Mặc dù các lợi ích phi tài chính suy cho cùng vẫn có thể quy về lợi ích tài chính, song nhóm nghiên cứu vẫn chia thành hai loại nói trên để thuận lợi cho việc phân tích chuyên sâu.
Nâng cao giá trị thương hiệu của công ty.
Khi một công ty thực hiện các hoạt động CSR, dù là đối nội hay đối ngoại thì đều được cộng đồng đánh giá rất cao. Điều này được thể hiện qua các bảng xếp hạng những công ty có trách nhiệm nhất thế giới của tạp chí Forbes. Danh sách này cũng chính là những công ty được yêu thích nhất thế giới. Như vậy chính CSR đã góp phần làm nên hình ảnh của công ty trong lòng xã hội.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cuối năm 2008 - đầu năm 2009 đã kéo cổ phiếu của Intel sụt giảm 42%, thu nhập ròng giảm 90% so với năm trước đó 7. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy, Intel vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình CSR của mình trên toàn thế giới qua những đóng góp vào giáo dục ở Afghanistan, Cam-pu- chia, Haiti, và Uganda,… cùng với những chương trình nỗ lực bảo vệ nguồn năng lượng. Chủ tịch của Intel, ông Craig Barrett Fortune nói: “Bạn không thể tiết kiệm theo cách của bạn để thoát khỏi suy thoái, mà bạn phải đầu tư theo cách của bạn”. Rõ ràng Craig Barrett Fortune đã coi CSR như một sự đầu tư hiệu quả và lâu dài. “Chúng tôi nhìn vào các hoạt động CSR trong những thời khắc khác nhau với cùng một đôi mắt. Bạn đừng bao giờ hy vọng có thể gặt hái được kết quả nếu bạn chỉ làm CSR những khi bạn kinh doanh tốt còn quên mất chúng khi bạn gặp khó khăn” Cùng chung quan điểm đó, những người khổng lồ như General Electric, Starbuck hay Toyota cắt giảm tài chính của họ cho các dự án thay vì cắt giảm các hoạt động CSR khi phải cắt giảm chi phí. Đây chính là những tấm gương sáng cho việc cam kết thực
hiện CSR trên toàn thế giới. Và chắc chắn rằng, chính những điều này đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín cho các doanh nghiệp.
Thu hút nhân tài.
Nhân viên là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc thu hút nhân tài luôn được các công ty quan tâm hàng đầu. Có được những nhân viên tốt đã khó nhưng việc níu chân các nhân viên này còn khó khăn hơn nhiều. Điều này là cả một thách thức đối với các công ty. Những công ty trả lương thỏa đáng và công bằng, tạo cho nhân viên cơ hội đào tạo, bảo hiểm y tế và môi trường làm việc sạch sẽ có khả năng thu hút và giữ được nhân viên tốt hơn.
Cuộc khảo sát của Mont- gomery và Ramus (2003) chỉ ra rằng các MBAs tốt nghiệp các trường châu Âu và Mỹ rất quan tâm đến các khía cạnh của CSR như quan hệ lao động, môi trường làm việc bền vững, hay đạo đức, văn hóa doanh nghiệp. Hơn 90% sinh viên được phỏng vấn trả lời họ sẵn sàng từ bỏ yếu tố tài chính để làm việc cho những công ty có danh tiếng về CSR.
Turban và Greening (1997) cung cấp bằng chứng rằng một công ty thực hiện tốt CSR có thể có lợi thế hơn trong việc thu hút các nhà quản lý cấp cao.
Nhóm tác giả cũng đã có một cuộc điều tra nhỏ trong cộng đồng sinh viên nhiệm vụ chiến lược và chất lượng cao trường đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Kết quả cũng chỉ ra rằng sinh viên sẽ cảm thấy rất tự hào khi làm việc cho các doanh nghiệp có hình ảnh tốt trong xã hội.
Biểu đồ 4: Cảm nhận về hình ảnh của công ty trong cộng đồng
Cũng giống như những người Nhật Bản rất tự hào khi họ nói rằng họ làm việc cho Toyota hay Sony hay Honda, thì 97% tức 54 trong số 55 sinh viên được hỏi cũng tự hào (và rất tự hào) khi họ là một phần trong công ty có hình ảnh tốt trong mắt cộng đồng.
Còn sau đây là kết quả khảo sát lấy ý kiến của sinh viên (được coi là nguồn nhân lực chất lượng cao) khi đánh giá mức độ quan trọng của CSR đối với một công ty.
Biểu đồ 5: Đánh giá mức độ quan trọng của CSR
Kết quả khảo sát ở trên cho thấy 97% tức 54/55 số sinh viên được hỏi cho rằng CSR quan trọng và rất quan trọng đối với một công ty.
Như vậy có thể thấy rằng, những doanh nghiệp thực hiện tốt CSR sẽ có khả năng tuyển dụng được nhiều nhân tài hơn. Từ đó hiệu quả công việc và sự sáng tạo kéo theo lợi nhuận của công ty sẽ cao hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện tốt CSR còn có được những lợi ích phi tài chính sau:
Nâng cao uy tín với xã hội:
Việc thực hiện tốt CSR giúp cho các doanh nghiệp tạo được niềm tin đối với các thành phần trong xã hội:
- Nhân viên công ty. - Khách hàng.
- Nhà đầu tư. - Cộng đồng
- Đối tác - Chính phủ
Giảm mối quan tâm của các nhà hoạt động, tổ chức hoạt động xã hội
Góp phần vào công tác bảo vệ Trái Đất.