III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ ĐÔNG NAM Á
Cuộc chiến thương mại với Mỹ gây chia rẽ giới lãnh đạo Trung Quốc TTXVN (npr.org) Khi Nhà Trắng quyết định đánh thuế đối với các mặt hàng
TTXVN (npr.org) - Khi Nhà Trắng quyết định đánh thuế đối với các mặt hàng
nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ đã bất đồng về câu hỏi liệu cuộc chiến thương mại dài hơi này có phải là một đường lối hành động khôn ngoan hay không? Bây giờ, Bắc Kinh cũng đang chia rẽ như vậy.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ trong chính phủ khi họ đưa ra những cách tiếp cận trái ngược nhau nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ. Một số người ủng hộ việc ký một thỏa thuận càng sớm càng tốt để bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc; trong khi một nhóm gồm các nhân vật theo đường lối diều hâu đang ngày càng đông đúc biện luận rằng Trung Quốc nên phản kháng Mỹ và ngăn
ngừa một thỏa thuận bằng mọi giá. Trong bối cảnh các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị bước vào vòng thứ 13 của các cuộc đối thoại thương mại trong tháng 9 này, cả hai bên hiện chưa đưa ra dấu hiệu rõ ràng nào về những điều họ hy vọng đạt được từ một cuộc tranh cãi đã tồn tại lâu hơn tất cả mọi dự đoán.
Ngày 26/8, hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc dường như đã bày tỏ mong muốn giảm bớt căng thẳng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của nước này, nói: “Trung Quốc mong muốn giải quyết bất đồng về thương mại với Mỹ thông qua những cuộc đàm phán bình tĩnh và kiên quyết phản đối việc làm leo thang cuộc xung đột thương mại này”.Về phần mình, ông Trump cũng bày tỏ sự đồng tình khi nói với báo giới sau một cuộc họp của nhóm G7 tại Pháp rằng ông đánh giá những bình luận của phó thủ tướng Trung Quốc là “một điều tích cực”.
He Weiwen, cựu tùy viên thương mại tại các lãnh sự quán Trung Quốc, và cũng là một chuyên gia về thương mại, nhận định: “Khi hai nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận ở Osaka, các đều kiện cần được duy trì nguyên trạng để hai bên có thể bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp tốt”. Chuyên gia này cũng tỏ ra phân vân không biết liệu chính quyền Trump có đang đàm phán một cách nghiêm túc, hay chỉ đang kéo dài thời gian. Ông nói: “Có vẻ như phía Mỹ đã đóng lại cánh cửa đối thoại. Điều này thật quá nguy hiểm”.
Sự thất vọng trong giới lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lớn, kể cả ở Bộ Ngoại giao, vốn là bên lớn tiếng nhất trong việc công khai kêu gọi ký kết một thỏa thuận thương mại. Ruan Zongze - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một hãng tư vấn thuộc Bộ Ngoại giao - nói: “Không có điểm mấu chốt nào hết. Và bất cứ khi nào bạn lập ra một điểm mấu chốt, thì tất cả đều có thể dễ dàng sụp đổ”. Theo Ruan, việc Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng đã làm dấy lên những nghi ngờ tại Trung Quốc về việc liệu Mỹ có tôn trọng các điều khoản của một thỏa thuận thương mại hay không. Ông nói: “Nhiều người ở Trung Quốc sẽ nói rằng nếu chúng ta ký một thỏa thuận, liệu nó có thực sự hiệu lực hay không, và hiệu lực đó sẽ kéo dài bao lâu? Lòng tin đang bị mất dần”. Một nhóm gồm các nhân vật diều hâu, mà đa số thuộc tổ hợp quân sự-công nghiệp quyền lực, đang ngày càng lớn tiếng về vấn đề này. Họ lập luận rằng một thỏa thuận thương mại là không cần thiết, trái ngược hoàn toàn với các bộ ngoại giao và thương mại, vốn luôn công khai ủng hộ một thỏa thuận. Dai Xu, một sĩ quan cấp cao thuộc lực lượng không quân Trung Quốc, viết trong một bài báo đăng trên mạng hồi tháng 5/2019: “Hiện nay, Trung Quốc đang phải chiến đấu trong hai mặt trận dù chỉ trong một chiến trường với Mỹ - đó là một sự kết hợp giữa mặt trận kinh tế và quân sự”. Trước đó, Dai Xu cũng viết trong một bài bình luận hồi tháng 1/2019 rằng “Trump trước tiên sẽ lấy tiền của chúng ta, sau đó là mạng sống của chúng ta”. Dai Xu cho biết những bất đồng thương mại của Bắc Kinh với Washington đã đánh dấu sự khởi đầu của một “cuộc chiến dai dẳng”, một khái niệm do cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông phổ cập trong dân chúng trong giai đoạn Trung Quốc chiến tranh chống Nhật Bản và hiện đang ngày càng được sử dụng nhiều trong các bài bình luận trên truyền thông nhà nước nhằm mô tả chiến lược đàm phán thương mại của Trung Quốc.
