Xây dựng hệ thống khách hàng

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kỳ anh - hà tĩnh (Trang 60 - 62)

BIỆN PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH NHNo&PTNT HUYỆN KỲ ANH HÀ TĨNH

3.2.2Xây dựng hệ thống khách hàng

Trước khi ra quyết định cho vay, ngân hàng cần tìm kiếm thông tin liên quan về khách hàng, từ đó có thể phân tích, đánh giá, nhận xét hiệu quả sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ của khách hàng. Thay vì mỗi lần khách hàng đến vau vốn ngân hàng đều phải thu thập thông tin thì ngân hàng sẽ xây dựng hệ thống khách hàng. Xây dựng hệ thống khách hàng có hiệu quả không những giúp cho ngân hàng dễ dàng đánh giá khách hàng, từ đó lựa chọn được những khách hàng tốt làm ăn có lãi để mở rộng, đầu tư tín dụng và hạn chế thấp nhất rủi ro mà nó còn giúp ngân hàng ổn định đầu ra.

Để hệ thống khách hàng được phát huy tối đa thì công tác lựa chọn và phân loại khách hàng là hết sức quan trọng. Đối với mỗi khàch hàng khác nhau, ngân hàng cần có chính sách lôi kéo, thu hút khác nhau. Tiêu thức phân loại khách hàng được đề ra trên cơ sở tìm hiểu tham khảo kỹ lưỡng tiêu chuẩn phân loại ở ngân hàng khác và so sánh đối chiếu với khả năng, thực trạng của ngân hàng mình. Các khách hàng có thể được chia thành hai nhóm:

Nhóm 1: bao gồm các khách hàng là hộ sản xuất Nhóm 2: bao gồm các khách hàng là doanh nghiệp

Với những khách hàng thuộc nhóm 1 thì ngân hàng phải chủ động tăng cường đầu tư có trọng điểm theo các hướng:

+ Đối với hộ sản xuất kinh doanh lớn: tăng mức độ đầu tư cho khách hàng theo quy mô mở rộng sản xuất kinh doanh hộ, đầu tư vào các làng nghề chế biến sản phẩm; thực hiện đầu tư khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là phải chú trọng đầu tư phát triển vào trồng cây công nghiệp và trang trại chăn nuôi.

+ Đối với hộ sản xuất nhỏ: thông qua các tổ chức xã hội như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ… để thực hiện cho vay qua tổ tín chấp. Để thực hiện việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các tổ, đặc biệt cần phải lựa chọn tổ trưởng tốt cán bộ tín dụng phụ trách từng địa bàn có uy tín, trách nhiệm với nhân dân để tạo thuận lợi cho việc vay mượn cũng như công tác thu hồi nợ. Tham gia xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi nội đồng, khu du lịch.

Khách hàng thuộc nhóm 2 phân thành 4 loại như sau:

+ Doanh nghiệp loại A: là doanh nghiệp mạnh, có tình hình tài chính ổn địn, khả năng thanh toán cao, có uy tín, sức mạnh trên thị trường. Khách hàng này không nhiều, thường là các doanh nghiệp nhà nước hay một số doanh nghiệp lớn có uy tín. Ngân hàng nên đưa ra những biện pháp nhằm thu hút, tiếp cận khách hàng. Ngân hàng có thể cho hưởng một số ưu đãi như: cung cấp dịch vụ đi kèm và nếu vay vốn quá một mức nào đó thì lãi suất cho vay thấp hơn quy định.

+ Doanh nghiệp loại B: không phải là doanh nghiệp loại A tuy nhiên vẫn là các doanh nghiệp có tình hình tài chính tương đối ổn định. Đó là các hộ sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, có tiềm năng phát triển chủ yếu là các mặt có liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp. Đây chính là đối tượng khách hàng quan trọng để ngân hàng đầu tư và tạo mối quan hệ tốt đẹp lâu dài.

+ Doanh nghiệp loại C: là doanh nghiệp ở trong tình trạng căng thẳng về tình hình tài chính. Ngân hàng cần hết sức chú ý, thận trọng vì nếu không thẩm định kỹ càng trước khi cho vay mà quyết định cho vay thì đem lại cho ngân hàng rủi ro rất lớn.

+ Doanh nghiệp loại D: Là doanh nghiệp không còn định hướng phát triển, đứng bên bờ phá sản. Tất nhiên với đối tượng này là không cho vay vốn.

Trên cơ sở phân loại đó, ngân hàng cần có chiến lược khàch hàng đầy đủ và tương đối cụ thể bao gồm các chính sách hợp lý với từng loại đối tượng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cần tạo ra sự quan tâm đến với tất cả khách hàng phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng cũng như đường lối của nhà nước.

Để phân loại khách hàng ngân hàng thực hiện chấm điểm cho khách hàng. Các tiêu chí được lựa chọn có thể bao gồm: tư cách pháp nhân, khả năng thanh toán, vòng quay vốn, thực trạng kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình công nợ, mức lợi nhuận, sức mạnh tài chính…Điểm của khách hàng là căn cứ cho việc quyết định nên cấp tín dụng hay không và được cấp thì bao nhiêu là phù hợp. Điều đáng nói ở đây là với tình trạng chấm điểm khách hàng hiện nay là bằng tay thì sẽ mất rất nhiều thời gian, dễ mắc phải nhầm lẫn, sai sót vì lượng khách hàng, chỉ tiêu đánh giá rất nhiều, đôi khi làm việc qua loa, đại khái, phụ thuộc vào ý kiến chủ quan. Để hạn chế được tình hình này, ngân hàng cần thiết có phần mềm chấm điểm tự động tuy nhiên vẫn phải điều chỉnh cho thích hợp với từng thời kỳ.

Như vậy, xây dựng hệ thống khách hàng ngày càng hoàn thiện sẽ vừa mở rộng hoạt động tín dụng, vừa hạn chế rủi ro tín dụng.

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kỳ anh - hà tĩnh (Trang 60 - 62)