Hoàn thiện phương pháp và nội dung thẩm định tài chính dự án

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án trong cho vay tại chi nhánh nhct ba đình đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng (Trang 69 - 72)

Với những hạn chế còn tồn tại trong phương pháp và nội dung thẩm định tài chính dự án, để nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án ngân hàng cần hoàn thiện một số nội dung sau:

 Về thẩm định tổng chi phí đầu tư và nguồn tài trợ.

Vì vai trò quan trọng của tổng đầu tư nên công tác thẩm định tổng vốn đầu tư của dự án cần được thực hiện kỹ lưỡng, ngay cả đối với các dự án đã được phê duyệt tổng mức đầu tư của cấp có thẩm quyền. Tất cả các chi phí đầu tư phải có căn cứ hợp lý dựa trên tham khảo các dự án tương tự, thông tin ngành, thông tin thực tế của doanh nghiệp. Mức dự phòng cho các chi phí cần được xác định hợp lý trên cơ sở phân tích các yếu tố có thể tác động đến dự án như lạm phát, biến động tỷ giá,…

Hiện nay theo thông tư số 03/2005/ TT – BXD tổng dự toán của 1 công trình xây dựng gồm đầy đủ các khoản mục sau: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí dự phòng, chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác của dự án. Với các dự án đầu tư vào thiết bị thi công cần tính toán đầy đủ các chi phí sau: chi phí mua sắm thiết bị (giá mua, chi phí vận chuyển, lưu kho lưu bãi (nếu có), chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có)…), chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, chi phí dự phòng.

Trường hợp khách hàng là công ty cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, trình dự án đầu tư sản xuất mà không có vốn lưu động ròng thì ngân hàng nên bổ sung thêm phần chi phí này vào tổng vốn đầu tư của dự án.

Việc xem xét tính khả thi của các nguồn tài trợ khác cũng cần được thẩm định kỹ hơn, đặc biệt là nguồn vốn chủ sở hữu. Hiện nay Ngân hàng Công thương Việt Nam quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án phải đạt mức 30%. Đây là tỷ lệ lớn vì vậy tính khả thi của nguồn này có ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi của tổng vốn đầu tư, do đó cán bộ tín dụng cần thẩm định kỹ càng dựa trên sự phân tích tình hình tài chính cụ thể của doanh nghiệp, cần chỉ rõ phần vốn chủ đầu tư tham gia được lấy từ bộ phận nào của vốn chủ sở hữu, hiện tại số dư của các bộ phận này có thực sự đủ để đáp ứng lượng vốn cần thiết tham gia dự án hay không.

 Về thẩm định kế hoạch kinh doanh của dự án trên phương diện tài chính.

Vì việc tính toán các chi phí trong lĩnh vực xây dựng có sự điều chỉnh của các quy định của Bộ xây dựng (như chi phí nhân công, chi phí máy thi công, phương pháp tính khấu hao...) nên khi thẩm định yếu tố chi phí cán bộ tín dụng phải chú ý đến các văn bản này. Bên cạnh đó không thể thiếu việc so sánh với mức giá cả hiện tại trên thị trường, với các đơn vị khác trong ngành xây dựng khi thẩm định tính hợp lý của doanh thu, chi phí của dự án. Đồng thời với các yếu tố xác định phức tạp do liên qua đến lĩnh vực kỹ thuật, ngân hàng cần thuê tư vấn hoặc tham khảo các dự án tương tự đã đi vào hoạt động.

 Về thẩm định dòng tiền của dự án.

Hiện tại để việc tính toán dòng tiền dự án được chính xác hơn, cán bộ thẩm định cần tính đến dòng tiền thu hồi sau đầu tư, nhất là đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp ngành xây dựng tại chi nhánh. Hầu hết các dự án này đầu tư vào thiết bị máy móc thi công và được tính khấu hao hết vào năm cuối của dự án. Tuy nhiên trên thực tế tuổi thọ của các máy móc này dài hơn rất nhiều so với vòng đời của dự án, vậy nên sau khi dự án kết thúc phần thu hồi từ thanh lý tài sản có giá trị đáng kể, do đó ảnh hưởng đến độ chính xác của dòng tiền.

