7. Kết cấu của luận văn
2.3.1. Ngày, tháng, năm lập di chúc
Đây là một vấn đề mà hầu hết các loại văn bản đều yêu cầu thực hiện. Việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là việc làm đơn giản, nhưng nó lại rất quan trọng. Trong những trường hợp nhất định, việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc quyết định giá trị pháp lý của di chúc. Ví dụ, trường hợp một người lập nhiều bản di chúc định đoạt một loại tài sản, thì bản di chúc sau cùng của người đó có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 5 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 5 Điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005).
Việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là một quy định bắt buộc đối với di chúc bằng văn bản (điểm a khoản 1 Điều 656 Bộ luật dân sự năm 1995 và điểm a khoản 1 Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005). Việc quy định như vậy thể hiện tầm quan trọng của việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc vì nó thể hiện thời điểm người để lại di sản lập di chúc, là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét hiệu lực pháp luật của di chúc, đồng thời nó cũng là căn cứ cho việc giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra. Ví dụ trong trường hợp một người mắc bệnh tâm thần đến mức không điều chỉnh được hành vi của mình. Trước khi vào điều trị tại bệnh viện tâm thần, người đó đã
viết một bản di chúc định đoạt tài sản, nhưng lại không ghi ngày, tháng, năm lập di chúc. Sau khi người đó chết, người thừa kế theo di chúc của người đó yêu cầu được chia thừa kế theo di chúc. Những người thừa kế khác thì không đồng ý chia di sản theo di chúc vì họ cho rằng di chúc được lập khi người để lại di sản đã mắc bệnh tâm thần và đang điều trị tại bệnh viện. Do di chúc không ghi ngày, tháng, năm lập di chúc nên việc xác định thời điểm người để lại di sản lập di chúc người đó đã mắc bệnh tâm thần đến mức phải vào điều trị tại bệnh viện tâm thần hay không, người đó có điều chỉnh được hành vi dân sự hay không là một vấn đề khó khăn cho cơ quan xét xử. Trong trường hợp này, Tòa án yêu cầu người đề nghị chia thừa kế theo di chúc phải chứng minh thời điểm lập di chúc. Nếu họ không chứng minh được thời điểm lập di chúc, người để lại di sản hoàn toàn minh mẫn thì di chúc đó không có hiệu lực pháp luật. Tòa án bác yêu cầu chia thừa kế theo di chúc và chia thừa kế theo pháp luật, nếu các đương sự có yêu cầu.
Như vậy, trong trường hợp nói trên, các đương sự đều thừa nhận về việc người để lại di sản lập di chúc… nhưng chỉ vì di chúc không ghi ngày, tháng, năm lập di chúc nên di chúc không có giá trị pháp lý.
Việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là điều kiện bắt buộc đối với di chúc theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Ở Cộng hòa Pháp và Nhật Bản, việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc cũng được quy định tương tự. Theo quy định Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa Pháp, vấn đề này được quy định tại Điều 970; còn ở Nhật Bản, việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc được quy định tại Điều 968 Bộ luật dân sự Nhật Bản [5], [8].