VẬN HÀNH VÀ QUẢN LÝ
6.3. QUY TRÌNH VẬN HÀNH HÀNG NGÀY
Nắm rõ nguyên lý hoạt động tự động và hoạt động bằng tay của các thiết bị điện và điều khiển và thao tác vận hành như sổ tay hướng dẫn thao tác.
Kiểm tra các thiết bị trước khi vận hành như: bơm, van khóa trên đường ống, đồng hồ đo áp lực và lưu lượng, phao mực nước, máy thổi khí, tủ điện điều khiển…
Hàng ngày phải tiến hành phân tích các chỉ tiêu chủ yếu trong nước thải đầu ra, có biện pháp xử lý cụ thể, hiệu quả, kịp thời khắc phục các sự cố khi có hiện tượng bất thường.
Nếu người công nhân vận hành không xử lý được cần tiến hành các biện pháp khắc chế tạm thời, sau đó nhanh chóng báo cáo cho bộ phận chuyên môn xử lý.
Hệ thống vận hành theo hai chế độ bằng tay và tự động, phải đảm bảo 2 chế độ này luôn hoạt động để có thể xử lý kịp thời các sự cố.
Ghi chép đầy đủ các thông số hàng ngày, tiến hành bảo trì sữa chữa theo đúng lịch trình và thời gian vận hành.
Thường xuyên vớt rác tại song chắn rác, đồng thời làm vệ sinh sạch sẽ song chắn rác để nước thải lưu thông qua song được dễ dàng. Rác được vớt bỏ vào thùng chứa mang tập trung đến bãi rác của xí nghiệp, hợp đồng với công nhân vệ sinh mang đi đến bãi rác tập trung.
Quá trình phân hủy hiếu khí và thời gian thích nghi của các vi sinh vật diễn ra trong bể Aerotank thường diễn ra rất nhanh, do đó thời gian khởi động bể rất ngắn. Các bước tiến hành như sau:
− Kiểm tra hệ thống khí nén, các van cung cấp khí; − Cho bùn hoạt tính vào bể.
Trong bể Aerotank, quá trình phân hủy của vi sinh vật phụ thuộc vào các điều kiện sau: pH của nước thải, chất dinh dưỡng, nhiệt độ, nồng độ bùn và tính đồng nhất của nước thải. Do đó cần phải theo dõi các thông số pH, nhiệt độ, nồng độ COD, nồng độ MLSS, SVI, DO được kiểm tra hàng ngày, chỉ tiêu BOD5, nitơ, photpho chu kỳ kiểm tra 1 lần/ tuần.
Cần có sự kết hợp quan sát các thông số vật lý như độ màu, độ mùi, độ đục, lớp bọt trong bể cũng như dòng chảy. Tần số quan sát là hàng ngày.
Yêu cầu đối với một người vận hành: − Nắm vững công nghệ;
− Theo dõi, phân tích định kỳ, quan sát sự biến động, các yếu tố bất thường; − Ghi chép, lưu trữ thông tin chính xác dễ tìm;
− Quan sát vận hành;
− Cảm quan của người vận hành là mùi, màu và bọt của hệ thống.
Sự thay đổi màu biểu hiện hoạt động của hệ thống xử lý, chất rắn lơ lửng dạng rã, mịn cũng gây màu, màu của chính nước thải nguyên thủy.
Hệ thống hoạt động tốt thường không gây mùi.
Bọt thể hiện rõ nhất tình trạng của hệ thống. Nếu có hiện tượng:
− Quá nhiều bọt trắng: Sinh khối đang trong giai đoạn thích nghi hay hồi phục, quá tải, thiếu oxy, thiếu dưỡng chất, nhiệt độ biến đổi, hàm lượng chất hoạt động bề mặt cao, hiện diện các chất độc;
− Bọt nâu: vi khuẩn hình que, thiếu dưỡng chất, tạo sinh khối đặc, tải trọng hữu cơ thấp, nước thải có chứa dầu mỡ;
− Bọt đen: Nước có màu, thiếu oxy, quá tải, kèm theo mùi tanh của bùn; − Vậy bùn tốt là bùn có màu socola và bọt màu vàng nâu nhạt.