III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ ĐÔNG NAM Á
Mỹ-Trung tranh giành ảnh hưởng đối với ASEAN
TTXVN (voanews.com) - Theo nhận định của giới quan sát, các cuộc tập trận quân
sự đầu tiên giữa Mỹ và 10 nước ASEAN - diễn ra sau các cuộc tập trận quân sự tương tự của khối này với Trung Quốc hồi năm ngoái - cho thấy cả 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc ngày càng hy vọng giành được ảnh hưởng đối với khu vực này theo hướng có lợi cho mình.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông châu Á đưa tin các quan chức quân sự Mỹ và các đối tác đến từ khu vực Đông Nam Á - bao gồm Indonesia, Việt Nam và Philippines - sẽ tổ chức tập trận trong tuần đầu tiên của tháng 9/2019 ở gần Thái Lan. Alan Chong, Phó Giáo sư làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, bình luận: "Đây (các cuộc diễn tập) chỉ là những tín hiệu ngoại giao gián tiếp và không nên suy diễn chúng. Tuy nhiên, cho dù đó là một tín hiệu ngoại giao gián tiếp thì nó cũng được Trung Quốc theo dõi với thái độ nghiêm túc. Vì vậy, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao các cuộc diễn tập này để hiểu ra rằng họ vẫn chưa thực sự có được ASEAN như một đồng minh".
ASEAN có tổng công 630 triệu dân. Tổ chức khu vực này được biết đến nhiều hơn khi họ tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Trung Quốc hồi tháng 10/2018. Trung Quốc và Mỹ đều muốn có ảnh hưởng lớn hơn đối với Đông Nam Á - một khu vực rộng lớn, nơi chính phủ các nước thường tránh chọn đứng về phía bên nào (Washington hoặc Bắc Kinh). Các quốc gia Đông Nam Á thường quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, họ dường như nghiêng về Trung Quốc hơn, còn họ thường quay sang Mỹ trong lĩnh vực an ninh bởi Trung Quốc hay gây áp lực đối với một số nước ASEAN do các tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ.
Các cuộc tập trận với Trung Quốc, sau đó là với Mỹ
Ngày 22/8, trang mạng trực tuyến của báo Bưu điện Bangkok đưa tin: các cuộc tập trận ASEAN-Mỹ sẽ bắt đầu tại căn cứ hải quân ở tỉnh Chonburi của Thái Lan, với sự tham gia của ít nhất 8 tàu hải quân và một số máy bay, và kéo dài tới tỉnh Cà Mau, cực Nam của Việt Nam. Trong khi đó, hãng tin BenarNews.org cho biết Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ sẽ lãnh đạo cuộc tập trận này, tập trung tại Vịnh Thái Lan từ ngày 2-6/9 tới. Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải làm việc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết các nước tham gia tập trận sẽ thực hiện các bài diễn tập "cường độ thấp" như phản ứng trước các vụ tai nạn giả định và làm công tác ứng cứu.
Theo trang web Chinadaily.com, hải quân Trung Quốc và các nước ASEAN cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc hồi tháng 10/2018, trong đó diễn tập tìm kiếm và cứu hộ, cứu nạn cũng như phản ứng trước các cuộc đối đầu bất ngờ.
Năm 2018, thời điểm diễn ra các cuộc tập trận giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, các nhà phân tích nói rằng các hoạt động của ASEAN với Trung Quốc là nhằm giảm bớt những rủi ro ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) - khu vực đang diễn ra những cuộc tranh chấp "nóng" nhất châu Á - và xoa dịu bất kỳ mối quan ngại nào ở Đông Nam Á về vai trò quân sự vượt trội của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp này. Các nước thành viên ASEAN như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines hiện có tranh chấp với Trung Quốc trên diện tích 3,5 triệu km2 biển. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích vùng biển giàu tài nguyên này, kéo dài từ Hong Kong tới Borneo. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến các nước khác lo ngại khi tiến hành bồi đắp, cải tạo các đảo nhỏ dùng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, vào năm 2017, nước này bắt đầu đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm ngăn chặn những tình huống rủi ro. Bắc Kinh thường chỉ trích các nước khác, trong đó có Mỹ, vì đã can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Theo quan điểm của Trung Quốc, những tranh chấp này nên được giải quyết trong nội bộ khu vực. Washington không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng phản đối việc Trung Quốc thống trị và chi phối vùng biển này.
Chính sách trung lập
Philippines đang tăng cường các cuộc tập trận hàng năm với Hải quân Mỹ, và vào tháng 3/2019, một tàu sân bay của Mỹ đã tới thăm Việt Nam. Tất cả những động thái này đều khiến Trung Quốc thất vọng. Giới chuyên gia cho rằng bằng cách tập trận với Mỹ vào tháng tới, ASEAN muốn chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng nước này ở thế trung lập giữa Washington và Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Koh nói: "Tôi cho rằng các cuộc tập trận này cũng nhằm nhấn mạnh một điều là sẽ không có chính sách ngoại lệ trong vấn đề thúc đẩy quốc phòng và can dự an ninh với các nước bên ngoài". Theo ông, một ngày nào đó, ASEAN có thể tổ chức các cuộc tập trận với các nước khác, chứ không phải chỉ với Trung Quốc hay Mỹ. Nhà nghiên cứu Koh nói thêm: "Vì vậy, tôi cho rằng ASEAN chỉ đơn giản muốn làm sáng tỏ khái niệm 'hòa đồng' chứ không phải khái niệm 'ngoại lệ' mà Trung Quốc đang đề xuất".
Các cường quốc đối địch
Mỹ, cựu thù thời Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc và là một đối thủ kinh tế thời nay của Bắc Kinh, đã bắt đầu tăng số lượng các chuyến tuần tra hàng hải ở khu vực Biển Đông hồi năm 2017 dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hồi tuần trước đã cáo buộc Trung Quốc có hành động "cưỡng ép" khi phái một tàu thăm dò dầu khí vào vùng biển mà Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Mỹ hiện có lực lượng quân đội lớn lớn mạnh nhất thế giới, còn Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3.
TRUNG QUỐC