Giới thiệu chung về Luật giao dịch điện tử

Một phần của tài liệu Bài giảng Pháp luật thương mại điện tử: Phần 1 (Trang 36 - 38)

Luật giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8 khoá XI. Luật giao dịch điện tử đã chính thức đặt nền tảng đầu tiên cho việc thiết lập một hệ thống văn bản pháp quy toàn diện về giao dịch điện tử tại Việ Nam. Sau khi luật được ban hành, trong hai năm 2006 và 2007 hàng loạt văn bản dưới luật đã ra đời nhằm điều chỉnh chi tiết việc triển khai giao dịch điện tử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhằm khuyến khích các cơ quan nhà nước giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng tin học vào quản lý hành chính Luật Giao dịch điện tử yêu cầu “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội và tình hình cụ thể, cơ quan nhà nước xác định một lộ trình hợp lý để sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động nội bộ, với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giao dịch với cơ quan nhà nước nếu cơ quan nhà nước đó chấp nhận giao dịch bằng phương tiện truyền thống và phương tiện điện tử. Khi tiến hành giao dịch điện tử, cơ quan nhà nước phải quy định cụ thể về: định dạng, biểu mẫu của thông điệp dữ liệu; loại chữ ký điện tử, chứng thực điện tử trong trường hợp giao dịch điện tử cần có chữ ký, chứng thực điện tử; các quy trình bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn, bí mật của giao dịch điện tử.

Luật nghiêm cấm các hành vi: cản trở việc lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử, cản trở ngăn chặn trái phép quá trình truyền gửi và nhận thông điệp dữ liệu: thay đổi, xoá, hủy, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra hoặc phán tán chương trình phần mềm (virut) làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác.

Tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Luật cũng giao cho Bộ thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử.

Cùng một số văn bản được ban hành từ năm 2005 trở về trước, những văn bản ra đời trong hai năm gần đây đã tạo nên một khung pháp lý tương đối toàn diện cho giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam, đặc biệt là bốn Chỉ thị hướng dẫn Luật giao dịch điện tử và ba Chỉ thị hướng dẫn Luật công nghệ thông tin. Nếu trước năm 2005, phần lớn văn bản được ban hành chỉ liên quan đến những vấn đề kỹ thuật công nghệ thông tin, thì các văn bản ban hành sau Luật giao dịch điện tử đã mở rộng diện điều chỉnh đến những ứng dụng cụ thể như thương mại, hải quan, tài chính, hành chính nhà nước,... Đây là những ứng dụng nền tảng của xã hội và là tiền đề cho việc triển khai các quy trình thương mại điện tử hoàn chỉnh ở cấp độ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài tác động trực tiếp đưa đến sự ra đời các văn bản hướng dẫn cho những vấn đề cụ thể trong triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, tác động sâu xa hơn của Luật giao dịch điện tử là đã đưa ra khái niệm “thông điệp dữ liệu” và “chứng từ điện tử” vào những bộ luật cơ bản của hệ thống pháp luật hiện hành. Bộ luật dân sự sửa đổi và Luật thương mại sửa đổi, được biên soạn song song với Luật giao dịch điện tử, đều bổ sung quy định thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong các giao dịch dân sự và thương mại.

Luật giao dịch điện tử gồm 8 chương và 54 điều với những nội dung cơ bản như sau Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9)

Trong chương này Luật đưa ra các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật cũng đưa ra phạm vi không áp dụng là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà

và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Điều cần lưu ý là quá trình giao dịch, thụ lý hồ sơ trong các lĩnh vực trên vẫn có thể sử dụng phương tiện điện tử.

Tại Điều 5 Luật đưa ra các nguyên tắc chung khi tiến hành các giao dịch điện tử như; tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử; không một loại công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Giao dịch điện tử của các cơ quan Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật giao dịch điện tử.

Chương II: Thông điệp dữ liệu (từ Điều 10 đến Điều 20)

Luật công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và các vấn đề liên quan đến giá trị của thông điệp dữ liệu như thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản; thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc; thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ. Quy định vấn đề lưu trữ thông điệp dữ liệu, thời điểm, địa điểm nhận và gửi thông điệp dữ liệu.

Chương III: Chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử (từ Điều 21 đến Điều 32) Luật thừa nhận chữ ký điện tử có giá trị ngang bằng chữ ký tay. Luật cũng quy định các điều kiện bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử. Nghĩa vụ của người ký chữ ký điện tử, người nhận và chấp nhận chữ ký điện tử. Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và các vấn đề có liên quan.

Chương IV: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử (từ Điều 33 đến điều 38)

Luật quy định hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, luật cũng thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử giống như hợp đồng được thiết lập dưới các hình thức khác. Quy định các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Chương V: Giao dịch điện tử của các cơ quan Nhà nước (từ Điều 39 đến Điều 43) Trong chương này luật quy định các loại hình giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước như giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương VI: An ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử (Điều 44-49) Luật quy định vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử, bảo vệ thông điệp dữ liệu, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng.

Chương VII: Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm (Điều 50 – Điều 52)

Luật quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử, tranh chấp trong giao dịch điện tử và phương thức giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử.

Chương VIII: Điều khoản thi hành (Điều 53,54)

Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006.

Một phần của tài liệu Bài giảng Pháp luật thương mại điện tử: Phần 1 (Trang 36 - 38)