Ø Đánh giá những điểm mạnh
Mỗi người đều có những điểm mạnh, những tố chất đặc biệt trong một lĩnh vực cụ thể. Những điểm mạnh sẽ là nền tảng cho một công việc kinh doanh cụ thể của người khởi sự. Bản thân người khởi sự có thể đã quen thuộc với những tố chất của mình đến mức chúng không thể xuất hiện ngay lập tức trong đầu. Vì vậy, cách tốt nhất là hãy tự đánh giá bản thân trong một vài tuần lễ để xem mình có những điểm mạnh và tố chất gì. Sau đó, cũng có thể kết hợp với việc hỏi những người hiểu rõ mình để biết ấn tượng của họ về những điểm mạnh và tố chất đó.
Ø Đánh giá những điểm yếu
Điểm yếu gây khó khăn và thậm chí có thể cản trở công việc kinh doanh của người khởi sự. Vì vậy, nhìn nhận được điểm yếu là rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng thừa nhận và dám đối mặt với điểm yếu của mình. Người khởi sự cần nhớ lại và liệt kê tất cả các điểm yếu của mình. Hãy suy nghĩ mở rộng ra ngoài những điểm yếu đã được nhận thức rõ ràng. Nếu càm thấy lúng túng, có thể hỏi ý kiến những người thân, đặc biệt là những người quen biết từ khi còn nhỏ để xem họ có đồng tình với những nhận xét về điểm yếu của mình hay không.
41
Ø Đánh giá những kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy
Dù làm việc trong bất kỳ môi trường nào, mỗi người đều có thể tích lũy được những kỹ năng và kinh nghiệm nhất định. Kỹ năng, kinh nghiệm giúp ích cho công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi và là điều kiện đảm bảo công việc kinh doanh thành công. Để biết được các kỹ năng và kinh nghiệm của mình, người khởi sự cần tự viết ra tất cả các công việc mà mình đã từng đảm nhận, các kỹ năng tích lũy được qua những công việc đó. Người khởi sự cần nghĩ đến các nhiệm vụ khác nhau mà bản thân biết cách hoàn thành. Để có danh sách kỹ năng, kinh nghiệm hoàn chỉnh nên liệt kê ít nhất 10 mục khác nhau.
Ø Đánh giá những việc bản thân thích làm
Những việc bản thân thích làm có thể giúp người khởi sự tiến hành công việc với kết quả như mong muốn, thái độ hào hứng và nhiệt huyết. Người khởi sự cần lập danh sách những việc bản thân thích làm. Điều này có thể không dễ dàng. Danh sách phải gồm ít nhất 10 việc khác nhau. Hãy suy nghĩ mở rộng ra ngoài những sở thích và những mối quan tâm nảy sinh tức thì trong đầu mình. Nếu cảm thấy lúng túng, có thể hỏi ý kiến của những người đã biết mình từ lâu.
Ø Đánh giá những việc bản thân không thích làm
Người khởi sự cũng cần lập danh sách ít nhất 10 việc mình không thích làm. Điều này cũng không dễ dàng. Cần suy nghĩ mở rộng ra ngoài những việc mình không thích hoặc không muốn làm nảy sinh tức thì trong đầu. Nếu cảm thấy lúng túng, có thể hỏi ý kiến của những người đã biết mình từ lâu.