Học tập chẳng những là nhu cầu khách quan, nhu cầu của xã hội đối với mỗi người nói chung và sinh viên nói riêng, mà học tập còn là nhu cầu nội tại của mỗi người. Học tập, đó chính là quá trình định hướng quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, nhân cách đạo đức ở sinh viên. Tuyệt đại đa số sinh viên đều nhận thức đúng đắn nhiệm vụ học tập của mình. Học để nắm vững tri thức, nâng cao hiểu biết cho mình, cho xã hội. Học tập để trang bị cho mình một ngành nghề để nuôi sống mình, gia đình và góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội, đất nước.
Nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình về nhiệm vụ học tập, sinh viên có động cơ học tập nghiêm túc, khoa học, chủ động trong học tập, lo lắng đến kết quả học tập. Điều đó biểu hiện trong các hành động:
Để chuẩn bị tri thức nghề nghiệp cho tương lai, nhiều sinh viên cùng một lúc học hai trường đại học với các chuyên ngành khác nhau. Ngoài ra sinh viên còn tận dụng thời gian dỗi học thêm tin học, ngoại ngữ và nhiều môn khoa học khác đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn xã hội.
Động cơ học tập của sinh viên hiện nay còn được phản ánh qua động cơ chọn ngành nghề học. Điều tra xã hội học mà đề tài cấp bộ mã số B98-36-42 thực hiện tại một số trường đại học khu vực phía bắc đã phản ánh như sau:
- 16% sinh viên chọn ngành, nghề theo sở thích. - 34% chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng.
- 14% chọn ngành, nghề có điều kiện phát triển những năng lực cá nhân. - 11% chọn ngành, nghề có thu nhập cao.
- 16% chọn ngành, nghề mà xã hội cần.
Như số liệu điều tra ở trên có khoảng 80% số sinh viên chọn ngành, nghề có động cơ đúng đắn, xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân và xã hội, mà ít chạy theo những ngành nghề có thu nhập cao nhưng không phù hợp với khả năng. Điều này tạo ra một tâm lý yên tâm, ổn định, hứng thú trong quá trình học tập.
Động cơ học tập của sinh viên còn được thể hiện ở ý thức học tập. Theo đánh giá của một số cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý các trường đại học phía bắc thì có 17% sinh viên có ý thức học tập tích cực, 47 % có ý thức học tập bình thường, 31 % ý thức kém và không biểu hiện là 11% [48, tr. 43]. Như vậy, tư tưởng bình quân chủ nghĩa trong ý thức học tập của sinh viên đã được khắc phục nhiều. Tỷ lệ sinh viên có thái độ học tập tích cực, có học lực khá giỏi có chiều hướng tăng. Nhiều sinh viên đã mạnh dạn, tích cực tham gia vào nghiên cứu khoa học, một công việc mới mẻ đầy tính mạo hiểm và gian nan. Theo báo cáo của 55 trường đại học trong năm 1999 - 2000 đã có gần 10.000 đề tài nghiên cứu khoa học với sự tham gia của gần 20.000 sinh viên. Nhiều đề tài trong số đó đã đạt giải thưởng của quĩ VIFOTEC, giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ tính riêng các trường đại học ở Hà Nội đã có 195 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải cấp Bộ [56, tr. 8].
Bên cạnh đại đa số sinh viên nhận thức và có động cơ học tập đúng đắn thì còn không ít những sinh viên chỉ học những môn chính, học những ngành mà ra trường dễ có thu nhập cao. Do phải đi học thêm, làm thêm nhiều dẫn đến tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi cử, sinh viên bỏ tiết, đi học muộn đối với những môn học ít liên quan đến nghề nghiệp sau này nhưng lại rất quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, nhân cách, nhân cách đạo đức như Triết học, Đạo đức học...Nhìn chung, chất lượng học tập của sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước.
