Giới thiệu chung Nghị định về thương mại điện tử

Một phần của tài liệu Bài giảng Pháp luật thương mại điện tử: Phần 1 (Trang 85 - 87)

Ngày 16/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nhằm tập trung điều chỉnh những vấn đề mang tính đặc thù, phát sinh trên môi trường điện tử,

Nghị định về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung đánh dấu một bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích thương mại điện tử phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Nghị định về thương mại điện tử được xây dựng dựa trên một số quan điểm và mục tiêu: bám sát các quy định tại Luật thương mại, Bộ luật dân sự và Luật giao dịch điện tử; hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội; bao quát các loại hình thương mại điện tử diễn ra trong thực tế, đồng thời có tính đến sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của những loại hình giao dịch mới. Nghị định cũng đảm bảo sự tương thích với luật pháp quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nghị định gồm 7 chương, 80 điều với những nội dung chủ yếu như sau

- Chương I: Những quy định chung (Từ điều 1 đến điều 8) nêu lên phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích một số thuật ngữ, xác định nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử, chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, thống kê thương mại điện tử và cơ quan thực hiện nhiệm vụ này.

- Chương II: Giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử

+ Mục 1: Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (điều 9 – điều 14)

Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, khẳng định nguyên tắc cơ bản về thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại.

+ Mục 2: Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử (điều 15 – điều 23) gồm quy trình giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website TMĐT từ thời điểm bắt đầu đến kết thúc, chấm dứt giao kết.

- Chương III: Hoạt động thương mại điện tử

Xác định chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử, các hình thức, nguyên tắc thực hiện, quy định chi tiết các hình thức hoạt động TMĐT như website TMĐT bán hàng, website cung cấp dịch vụ TMĐT...

- Chương IV: Quản lý hoạt động TMĐT bao gồm 2 nội dung + Quản lý hoạt động website thương mại điện tử bán hàng

+ Quản lý hoạt động website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử - Chương V : An toàn, an ninh trong giao dịch điện tử

+ Mục 1: Bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử + Mục 2: An toàn thanh toán trong thương mại điện tử

- Chương VI: Giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm - Chương VII: Điều khoản thi hành

Theo quy định tại Nghị định này, chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết. Chứng từ điện tử cũng có giá trị như bản gốc nếu thỏa mãn được đồng thời hai điều kiện là có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là chứng từ điện tử hay dạng khác. Và thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Đi cùng với công nhận chứng từ điện tử, Nghị định 52 cũng công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Nghị định ghi rõ, chứng từ điện tử được coi là có chữ ký của một bên nếu đã sử dụng một phương pháp để xác nhận được bên ký chứng từ điện tử và xác nhận sự chấp thuận của bên đó đối với thông tin chứa trong chứng từ điện tử được ký...

Tuy nhiên, Nghị định nêu rõ các quy định này không áp dụng cho việc sử dụng chứng từ điện tử là hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hoá đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hay bên hưởng thụ được hưởng quyền nhận hàng hoá, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền nào đó.

Nghị định này áp dụng đối với thương nhân sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại. Tổ chức cá nhân khác sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động có liên quan đến thương mại cũng là đối tượng áp dụng của Nghị định này.

So với Nghị định 57 thì Nghị định 52/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung các quy định rất có giá trị về thương mại điện tử đặc biệt là vấn đề bảo vệ an toàn thông tin cá nhân , an toàn trong thanh toán điện tử mà Nghị định 57 không có. Đây chính là những cơ sở quan trọng, làm nền móng cho các quy định của Luật an toàn thông tin mạng. Mặt khác Nghị định còn quy định chi tiết việc quản lý các hoạt động thương mại điện tử, quy định cách thức hoạt động và quản lý các hình thức này. Điều này đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT tại Việt nam.

Để Nghị định về thương mại điện tử có thể đi vào cuộc sống, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn nữa về việc ứng dụng thương mại điện tử trong các lĩnh vực hoạt động đặc thù như cung ứng hàng hoá dịch vụ kinh doanh có điều kiện, quảng cáo thương mại qua phương tiện điện tử, sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại trực tuyến, chống thư rác, bảo vệ người tiêu dùng và các quy định liên quan khác.

Một phần của tài liệu Bài giảng Pháp luật thương mại điện tử: Phần 1 (Trang 85 - 87)