Các nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luan an_Nguyen Thi Tuyet Lan (Trang 27 - 31)

5. Cấu trúc của luận án

1.1.2 Các nghiên cứu ở Việt Nam

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, các học giả Việt Nam bắt đầu quan tâm và thực hiện ngày càng nhiều các nghiên cứu về cơ cấu vốn của các doanh nghiệp. Trần Thanh Tú (2006) nghiên cứu về đề tài “Đổi mới cơ cấu vốn của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam hiện nay” trong luận án tiến sỹ của mình. Tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng OLS với bộ số liệu gồm 375 quan sát của các doanh nghiệp nhà nước năm 2005. Tác giả sử dụng biến phụ thuộc là hệ số nợ dài hạn trên tổng vốn và các biến giải thích gồm: chi phí nợ (lãi vay ngân hàng), chi phí vốn chủ sở hữu, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), cơ cấu đầu tư tài sản cố định (tổng tài sản cố định trên tổng tài sản), quy mô vốn chủ sở hữu và biến ngành kinh doanh là biến giả thay cho hệ số beta phản ánh mức độ rủi ro của ngành. Tác giả đưa ra mô hình kết luận về ảnh hưởng của các nhân tố đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nghiên cứu như sau: Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi thì khi lãi vay tăng 1% thì nợ dài hạn giảm 1,1324%; khi ROA tăng 1% thì nợ dài hạn giảm 2,1637%; khi tỷ trọng tài sản cố định trong tổng tài sản tăng 1% thì nợ dài hạn tăng 0,1883%; ngành thương mại dịch vụ và ngành giao thông vận tải có mối quan hệ ngược chiều với nợ dài hạn.

Trong nghiên cứu của mình, Nahum Biger, Nguyễn Văn Nam và Hoàng Xuân Quyền (2008) đã sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp chưa niêm yết tại Việt Nam trong hai năm 2002-2003, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố tác động cơ cấu đến vốn của các doanh nghiệp Việt Nam và dấu tương quan như sau: Quy mô doanh nghiệp (+); Tỷ lệ sở hữu của các nhà quản lý doanh nghiệp (+); Khả năng

sinh lời (-); Lợi ích từ thuế phi nợ vay (-); Tài sản cố định (-); Cơ hội tăng trưởng (+); Thuế thu nhập doanh nghiệp (-). Đặc điểm ngành của doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

Đoàn Ngọc Phi Anh (2010) lại tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính và hiệu quả tài chính theo phương pháp phân tích đường dẫn dựa trên sở số liệu từ báo cáo tài chính trong 3 năm (2007-2009) của 428 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kết quả cho thấy tỷ suất nợ bình quân của

428 doanh nghiệp là 51,74%, trong đó có sự khác biệt khá lớn giữa các doanh nghiệp; các nhân tố hiệu quả kinh doanh, rủi ro kinh doanh và cấu trúc tài sản tác động tỷ lệ nghịch đến cấu trúc tài chính, trong khi nhân tố quy mô của doanh nghiệp lại có tác động tỷ lệ thuận đến cấu trúc tài chính. Đối với hiệu quả tài chính, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của các doanh nghiệp là 17,63% và chỉ tiêu này cũng có sự biến động khá lớn giữa các doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Thanh Nga (2010) lựa chọn phân tích cơ cấu vốn của 45 công ty cổ phần niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian trước ngày 01/01/2009 đã kết luận rằng các nhân tố có tác động đến cơ cấu vốn của công ty giống như lý thuyết trật tự phân hạng là: Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA); tỷ lệ tài sản cố định hữu hình trên tổng tài sản (TANG); Quy mô công ty (SIZE). Các nhân tố như Thuế (TAX), Cơ hội tăng trưởng (GROWTH) lại có tác động trái chiều so với lý thuyết trật tự phân hạng. Nhân tố Tính thanh khoản (LIQ) tác động nghịch với đòn bẩy tài chính. Đặc biệt, nhân tố đặc điểm riêng của tài sản (UNIQ) có tác động tỷ lệ thuận với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng tài sản và có tác động nghịch đối với tỷ lệ nợ dài hạn trên tổng tài sản.

Lê Thị Kim Thư (2012) lại phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn của các công ty cổ phần ngành Bất động sản niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng dữ liệu là báo cáo tài chính của 13 công ty ngành Bất động sản niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí

Minh từ năm 2007 đến năm 2011. Tác giả sử dụng phần mềm SPSS16.0 để xây dựng mô hình và đưa ra kết luận rằng chỉ có 4 yếu tố ảnh hưởng đến tỷ suất nợ của công ty là quy mô vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng trưởng tài sản, tỷ suất sinh lời tài sản và tỷ lệ giá vốn hàng bán.