Nhận thức và động cơ học tập là yếu tố quyết định tinh thần học tập của mỗi sinh viên. Phần lớn sinh viên hiện nay có tinh thần học tập chăm chỉ, tận dụng hết thời gian và khả năng cho phép để học tập, nhưng còn không ít sinh viên chưa có thái độ và tinh thần học tập nghiêm túc, học với tinh thần "trung bình chủ nghĩa", "miễn là qua", học đối phó, học tủ. Một bộ phận sinh viên ấy hoặc bỏ tiết, trốn học, hoặc đi học muộn. Điều tra xã hội học tại các trường đại học phía bắc với câu hỏi: Sinh viên có đi học muộn không ? có 13% cho đây là hiện tượng phổ biến, 46% phần lớn có đi học muộn, 35% cho đây là hiện tượng không nhiều lắm, chỉ có 5% khẳng định chỉ có trường hợp cá biệt mới phải đi học muộn [47, tr. 49]. Như vậy, sinh viên đi học muộn đang là một hiện tượng phổ biến tại các trường đại học, đã có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của quá trình giảng dạy trong nhà trường. Bên cạnh việc phát huy tính kỷ luật tự giác của sinh viên, nhà trường và giáo viên cần có biện pháp cụ thể để khắc phục hiện tượng trên, nếu không sẽ hình thành trong sinh viên nếp sống lề mề, chậm chạp, không có kỷ cương... Đây là những tác phong không phù hợp với yêu cầu của nhịp sống công nghiệp hiện nay.
Tinh thần học tập được thể hiện trên cả hai mặt: học tập trên lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô và tự nghiên cứu ngoài giờ. Trong số sinh viên được hỏi về tinh thần học tập trên lớp chỉ có 11% cho là có tinh thần học tập tích cực, 78% đồng ý với ý kiến có nhiều bạn tích cực, nhưng cũng có nhiều bạn lười, 10% cho là có quá nhiều bạn lười. Về thời gian tự học ở nhà có 27% sinh viên trả lời học 5 tiếng trở lên trong 1 ngày, 47% học từ 2- 4 tiếng, 14% học từ 1-2 tiếng và hầu như không học chiếm đến 8% số sinh viên được hỏi [48, tr. 48]. Chúng ta đều biết rằng, học ngoài giờ là một hoạt động không thể thiếu được ở người đi học. Đây là thời gian trau dồi lại những kiến thức đã tiếp thu trên lớp, biến thành những tri thức của riêng mình, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Bởi "tài năng hình thành từ 99% cần cù và chỉ 1% do cảm hứng tạo ra" [47].
Kết quả điều tra cho chúng ta thấy rõ, tinh thần học tập của sinh viên chưa cao, còn bỏ phí quá nhiều thời gian và điều kiện để học tập. Do không có tinh thần học tập nghiêm túc, chỉ học đối phó, học cho xong nên hiện tượng sinh viên không học, đến kỳ thi là mang sách ra phô tô, quay cóp, giở sách đã trở thành một tệ nạn trong thi cử. Việc vi phạm qui chế thi, mà sâu xa hơn là quá trình đào tạo những sinh viên chỉ "dán mác" bằng cấp mà không có nội dung tri thức là điều không thể tránh khỏi.
Khi được hỏi bạn có thấy bạn mình làm những việc sau đây không? - Mang tài liệu vào phòng thi: 48% sinh viên được hỏi đồng ý có. - Trao đổi với nhau trong khi làm bài: 36% được hỏi đồng ý có. - Sử dụng tài liệu trong khi làm bài: 24% được hỏi đồng ý có.
- Không có hiện tượng trên: 14% sinh viên được hỏi đồng ý có [48, tr. 48]. Số liệu điều tra phản ánh rõ ràng rằng, dù Qui chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã qui định nếu mang tài liệu vào phòng thi là bị hủy bài thi nhưng vẫn có đến 48% số sinh viên cố tình vi phạm qui chế thi. Số sinh viên có ý thức chấp hành qui chế thi chỉ chiếm một con số khiêm tốn 14% tương ứng với số sinh viên có tinh thần học tập tích cực ở số liệu điều tra trên. Một tệ nạn xã hội xuất hiện trong quá trình thi cử đó là tệ đi thi hộ, thi hộ vào đại học, thi hộ hết môn, thi hộ không chỉ ở trong trường mà sinh viên trường này đi thi hộ sinh viên trường khác... Xảy ra tình trạng này cũng có một phần do các cán bộ, giám thị chưa nghiêm túc trong khi làm nhiệm vụ, tạo điều kiện cho sinh viên vi phạm qui chế thi. Đạo đức học đường xuống cấp đang đặt ra những vấn đề bức xúc. Bởi vì, quá trình học tập, quá trình đào tạo không chỉ là quá trình hình thành tri thức lý luận, tri thức khoa học, mà đồng thời còn là quá trình rèn luyện, bồi dưỡng những nhân cách đạo đức tốt đẹp trong mỗi con người. V.I. Lênin đã dạy: phải làm cho toàn bộ sự
nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên.