Mô hình giải thích hoạt động Mặt trờ

Một phần của tài liệu khảo sát chu kỳ hoạt động thứ 24 của mặt trời (Trang 31 - 35)

Như chúng ta đã biết hoạt động Mặt trời chính là sự biến đổi điện từ trường của nó. Nguyên nhân chính gây nên từ trường của Mặt trời là các dòng chuyển động plasma. Từ trường của Mặt trời rất lớn và phức tạp, do đó để có thể giải thích cặn kẽ cơ chế hoạt động của Mặt trời là điều không dễ dàng. Các nhà khoa học với sự trợ giúp của kĩ thuật hiện đại và những vệ tinh họ đã đề xuất một số mô hình giải thích các hoạt động của Mặt trời nhằm mục đích giải thích cơ chế hoạt động từ trường của Mặt trời. Đã có nhiều mô hình được nêu ra nhưng trong số đó đáng chú ý nhất là mô hình của Babcock (1961) sau đó được Leighton bổ sung (1964,1969), mô hình Babcock dựa trên nền cơ sở là thuyết từ thủy động học MHD (the magnetohydrodynamical ), theo Babcock từ trường Mặt trời gồm hai thành phần là trường cực (Poloidal field lines), dọc theo kinh tuyến, và trường xoắn (Toroidal field lines), bao quanh Mặt trời theo vĩ tuyến.

Vào đầu mỗi chu kỳ, từ trường phân cực Bắc – Nam dọc theo trục cực như một lưỡng cực từ (diople), các đường sức từ phân bố dọc theo kinh tuyến. Do chuyển động vi sai giữa các lớp Mặt trời có vận tốc khác nhau tùy thuộc vào vĩ độ nên các đường sức từ bị xoắn lại tạo thành trường xoắn. Quá trình này gọi là hiệu ứng Ω.

Do Mặt trời quay từ Tây sang Đông các đường sức từ bị kéo dãn quấn quanh Mặt trời, khi cường độ đủ mạnh chúng trồi lên bề mặt và có sự vặn xoắn các đường sức từ theo

phương kinh tuyến tạo thành những vòng đường sức từ (magnetic loops), kết quả tạo thành những cặp vết đen định hướng Đông – Tây, vết dẫn trước ở phía Đông, vết kéo theo ở phía Tây (giải thích được định luật Joy). Vết dẫn trước ở hai nửa bán cầu có phân cực ngược nhau. Vết kéo theo thì gần cực hơn và có phân cực ngược với cực từ của vết dẫn trước ở bán cầu đó.

Quá trình tiếp theo là sự tái lặp từ trường cực, vào giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ các cặp vết đen lưỡng cực mất dần liên kết với các đường sức từ. Vết dẫn trước trôi về xích đạo, tại đây có sự triệt tiêu từ trường lẫn nhau, còn vết kéo theo ở hai bán cầu sẽ trôi về phía cực từ, tại cực từ có sự triệt tiêu với từ trường ban đầu và hình thành nên lưỡng cực từ mới, ngược hướng với từ trường ban đầu, giải thích sự đảo cực từ của từ trường Mặt trời, kết thúc một chu kỳ hoạt động Mặt trời, quá trình này gọi là hiệu ứng α, như vậy, sau một chu kỳ kế tiếp thì sự phân cực từ trường Mặt trời mới được lặp lại.

Mô hình Babcock đã cơ bản giải thích được một số tính chất của hoạt động Mặt trời nhưng vẫn chưa đề cập đến chu kỳ 11 năm, nguyên nhân hiệu ứng α và nguồn gốc từ trường ban đầu.

 Mô hình dòng chảy kinh:

Ngày nay ta biết rằng Mặt trời có cấu trúc lớp và sự tự quay của các lớp khí không giống nhau, giả thuyết đặt ra là lớp quay chuyển tiếp giữa vùng bức xạ và vùng đối lưu là nguyên nhân gây nên hiện tượng Dynamo Mặt trời.

Mô hình dòng chảy kinh do bà Mausumi Dikpati và Paul Chabonneau đề xướng, trong đó dòng chảy kinh (Meridional Flow) là những dòng chảy trên bề mặt trời theo hướng kinh tuyến, dòng chảy này thực chất là những dòng plasma và là một vòng khép kín, dòng chảy bắt đầu từ vĩ độ thấp gần xích đạo đi ngược về phía cực từ sau đó chuyển xuống dưới vùng đối lưu (≈ 0,7 R) trở về xích đạo, tốc độ dòng chảy ở nhánh trên lớn hơn tốc độ dòng chảy ở nhánh dưới.

Những dòng chảy này “chở” các vết đen về phía vùng cực làm triệt tiêu chúng và thiết lập cực từ mới gây nên sự đảo cực từ trường Mặt trời, như vậy, theo bà Mausumi Dikpati việc đảo cực từ trường nhanh hay chậm là do tốc độ của dòng chảy kinh và chiều dài của một chu kỳ có liên quan đến tốc độ này.

Ở mỗi chu kỳ tốc độ dòng chảy này khác nhau, chu kỳ có tốc độ dòng chảy nhanh thì kết thúc nhanh hơn và ngược lại. Sự bổ sung của mô hình này cho phép giải thích được việc đảo cực chậm của chu kỳ 23 vừa qua, là do tốc độ dòng chảy kinh “chở” các vết kéo theo về cực Nam chậm hơn về cực Bắc nên dẫn đến việc cực Nam đảo cực từ chậm hơn cực Bắc. Nếu tính được tốc độ của những dòng chảy kinh trong những chu kỳ hoạt động Mặt trời sẽ rất có ích trong việc tiên đoán cũng như khảo sát chu kỳ hoạt động thực tiễn sẽ diễn ra.

Một phần của tài liệu khảo sát chu kỳ hoạt động thứ 24 của mặt trời (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)