KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng tích lũy cacbon của một số loại hình sử dụng đất nông nghiệp tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình TT (Trang 30 - 31)

1. KẾT LUẬN

Qua quá trình thực hiện Luận án, tôi rút ra một số kết luận sau:

1) Kết quả cho thấy có sự biến động mạnh mẽ về các loại hình sử dụng đất ở huyện Bố Trạch. Từ năm 2005 đến năm 2010 cho thấy diện tích đất trồng cây lâu năm & Rừng trồng sản xuất tăng mạnh nhất khoảng 10.763,91 ha. Kết quả của sự biến động về diện tích của các loại hình sử dụng đất giai đoạn 2010- 2018 cho thấy diện tích đất trồng cây lâu năm và rừng trồng sản xuất tăng mạnh nhất khoảng 4.970,85ha, diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh nhất khoảng 6.184,09 ha. Điều này phản ánh định hướng phát triển kinh tế của vùng là ưu tiên phát triển nông nghiệp. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất và là nguyên nhân chính của biến động sự dụng đất.

2) Kết quả về đánh giá khả năng tích lũy Cacbon của các loại hình sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Bố Trạch cho thấy giá trị cacbon của của đất rừng tự nhiên là lớn nhất đạt từ 152,45 tấn/ha – 306,22 tấn/ha, trung bình đạt 239,30 tấn/ha. Tiếp đến, là đất trồng cây lâu năm&rừng trồng sản xuất có giá trị tích lũy cacbon nhiều thứ hai với giá trị từ 14,45 tấn/ha – 36,95 tấn/ha, trung bình đạt 28,79 tấn/ha. Nhóm đất có giá trị cacbon thấp nhất trong khu vực là đất trồng cây hàng năm chỉ đạt từ 7,02 tấn/ha – 9,45 tấn/ha, trung bình đạt 8,44 tấn/ha. Việc xác định sinh khối và trữ lượng Cacbon của cây lâu năm không những góp phần giảm khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn cung cấp cơ sở khoa học và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới nhằm nâng cao khả năng tích lũy cacbon trong đất hướng đến hạn chế biến đổi khí hậu.

3) Kết quả về dự báo xu hướng biến động sử dụng đất trong giai đoạn 2005- 2030 ở huyện Bố Trạch cho thấy loại hình sử dụng đất rừng tự nhiên có xu hướng giảm mạnh, biến động giảm 12.977,31 ha, trong khi đó đất trồng cây lâu năm và rừng trồng sản xuất lại có xu hướng tăng mạnh, biến động tăng 11.530,12 ha. Loại hình biến động mạnh và tương đối phức tạp là đất khác (gồm đất ở, giao thông, thủy lợi, thương mại, dịch vụ, đất sông, ngòi, kênh rạch, suối, đất chưa sử dụng…). Kết quả của mô hình đã được kiểm chứng với kết quả thống kê đất đai của huyện, với kết quả phân loại từ ảnh, với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện và so sánh với kết quả quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đều cho thấy sự tương đồng và phù hợp với định hướng phát triển của huyện.

4) Từ các kết quả nghiên cứu, đã đề xuất được các nhóm giải pháp nhằm tăng khả năng tích lũy Cacbon theo từng loại hình sử dụng đất và theo từng vùng cụ thể tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Với các giải pháp này, UBND huyện Bố Trạch sẽ có cơ sở để sử dụng đất một cách hiệu quả nhằm tăng khả năng tích lũy Cacbon ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án xin đưa ra một số kiến nghị sau: - Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa có năng suất và hiệu quả kinh tế cao sang mục đích phi nông nghiệp. Cần phải hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, làm đúng theo Luật Đất đai và theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- UBND huyện nên thường xuyên cập nhật biến động đất đai hàng năm lên bản đồ và lập biểu biến động hàng năm để theo dõi, quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả hơn gắn với việc đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất đặc biệt là khả năng tích lũy Cacbon của các loại đất.

- Đối với UBND tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng cần nâng cao chất lượng rừng bằng chính sách đóng cửa rừng, giao rừng cho tổ chức, cá nhân khoanh nuôi bảo vệ rừng. Từ đó, nâng cao khả năng tích lũy Cacbon của nhóm đất này, đồng thời vẫn đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ

1. Phạm Quốc Trung, Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Huỳnh Văn Chương, Trương Thị Hương Dung (2018), Accessing land cover change in Bo Trach district, Quang Binh province based on high-resolution satellite imagery based on object-oriented perspective, Tạp chí Journal of Vietnamese Environment, số 9, tập 1-5 năm 2018.

2. Phạm Quốc Trung, Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Huỳnh Văn Chương, Đinh Vũ Long (2018), Đánh giá biến động sử dụng đất bằng công nghệ ảnh viễn thám tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Tạp chí Kinh tế sinh thái, số 55, Tr. 99- 110.

3. Phạm Quốc Trung, Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Huỳnh Văn Chương, Nguyễn Văn Tiến (2018), Sử dụng ảnh vệ tinh để xác định trữ lượng Cacbon của cây lâu năm ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập 127, số 3A, 2018, Tr. 49- 66.

4. Pham Quoc Trung, Nguyen Duc Hoang, Nguyen Quang Tan, Nguyen Hoang Khanh Linh, Huynh Van Chuong (2019), ” Dyna-Clue application for modeling land use change: A case study in Bo Trach District, Quang Binh province, VietNam”, Hội nghị quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới năm 2019, Mandalay của IEEE.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng tích lũy cacbon của một số loại hình sử dụng đất nông nghiệp tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình TT (Trang 30 - 31)