Lê Thị Mỹ Phương (2012) khi phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu vốn của các công ty cổ phần ngành Xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Nội với số liệu trong 3 năm 2009, 2010, 2011 kết luận rằng chỉ có 4 nhân tố thực sự ảnh hưởng đến tỷ suất nợ của các công ty cổ phần ngành Xây dựng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Nội là: Khả năng thanh toán; Quy mô doanh nghiệp; Tỷ lệ vốn Nhà nước và Rủi ro kinh doanh. Nghiên cứu đã đề xuất được một số giải pháp để hoàn thiện cấu trúc vốn cho doanh nghiệp.

Trần Hùng Sơn (2012) khi nghiên cứu về đặc điểm doanh nghiệp và tốc độ điều chỉnh cơ cấu vốn mục tiêu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Các yếu tố Lợi nhuận doanh nghiệp; Tỷ lệ tài sản cố định; Quy mô doanh nghiệp và các cơ hội tăng trưởng có tác động đến tốc độ điều chỉnh tỷ lệ nợ mục tiêu của các doanh nghiệp này. Dữ liệu phân tích được thu thập từ thông tin tài chính của 187 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (không bao gồm các doanh nghiệp sản xuất cung cấp điện, nước và khí đốt) niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong 4 năm từ năm 2007 đến năm 2010. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đưa ra một số gợi ý cho các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tỷ lệ nợ mục tiêu nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Lê Đạt Chí (2013) được thực hiện nhằm kiểm định những nhân tố giữ vai trò quan trọng trong quyết định cơ cấu vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2010. Nghiên cứu dựa trên nền tảng các lý thuyết truyền thống về cơ cấu vốn (đánh đổi, trật tự phân hạng và thời điểm thị trường), đồng thời xem xét vấn đề trong khuôn khổ lý thuyết tài chính chính hành vi. Kết quả nghiên cứu chỉ ra 6 nhân tố thực sự giữ vai trò quan

trọng là thuế (+), lạm phát (-), tỷ số giá trị thị trường trên giá sổ sách (-), đòn bẩy ngành (+), ROA (-) và hành vi nhà quản trị (+). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc hoạch định cơ cấu vốn của các công ty trong giai đoạn trên không có tương quan đáng kể với lý thuyết đánh đổi nhưng lại có tương quan mạnh với lý thuyết trật tự phân hạng.

Đặng Thị Quỳnh Anh và Quách Hải Yến (2014) phân tích tác động của một số nhân tố đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng các yếu tố không ngẫu nhiên (FEM – Fixed Effect Model) với 10 nhân tố được đưa vào mô hình gồm có: Quy mô doanh nghiệp; Khả năng sinh lợi của doanh nghiệp; Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp; Đặc điểm riêng của tài sản; Tài sản cố định hữu hình; Tính thanh khoản của tài sản; Điều kiện của thị trường chứng khoán; Thuế; Điều kiện thị trường nợ. Dữ liệu được thu thập từ 180 công ty phi tài chính niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2010-2013. Kết quả cho thấy, có 3 nhân tố tác động mạnh đến cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn này, đó là: Quy mô doanh nghiệp, khả năng sinh lợi và thuế. Trong đó quy mô doanh nghiệp và khả năng sinh lợi có tương quan cùng chiều, còn thuế có tương quan ngược chiều với cơ cấu vốn.

Phần lớn các nghiên cứu ở Việt Nam tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, các nghiên cứu về ảnh hưởng của cơ cấu vốn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế. Tiêu biểu là nghiên cứu của Đoàn Ngọc Phúc (2014). Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của cơ cấu vốn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa với nguồn dữ liệu được sử dụng bao gồm 217 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong giai đoạn 2007 - 2012. Các biến độc lập sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm nợ ngắn hạn, dài hạn, tổng nợ và các biến phụ thuộc đo lường hiệu quả kinh doanh bao gồm ROA và ROE. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nợ dài hạn có tác động tích cực đến ROA và ROE, trong khi nợ

ngắn hạn và tổng nợ tác động tiêu cực và có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần bằng ROA và ROE.

Ngoài ra, Dương Thị Hồng Vân (2014) nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến chính sách cơ cấu vốn của doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho biết tác động của một số yếu tố đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp niêm yết cũng tuân theo những qui tắc nhất định như ở nhiều nước trên thế giới, mặc dù vậy, khả năng giải thích của các lý thuyết tài chính doanh nghiệp hiện đại cho chính sách cơ cấu vốn của các doanh nghiệp niêm yết còn hạn chế do đặc điểm tài trợ vốn của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có sự khác biệt với các doanh nghiệp trên thế giới đó là vốn vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với vốn vay dài hạn. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ nghiên cứu chung cho các doanh nghiệp niêm yết mà chưa tính đến đặc điểm riêng của từng ngành.

Một phần của tài liệu Luan an_Nguyen Thi Tuyet Lan (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w