Ông Dai Xu và những người đồng quan điểm đang kêu gọi một cuộc chiến trường kỳ, trong đó Trung Quốc sẽ bền bỉ hơn so với các đối thủ của mình, dù có phải trả giá bằng thương mại toàn cầu. Ý tưởng này dường như thu hút những người tin rằng hệ thống độc đảng của nước họ và sự kiểm soát của hệ thống đối với hầu hết các đòn bẩy tiền tệ và tài chính quan trọng sẽ giúp họ đánh bại Mỹ trong cuộc chơi.
Shen Yi, giảng viên môn quan hệ quốc tế của trường Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), viết trên một trang tin thuộc sự kiểm soát của nhà nước hồi tháng 6/2019: “Kết quả của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không thể xác định bằng cách tính toán rằng hai nước đã bỏ ra bao nhiêu, mà bằng khả năng chịu đựng tổn thất của họ. Bạn có thể có nhiều tiền hơn nhưng sức bền của bạn lại kém tôi.”
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đã quá đề cao khả năng của mình. Jin Canrong, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc và là một trong những nhà bình luận chính sách ngoại giao nổi tiếng nhất Trung Quốc, trong các bình luận phổ biến hồi tháng 7/2019 đã nhận định: “Giữa Trung Quốc và Mỹ, Mỹ vẫn là bên mạnh hơn còn Trung Quốc yếu hơn. Vì vậy, một mối quan hệ tốt đẹp Trung-Mỹ có tầm quan trọng với Trung Quốc hơn là Mỹ”. Phát biểu trong một sự kiện tại Thượng Hải, Jin đã đưa ra một dự báo liều lĩnh rằng một thỏa thuận có thể sẽ được ký kết muộn nhất vào tháng 11 tới, do sức ép từ các khoản thuế đang hạ bớt các triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Nếu chiến tranh thương mại kéo dài và các dây chuyền cung ứng từ trung đến cao cấp đều rời bỏ Trung Quốc, điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với tiềm năng phát triển của Trung Quốc trong tương lai”.
Mùa Hè này, Trung Quốc đã ghi nhận những chỉ số kinh tế yếu kém, trong khi nền kinh tế Đức cũng suy giảm từ suốt tháng 4 đến tháng 6. Các nhà kinh tế cho rằng những bất ổn của các chính sách thương mại đã góp phần gây ra sự giảm tốc toàn cầu này. Các nhà kinh tế có quan điểm ôn hòa ở Trung Quốc hiện hy vọng rằng cuộc chiến thương mại ít nhất có thể đem lại cho các nhà hoạch định chính sách một vỏ bọc để thông qua các cải cách thị trường mà mở rộng điều lệ đầu tư nước ngoài và mở cửa hệ thống tài chính với các nhân tố nước ngoài - những cải cách mà giới bình luận cho là đã đến quá muộn. Wang Huiyao - Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một hãng tư vấn tại Bắc Kinh chuyên cố vấn về các vấn đề thương mại và kinh tế cho chính phủ - nhận định: “Đường lối của đảng và cả sự đồng lòng của nhân dân là điều mà Trung Quốc cần thay đổi”. Wang cho rằng hai nước nên nhanh chóng ký kết một thỏa thuận thương mại để Trung Quốc có thể tập trung năng lượng vào các chính sách, chẳng hạn như xúc tiến nhanh việc cải cách các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Ông nhấn mạnh: “Các bạn không thể trông chờ vào một thỏa thuận hoàn hảo. Bất cứ lúc nào Tổng thống Trump cũng là người có thể quyết định chiến thắng”.
CẠNH TRANH MỸ - TRUNG