2. Khuyến nghị chính sách và giải pháp
2.2. Nhóm giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng
a. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng cơ sở hạ tầng thương mại
- Phát triển giao thông và kinh tế dọc các Hành lang phía Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây nối liền các nước trong Tiểu vùng Mê Công và mở rộng ra các tuyến đường liên quan. Sự phát triển của Hành lang phía Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây cũng như các tuyến đường liên quan trong tiểu vùng Mê Công sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam với Lào, Campuchia phát triển.
5 9
- Đầu tư xây dựng các tuyến đường ra cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, và hành khách giữa Việt Nam và Lào và Campuchia do cùng chung đường biên giới.
- Xem xét đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, bao gồm hệ thống kho hàng, bãi công-ten-nơ, bãi kiểm hóa và giao nhận hàng, hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống chợ tại các khu vực cửa khẩu và biên giới. Quá trình đầu tư cần đảm bảo tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tuân thủ các Hiệp định đã ký kết giữa các bên và các điều ước quốc tế; đồng thời căn cứ vào vai trò, vị trí và đặc điểm của từng cửa khẩu cụ thể, quy mô và xu hướng phát triển thương mại tại mỗi cửa khẩu để quyết định nội dung và quy mô đầu tư cho thích hợp, đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, cần đảm bảo mức độ tương đồng giữa hai bên cửa khẩu, cần có sự bàn bạc cụ thể giữa hai bên khi triển khai các hoạt động nhằm tạo ra sự hợp tác nguồn lực giữa hai bên; đảm bảo việc dễ dàng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại, bảo vệ được môi trường, trật tự an ninh biên giới, phòng chống được buôn lậu, gian lận thương mại và các tệ nạn xã hội; đảm bảo khả năng mở rộng và phát triển bền vững trong tương lai. - Chính phủ các nước quan tâm củng cố và phát triển hệ thống chợ biên giới theo quy hoạch Chợ biên giới đã được phê duyệt, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán trao đổi qua biên giới giữa các nước. Hiện tại, giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Campuchia đã có Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới đến năm 2020, có thể xem xét đầu tư phát triển từng bước theo quy hoạch này, tạo thành khu vực CLV là khu vực của hợp tác phát triển thương mại truyền thống, thúc đẩy sự thịnh vường chung cho khu vực CLV, thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN còn lại.
- Hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử tại các cửa khẩu biên giới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, người và phương tiện qua lại theo lộ trình và điều kiện cho phép: Thủ tục xuất nhập cảnh điện tử, kê khai hải quan, thuế quan điện tử, cấp phép điện tử.
- Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phát triển quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
b. Huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
- Huy động sự tham gia tích cực của hệ thống doanh nghiệp từng nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, theo hướng:
+ Nhà nước tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách phù hợp cho sự phát triển: Chính phủ mỗi nước xác định chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển
+ Đóng góp của doanh nghiệp là tạo động lực cho sự phát triển, khi Nhà nước đã tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, sự thành công của khu vực sẽ xoay quanh kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Thực tế tiềm năng của khu vực CLV là rất lớn và đang được khơi dậy với các dự án đầu tư có quy mô lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Với tiềm năng to lớn chưa được khai thác, Lào, Campuchia đang thu hút các nhà đầu tư Việt Nam khai thác tiềm năng đất đai vào phát triển hợp tác kinh tế trong khu vực theo cơ chế vốn, cơ sở kỹ thuật và thị trường sẵn có của Việt Nam với lao động và tiềm năng đất đai của Lào, Campuchia, Việt Nam sẽ sẵn sàng bao tiêu sản phẩm để chế biến.