Mặt khác, đối với các dự án có vốn đầu tư dàn trải trong nhiều năm thì cán bộ thẩm định nên xác định lượng vốn cụ thể chi ra trong các năm đó rồi quy về năm 0, không nên đưa tất cả vốn đầu tư vào thời điểm năm 0.

 Về xác định tỷ lệ chiết khấu.

Theo nguyên tắc nhất quán giữa việc áp dụng lãi suất chiết khấu và cách xác định dòng tiền, với dòng tiền dự án hàng năm là lợi nhuận sau thuế và khấu hao thì lãi suất chiết khấu áp dụng cho dự án là lãi suất bình quân tài trợ cho dự án. Do chi phí vốn chủ sở hữu cao hơn lãi vay của ngân hàng nên mức lãi suất bình quân này cũng sẽ cao hơn mức lãi cho vay của ngân hàng.Tuy nhiên hiện nay việc xác định lãi suất cho vốn chủ sở hữu còn nhiều khó khăn, vì vậy ngân hàng có thể lấy lãi suất cho vay dự án cộng thêm một phần bù rủi ro nhất định. Nhưng để có sự thống nhất về mức phần bù rủi ro đối với mỗi dự án cần có quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư, quy mô và thời gian thực hiện dự án. Với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro như xây dựng thì lãi suất chiết khấu áp dụng trong thẩm định nên bằng lãi suất cho vay cộng với mức phần bù cao nhất có thể.

Trường hợp lãi suất chiết khấu được xác định bằng lãi suất cho vay tại chi nhánh hiện nay thì dòng tiền hàng năm phải được tính = LNST + KHCB + lãi vay phải trả cho ngân hàng trong năm tương ứng.

Thống nhất về quan điểm lãi suất chiết khấu sẽ giúp ngân hàng tính toán hợp lý hơn về khả năng trả nợ của khách hàng, và có thể so sánh được các dự án với nhau.

 Về hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính.

Bên cạnh các chỉ tiêu cơ bản đang áp dụng là NPV, IRR, thời gian hoàn vốn vay, điểm hoà vốn trung bình năm, ngân hàng cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu hỗ trợ như hệ số hoàn vốn có hiệu chỉnh, tỷ lệ lợi ích chi phí, chỉ số doanh lợi, điểm hoà vốn cả đời dự án vì ý nghĩa tương ứng của từng chỉ tiêu (đã được trình bày trong chương I ). Mặc dù không thể đánh giá dự án nếu chỉ

có các chỉ tiêu này nhưng sự có mặt của chúng đi kèm với các chỉ tiêu cơ bản sẽ giúp việc đánh giá dự án được chính xác hơn.

 Về lập bảng dự trù tài chính.

Ngoài bảng báo cáo kết quả kinh doanh như hiện nay, ngân hàng cần lập thêm các bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán cả đời dự án để việc đánh giá dự án được toàn diện hơn. Các bảng trung gian cũng nên lập đầy đủ tạo điều kiện cho khâu tái thẩm định, tư vấn, xét duyệt cho vay.

 Về phân tích rủi ro dự án.

Trong thực tế rất ít khi có trường hợp một yếu tố đầu vào thay đổi, vì vậy với phương pháp phân tích độ nhạy đang sử dụng hiện nay, ngân hàng nên xem xét sự biến động của các chỉ tiêu tài chính dự án dưới sự tác động đồng thời của nhiều yếu tố.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều yếu tố đầu vào thường được cố định bởi các hợp đồng cung cấp thì dự án vẫn khá an toàn. Mặt khác, phương pháp phân tích độ nhạy không được tính toán dựa trên sự phân bố xác suất nên khó có thể lượng hoá được cơ bản các chỉ tiêu hiệu quả tài chính trong những trường hợp tốt nhất và xấu nhất so với cơ sở. Vì vậy để đánh giá rủi ro dự án một cách toàn diện và chính xác hơn, ngân hàng nên áp dụng thêm phương pháp phân tích tình huống và phương pháp phân tích mô phỏng.

Tóm lại, để chất lượng thẩm định tài chính dự án được tốt hơn, ngân hàng cần chú trọng hơn đến việc xây dựng một hệ thống nội dung và phương pháp thẩm định tài chính hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án trong cho vay tại chi nhánh nhct ba đình đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng (Trang 69 - 72)