinh lần lượt là 43,6; 40,96; 39,95 và 38,35%. Phạm Văn Quyến (2009) cho biết tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh và diện tích mắt thịt của bò lai F1 (Charolais

× Lai Sind) là cao nhất, kế đến là bò Droughtmaster, bò lai F1 (Droughtmaster × Lai Sind) và F1 (Brahman × Lai Sind), thấp nhất là bò Lai Sind. Các giá trị dinh dưỡng ở thịt cơ thăn của bò như hàm lượng protein dao động từ 20,20% đến 22,45%. Hàm lượng lipit ở bò Lai Sind là 6,22% cao hơn so với các tổ hợp lai còn lại, F1 (Charolais

× Lai Sind) với 4,26%, Droughtmaster với 3,9%, F1 (Droughtmaster × Lai Sind) với 4,11% và F1 (Brahman × Lai Sind) với 4,98%. Phạm Thế Huệ (2010) nghiên cứu ảnh hưởng của lai tạo đến khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng thịt bò, cho biết bò Brahman × Lai Sind và Charolais × Lai Sind có khối lượng trưởng thành khá lớn. Khối lượng cao nhất ở bò Charolais × Lai Sind và thấp nhất ở bò Lai Sind. Bò Brahman ×

Lai Sind và Charolais × Lai Sind có tỷ lệ thịt xẻ và thịt tinh cao hơn so với bò Lai Sind. Thịt bò lai có màu sắc, pH nằm trong giới hạn cho phép. Thịt thăn của bò Charolais × Lai Sind có lực cắt thấp hơn thịt thăn của bò Brahman × Lai Sind và Lai Sind. Văn Tiến Dũng (2012) nghiên cứu ảnh hưởng của lai tạo đến khả năng sinh

trưởng, năng suất, chất lượng thịt bò, cho biết bò lai Droughtmaster × Lai Sind, Red Angus × Lai Sind và Limousine × Lai Sind có tốc độ sinh trưởng và năng suất thịt cao hơn bò Lai Sind. Trong số các giống bò lai, bò lai Droughtmaster × Lai Sind, Red Angus × Lai Sind có tốc độ sinh trưởng cao hơn Limousine × Lai Sind. Bò Red Angus

× Lai Sind có năng suất thịt cao nhất. Màu sắc, tỷ lệ mất nước chế biến, tỷ lệ mất nước bảo quản thịt của bò lai chuyên thịt tốt hơn so với bò Lai Sind. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về lực cắt. Từ các kết quả nghiên cứu trên, ta thấy với điều kiện khí hậu, và trình độ chăn nuôi của người chăn nuôi Việt Nam các giống bò lai hướng thịt hiện nay đều thể hiện khả năng thích nghi khá tốt, tăng khối lượng nhanh, có khối lượng vượt trội hơn và năng suất, chất lượng thịt tốt hơn so với các giống bò địa phương.

Nghiên cứu nâng cao khả năng sinh trưởng, năng suất thịt và cải tiến chất lượng thịt bò được tiến hành liên tục từ năm 1975 đến nay. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hạn chế nhập khẩu thịt bò. Các nghiên cứu lai tạo ở nước ta trong thời gian qua tập trung vào lai tạo giữa các giống bò chuyên thịt với bò địa phương. Nhưng sau hơn 40 năm triển khai các nghiên cứu lai tạo giống để phát triển chăn nuôi bò thịt, đến nay trong thực tế sản xuất, chúng ta vẫn chưa có giống bò chuyên thịt mang đặc trưng riêng, chưa có con lai của giống nào đóng vai trò chủ lực trong sản xuất thịt. Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn về con giống, thức ăn và quy trình nuôi dưỡng nhằm từng bước tạo ra sản phẩm thịt ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Chúng ta cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu lựa chọn các tổ hợp bò lai phù hợp để sản xuất có hiệu quả với điều kiện từng vùng miền và địa phương.

Một phần của tài liệu Khả năng sinh sản của bò cái lai brahman được phối giống droughtmaster, charolais, red angus và sức sản xuất thịt của đời con nuôi tại tỉnh quảng ngãi (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(157 trang)
w