Kinh nghiệm của Thái Lan

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 65 - 67)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.3.1.2.Kinh nghiệm của Thái Lan

Thái Lan là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Chính phủ Thái Lan đã hết sức chú trọng phát triển KCHT cho sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi và đường giao thông nông thôn. Hiện nay, KCHT của nông thôn Thái Lan vào loại hiện đại bậc nhất ở Đông Nam Á. Để phát triển KCHT nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan đã chủ động áp dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư kêu gọi sự tham gia của tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Trong các dự án phát triển KCHT nông thôn, chính quyền Trung ương và địa phương đóng vai trò duy trì một môi trường đầu tư ổn định với hệ thống luật pháp thống nhất và mức thuế thấp. Chính quyền cấp tỉnh đã ban hành và thực hiện chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào KCHT như: Cảng kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ đạo cho vay tín dụng đối với các chương trình dự án phát triển KCHT nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với phát triển KCHT. Hình thức hợp tác công - tư (PPP) được áp dụng với nhiều công cụ hỗ trợ đa dạng như: Trợ giá xây dựng, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, trợ giá vận hành, thời hạn chuyển giao dài… Các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào các hạng mục hạ tầng như kho bãi, đường giao thông,... [96]

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân, chủ yếu là nông dân nghèo thiếu vốn sản xuất, trên cơ sở ưu đãi về lãi suất. Nông dân Thái Lan có thể vay tín dụng từ hai nguồn chủ yếu là: nguồn cho vay chính thức từ các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan chính phủ, các ngân hàng thương mại và các nguồn cho vay không chính thức như từ thương nhân, cá nhân… Thái Lan đã thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) thuộc Bộ Tài chính và trực tiếp Bộ trưởng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng. 100% nguồn vốn ban đầu của BAAC được tài trợ từ ngân sách nhà nước; BAAC được bảo lãnh vay vốn nước ngoài với các khoản ưu đãi đặc biệt thông qua các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan quy định các ngân hàng thương mại phải gửi 20% vốn đã huy động vào BAAC và dành 70% tổng số tiền gửi cho vay phát triển nông nghiệp [88, tr.80-81]. Chính phủ Thái Lan còn thành lập các Hợp tác xã tín dụng ở nông thôn đáp ứng nhu cầu của xã viên về các lĩnh vực: khuyến khích các xã viên gửi tiền tiết kiệm với lãi suất có thể bằng hoặc cao hơn ngân hàng thương mại; tham gia góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vốn vay cho xã viên để phát triển cơ sở sản xuất...

Sau nhiều năm hoạt động, các tổ chức tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn Thái Lan nói chung và phát triển KCHT nông thôn đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Thái Lan phát triển vững chắc, nhiều sản phẩm của Thái Lan có ưu thế về chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng lên. Qua đó cho thấy, phương thức huy động vốn cho phát triển KCHT nông thôn thông qua nguồn tín dụng cho nông dân kết hợp với đầu tư ngoài nhà nước là một phương cách không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn lao về mặt xã hội. Việc cung ứng tín dụng ưu đãi và phát triển các hạ tầng kinh tế - xã hội không chỉ giúp nông dân nghèo thiếu vốn sản xuất vươn lên xoá đói giảm nghèo, mà còn giúp nông dân có thể khai thác ngày càng tốt hơn các nguồn lực đang còn tồn tại dưới dạng tiềm năng trong từng hộ, từng vùng.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 65 - 67)