BIỆN PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH NHNo&PTNT HUYỆN KỲ ANH HÀ TĨNH
3.2.1 Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng
Con người là một yếu tố quan trọng vừa là nền tảng, vừa là động lực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Với lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động tín dụng thì con người được coi là yếu tố tác động quyết định đến công tác quản trị rủi ro. Nếu đội ngũ cán bộ được sử dụng đúng đắn sẽ đẩy lùi được điểm yếu, phát huy được điểm mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng. Ngược lại, cán bộ được sử dụng mà không có năng lực và đạo đức sẽ dẫn tới thiệt hại khôn lường.
Trước hết là ngân hàng cần có chế độ tuyển dụng rõ ràng để thu hút các nhân viên có trình độ cao, tác phong làm việc công nghiệp, năng động, trẻ trung. Tức là trong khâu tuyển dụng nhân viên toàn ngân hàng nói chung và cho phòng tín dụng nói riêng cần phải đưa ra những tiêu chuẩn đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, công việc sẽ được giao.
Những tiêu chuẩn khi lựa chọn nhân viên tín dụng có thể được khái quát: + Có kiến thức, được đào tạo có kỹ năng để xử lý các thông tin liên quan đến công việc của mình. Như vậy mới đủ năng lực để giải quyết các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Tư cách phẩm chất đạo đức tốt đồng thời phải có khả năng giao tiếp để khi tiếp xúc với người đi vay tạo ra được sự tin tưởng đối với khách hàng, thuận lợi trong công tác tìm hiểu khách hàng.
+ Tìm tòi học hỏi, có chứng kiến để nâng cao kiến thức, thể hiện được bản lĩnh, ý chí vươn lên trong mọi hoạt động để khẳng định năng lực bản thân.
+ Khả năng phân tích, dự đoán các sự kiện kinh tế, xã hội cùng như xu hướng phát triển của nó. Đây là tầm nhìn của mỗi người tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn ngân hàng. Kinh nghiệm của bản thân dược đặt lên hàng đầu có thể sẽ đem đến những dự đoán chính xác.
+ Thực hiện tốt các văn bản chế độ của trong ngành, ngoài ngành, chấp hành đầy đủ các bước trong quy trình kỹ thuật nghiệp vụ khi cho vay.
Dựa vào những tiêu chuẩn trên, NHNo&PTNT huyện Kỳ Anh cần định kỳ kiểm tra đánh giá lại trình độ của cán bộ công nhân viên.
Để nâng cao trình độ phù hợp với xu thế phát triển cho đội ngũ cán bộ tín dụng, ngân hàng nên có chính sách tập huấn, hướng dẫn, đào tạo và đào tạo lại đặc biệt là kiến thức về thẩm định dự án. Ngoài ra, do phạm vị hoạt động của ngân hàng tập trung chủ yếu là nông nghiệp nông thôn nên trang bị, đào tạo cho cán bộ tín dụng các kiến thức về nông nghiệp. Điều này có thể thực hiện bằng:
+ Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, thuê các chuyên gia tới giảng dạy, hướng dẫn cho cán bộ tín dụng khi có điều kiện, cho hoặc cử cán bộ đi học lên trình độ cao hơn, các lớp do NHNN mở.
+ Khuyến khích, động viên cán bộ tự nghiên cứu tài liệu nâng cao tầm hiểu biết trong khi ngân hàng chưa có điều kiện cho tập huấn.
+ Cán bộ tín dụng cũ kèm cặp hướng dẫn, trao đổi cho cán bộ tín dụng mới về công việc phải làm cũng như kinh nghiệm.
+ Trao đổi, giao lưu học hỏi với các ngân hàng khác trên địa bàn.
Bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ cần phải được đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ và vi tính. Như vậy với những kiến thức này sẽ tăng khả năng
đọc tài liệu tham khảo nước ngoài và hoàn thành công việc nhanh, chính xác hơn.
Để phát huy tối đa năng lực của mỗi người, ngân hàng nên sắp xếp vị trí công việc sao cho phù hợp. Đồng thời với những nhóm khách hàng khác nhau sẽ giao cho từng nhóm cán bộ tín dụng quản lý riêng. Chính sự chuyên môn hoá này sẽ giúp cho quá trình quản lý khách hàng chặt chẽ hơn, dễ dàng nắm bắt thông tin đầy đủ chính xác, chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định, do đó hạn chế được rủi ro tín dụng.
Yêu cầu mỗi cán bộ không ngừng tự tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm công việc. Cán bộ ở vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu thực hiện. Điều này sẽ giúp xử lý công việc hiệu quả hơn, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại người khác tạo ra tích cực trong quản lý. Ngược lại, dù cho chính sách tín dụng, quy trình tín dụng có cụ thể khoa học hợp lý đến đâu chỉ vì lợi ích các nhân mà làm việc trái với lương tâm nghề nghiệp thì hậu quả gây ra không thể lường trước được.
Ngân hàng nên định kỳ, đột xuất kiểm tra công việc, thái độ tiếp xúc với khách hàng, nhằm đánh giá, phát hiện nhanh những hành động sai trái. Trên cơ sở đó, những cán bộ nào đạt kết quả không tốt sẽ chịu hình thức xử phạt: kiểm điểm, thuyên chuyển công tác…Còn những cán bộ nào tốt nên động viên, khuyến khích bằng vật chất lẫn tinh thần, vì họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công việc khó khăn vất vả phức tạp do đó cần có chính sách đãi ngộ thích hợp. Lợi ích này phải thể hiện qua chế độ lương, thưởng. Việc thưởng phạt này giúp cán bộ phấn khởi lên, làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình, cố gắng, dẫn tới hiệu quả trọng hoạt động kinh doanh sẽ dược đẩy mạnh và phát triển.