Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế,

Một phần của tài liệu các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của bộ luật dân sự (Trang 41 - 43)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.4. Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế,

thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế

Đây là quyền của người lập di chúc được quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 648 Bộ luật dân sự năm 2005) [6], [7].

Chỉ định người thừa kế là hành vi của người lập di chúc cho phép người nào đó được hưởng phần tài sản thuộc sở hữu của mình, thông qua việc lập di chúc. Một nội dung không thể thiếu được của di chúc đó là: Ai là người được hưởng di sản và được hưởng những tài sản nào, số lượng, đặc điểm, chủng loại tài sản. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế là người bất kỳ, mà không bó buộc trong số những người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Người lập di chúc cũng có quyền chia cho người này nhiều hơn người kia, chia cho người này động sản, người kia bất động sản, người khác quyền tài sản mà không buộc phải chia đều cho những người đã được chỉ

định. Việc chỉ định người thừa kế và phân định di sản cho người thừa kế là một nội dung không thể thiếu của di chúc.

Người bị truất quyền hưởng di sản phải là người được thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể chỉ rõ trong di chúc những người thừa kế theo pháp luật nào của người lập di chúc bị truất quyền hưởng thừa kế. Tuy nhiên, có nhiều di chúc, người lập di chúc chỉ chỉ định người được hưởng thừa kế theo di chúc, vậy những người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc có bị coi là người bị truất quyền quyền hưởng di sản hay không. Bàn về vấn đề này, hiện nay trong khoa học pháp lý còn có hai quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người lập di chúc có di chúc chỉ định một số người thừa kế theo pháp luật hoặc những người khác được hưởng thừa kế theo di chúc, thì những người thừa kế theo pháp luật còn lại là người bị truất quyền hưởng di sản. Những người theo quan điểm này cho rằng, đây là hình thức truất quyền hưởng di sản gián tiếp. Nếu như người để lại di sản không có di chúc thì đương nhiên những người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản, cho nên nếu như di chúc đã định đoạt toàn bộ tài sản thì đương nhiên những người thừa kế theo pháp luật còn lại (nếu người được hưởng thừa kế theo di chúc là một hoặc một vài người thừa kế theo pháp luật) đã bị truất toàn bộ quyền hưởng di sản. Nếu di chúc chỉ định đoạt phần lớn di sản, phần di sản còn lại được chia theo pháp luật thì cũng chính là việc người lập di chúc đã truất một phần quyền hưởng di sản của những người thừa kế theo pháp luật.

- Quan điểm thứ hai cho rằng, những người thừa kế theo pháp luật

không phải là người bị truất quyền hưởng di sản trong trường hợp di chúc đã định đoạt di sản cho những người khác, mà họ chỉ là những người không được hưởng thừa kế theo di chúc mà thôi. Những người thừa kế theo pháp luật không được hưởng di sản thừa kế vì người lập di chúc đã định đoạt toàn bộ di sản cho

người thừa kế theo di chúc, nên không còn di sản để chia. Những người theo quan điểm này lập luận rằng, những người bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thường là những người làm cho người lập di chúc phải buồn phiền, đau lòng… khi còn sống. Còn những người không được chỉ định thừa kế theo di chúc chỉ là những người không được người lập di chúc yêu quý. Mặt khác, trong trường hợp di chúc chưa định đoạt toàn bộ di sản thì phần di sản còn lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật, mà người bị truất quyền hưởng di sản thì không được chia. Như vậy, rõ ràng người không được hưởng thừa kế theo di chúc và người bị truất quyền hưởng thừa kế hoàn toàn khác nhau.

Chúng tôi thấy rằng, quan điểm thứ hai là có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần có ý kiến chính thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tránh những cách hiểu khác nhau.

Trên thế giới không phải chỉ riêng Bộ luật dân sự Việt Nam quy định quyền này cho người lập di chúc. Điều 893 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định:

Trong trường hợp người để lại thừa kế đã tuyên bố bằng di chúc loại bỏ một người thừa kế giả định nào đó, thì người thực hiện di chúc phải yêu cầu Tòa hôn nhân gia đình quyết định ngay lập tức sau khi di chúc đã có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này việc hủy bỏ quyền thừa kế hồi tố trở lại thời điểm người để lại di chúc chết [8].

Như vậy, Bộ luật dân sự Nhật Bản cũng quy định quyền truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế. Tuy nhiên, thủ tục yêu cầu thực hiện việc truất quyền có chặt chẽ hơn so với pháp luật dân sự Việt Nam.

Một phần của tài liệu các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của bộ luật dân sự (Trang 41 - 43)